Ngày 21-7, TP Cần Thơ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh tại Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) phối hợp tổ chức Hội nghị “Nhận diện các vấn đề khó khăn trong thu hút đầu tư và giao thương quốc tế tại ĐBSCL”
Tại đây các chuyên gia cùng nhà đầu tư đã đưa ra những đánh giá thực tiễn về điều kiện cũng như khung pháp lý về đầu tư đặt trong bối cảnh vùng.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ đánh giá ĐBSCL này cần có những chiến lược thu hút nguồn vốn đầu tư của cả doanh nghiệp trong và ngoài nước một cách hiệu quả, tận dụng triệt để các thế mạnh vốn có.
Ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ |
Tính đến quý II/2023, tỉnh Long An và TP Cần Thơ hiện đang là các địa phương dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư với nhiều dự án nổi bật, lượng vốn nước ngoài đăng ký đầu tư lớn.
Bên cạnh các nhóm ngành trọng điểm như lúa gạo, thủy sản, rau quả, ĐBSCL đang có tiềm năng lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Đây được đánh giá là ngành công nghiệp tiềm năng, nếu Vùng có thể phát triển được thì sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho khu vực nói riêng và còn cả Việt Nam nói chung.
Cần có cảng biển, cảng sông
Các nhà đầu tư trong nước ngoài đều có chung quan điểm rằng các doanh nghiệp này đều rất quan tâm đến phát triển hoạt động kinh doanh tại ĐBSCL. Tuy vậy, phía doanh nghiệp cũng đề cập đến các vấn đề còn tồn tại - nổi cộm nhất liên quan đến hệ thống hạ tầng giao thông kết nối giữa trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước đến các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và nội Vùng chưa đồng bộ và thiếu tính liên kết, tình trạng không ổn định về hạ tầng.
Đánh giá từ góc độ Tổ chức xúc tiến đầu tư nước ngoài, ông Matsumoto Nobuyuki – Trưởng đại diện văn phòng Tổ chức Thúc đẩy ngoại thương Nhật Bản tại TP.HCM (JETRO) cho biết có đến 60% doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam bày tỏ sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam. Tuy nhiên hiện các doanh nghiệp cho rằng vẫn còn khó khăn, trong đó có vấn đề hạ tầng giao thông, cần thiết phải có giao thông thông suốt từ TP.HCM đến vùng ĐBSCL.
Vận chuyển hàng hoá trên sông Hậu đoạn thuỷ phận TP Cần Thơ. Ảnh: HD |
Cùng chung quan điểm, ông Dixon Oh – Phó chủ tịch Hiệp hội thương mại Singapore tại Việt Nam đánh giá: “Cơ sở hạ tầng ở ĐBSCL đang ở giai đoạn hoàn thiện về đường sá, sân bay, bến cảng. Tuy nhiên, cần đầu tư thêm cơ sở hạ tầng như giao thông, cảng biển, cảng sông, hệ thống logistics để hoàn thiện tính kết nối vùng và đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng. Điều này sẽ giúp nền kinh tế ĐBSCL có những đặc điểm chính là phát triển vùng, sản xuất liên kết, theo xu thế phát triển, đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện đại cũng như giảm chi phí logistics”.
Nói về tác động của hệ thống logistics đến sự tăng trưởng của xuất khẩu tại ĐBSCL, PGS. TS Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát Triển Logistics Việt Nam (VLI) đánh giá hệ thống hạ tầng kỹ thuật như hiện nay là không tương xứng với những tiềm năng mà khu vực này đang sở hữu. Cụ thể, các tỉnh thành trong khu vực đều đang phụ thuộc vào các cảng biển tại TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu; chỉ có 3/13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL có kho lạnh thương mại (Long An, Hậu Giang và Cần Thơ).
Bốc dỡ hàng hoá tại cảng Cái Cui (Cần Thơ) |
Mặt khác, tình trạng một số cảng biển tại TP.HCM thường xuyên quá tải, dẫn tới phí dịch vụ, lưu bãi và thời gian chờ kéo dài... chi phí logistics quá cao đã trở thành gánh nặng, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của sản phẩm.
Theo bà Hòa, để "khơi thông" dòng chảy logistics, các địa phương cần đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng: giao thông, kho bãi, tối ưu hóa các phương án logistics để giảm chi phí, hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, bà Hòa cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động tạo liên kết phối hợp linh hoạt, hình thành mạng lưới để cùng nhau phát triển theo hướng bền vững, liên kết chuỗi cung ứng.
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản
Bên cạnh đó, ông Dixon Oh cũng cho rằng cần có sự phát triển bền vững giữa các thành phần kinh tế trong nền kinh tế vùng. “Đóng góp của ngành nông nghiệp còn lớn đối với nhiều nền kinh tế ở các tỉnh, thành ĐBSCL. Thành tựu lớn nhất trong phát triển công nghiệp là công nghiệp chế biến nông sản. Vì vậy, nâng cao giá trị gia tăng của ngành chế biến nông sản ĐBSCL cần được ưu tiên. Đặc biệt, có ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển trong vùng ĐBSCL” – ông Dixon Oh kiến nghị.
Bên cạnh đó theo ông Dixon Oh, giá nhân công ở ĐBSCL tương đối thấp hơn so với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Do đó, các nhà đầu tư nước ngoài mong muốn vùng ĐBSCL luôn sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực tại chỗ cho phát triển công nghiệp. Trong đó, ĐBSCL cần chú trọng phát triển giáo dục khoa học và công nghệ vì chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố then chốt để thu hút các nhà đầu tư. Điều này cũng sẽ đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của cả nước nói chung và ĐBSCL nói riêng.
Thu mua mít ở miền Tây. Ảnh: HD |
Đồng thời chuyển dịch theo hướng giáo dục nghề nghiệp, tăng năng suất lao động, áp dụng công nghệ cao và mô hình tăng trưởng sáng tạo sẽ hỗ trợ quá trình công nghiệp hóa vùng ĐBSCL.
Ngoài cơ sở hạ tầng, một vấn đề cố hữu khác của khu vực và của cả nước liên quan đến khung khổ pháp lý, quy trình thủ tục để nhà đầu tư an toàn hoạt động.
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp, giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực pháp lý, phòng ngừa rủi ro trong kinh doanh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực, thu hút thêm nhiều nguồn vốn đầu tư chất lượng cao, VIAC, VCCI Cần Thơ cùng Hiệp hội các tỉnh thành khu vực ĐBSCL đã ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác.