Bộ trưởng GTVT trải lòng về giao thông Miền Tây

(PLO)- Bộ GTVT đang tập trung nghiên cứu làm sao đột phá được cảng biển, ĐBSCL phải có cảng nước sâu để tập trung toàn bộ hàng hoá xuất nhập khẩu qua cảng này.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 22-4, tại Hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ trưởng Bộ GTVT, ông Nguyễn Văn Thể đã thông tin về hiện trạng hạ tầng giao thông ĐBSCL và các kế hoạch phát triển giao thông cho vùng.

Là người con của vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Thể bày tỏ trăn trở của mình khi chứng kiến nhiều người dân bỏ quê lên Bình Dương, Bình Phước làm thuê. ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế nhưng người dân vẫn còn rất nghèo, hệ thống hạ tầng giao thông là một trong những nguyên nhân kiềm hãm sự phát triển của vùng này.

Theo ông Thể, hiện Bộ GTVT đã hoành thành 5 quy hoạch chuyên ngành và được Thủ tướng phê duyệt 4 còn 1 đang chờ ký. Theo đó, quy hoạch xác định phát triển hướng kết nối giao thông từ ĐBSCL đến TP.HCM thông qua các tuyến cao tốc, tuyến đường thuỷ làm sao cho việc đi lại thuận lợi hơn, phát triển hết tiềm năng lợi thế của vùng.

Tuyến cap tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: HD

Tuyến cap tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Ảnh: HD

“Chúng ta có 5 loại hình vận tải thì ĐBSCL thiếu đường sắt, 4 loại hình còn lại chỉ đáp ứng như cầu đi lại của người dân không đáp ứng phát triển kinh tế”, Bộ trưởng Bộ GTVT thông tin.

Theo ông Thể, thực trạng hiện nay ĐBSCL có rất nhiều quốc lộ nhưng chỉ có quốc lộ 1 là có nhiều đoạn được 4 làn xe, còn lại chỉ có 2 làn xe, như vậy thì vùng không thể phát triển được.

Bộ Trưởng Bộ GTVT cho biết vào dịp Lễ 30-4 tới đây, tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ được khánh thành chính thức đưa vào sử dụng kết nối với tuyến TP.HCM – Trung Lương.

Hiện nay Bộ cũng đang triển khai tuyến cao tốc lớn là Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc, cao tốc An Hữu – Cao Lãnh từ đó hoàn chỉnh kết nối trục dọc - ngang. “Nếu thực hiện đúng kế hoạch thì 5 năm tới, ĐBSCL sẽ có đến 448km đường cao tốc, tăng gấp 10 lần so với hiện nay. Đường rộng, vận chuyển hàng hoá lưu thông thuận lợi thì thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn. Nhiệm kỳ này nếu mà chúng ta phát triển được vậy thì đó là niềm mơ ước của người dân, đáp ứng như cầu phát triển kinh tế xã hội. Tôi tin rằng toàn bộ khu vực ĐBSCL sẽ chuyển động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển thương mại”, Bộ trưởng Thể kì vọng.

Bên cạnh đó Bộ trưởng Thể đánh giá vùng ĐBSCL có lợi thế kết nối với Campuchia, khi hệ thống giao thông hoàn chỉnh thì vùng sẽ trở thành điểm trung chuyển hàng qua Campuchia.

Phải có đột phá về cảng biển

Còn đường thuỷ nội địa rất thuận lợi nhưng thời gian qua phát triển chưa tốt, vận chuyển hàng hoá đường thuỷ hạn chế, tập trrung vào đường bộ.

“Không thể nào vận chuyển hàng triệu tấn hàng hoá từ ĐBSCL lên TP.HCM mà tốn kém nhiều như hiện nay nữa. Tại sao vùng có nhiều cảng mà ta không phát triển. Do đó Bộ tập trung nghiên cứu làm sao đột phá được cảng biển, ĐBSCL phải có cảng nước sâu để tập trung toàn bộ hàng hoá xuất nhập khẩu qua cảng này”, Bộ Trưởng thể đặt vấn đề.

Bóc dỡ hàng hoá hoá tại Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: HD

Bóc dỡ hàng hoá hoá tại Cảng cá Trần Đề (Sóc Trăng). Ảnh: HD

Bộ trưởng BGTVT cho biết, ĐBSCL có 12 cảng nhưng duy chỉ có cảng Cái Cui là trọng tải khoảng 20.000 tấn nhưng luồng vào thì chỉ đáp ứng 10.000 tấn còn lại chỉ đáp ứng 5.000 tấn thì không thể vận chuyển đi xa được.

Hiện Bộ đang nghiên cứu phát triển cảng Hòn Khoai (Cà Mau) thành điểm trung chuyển lớn với Vịnh Thái Lan; Cảng Trần Đề thì phát triển từ bờ ra biển là 7-8km, kêu gọi nhà tư xây dựng cảng nước sâu, khi đó hàng hoá sẽ tập trung hết vào đây.

Còn về hàng không thì ĐBSCL có 4 cảng trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế. Tuy nhiên hiện chỉ mới phát huy được Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc. Riêng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ công suất khoảng 10 triệu hành khách nhưng hiện chỉ khai thác 1 triệu hành khách/năm, hầu như người ta chỉ lên TP HCM.

Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ. Ảnh: HD

Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ. Ảnh: HD

Hiện Bộ GTVT cũng đang tích cực tìm giải pháp làm sao phát triển cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ như huy động các doanh nghiệp, cộng đồng cùng nhau phát triển, đặc biệt là những người dân đồng bằng. Bộ trưởng Thể gợi ý các địa phương vùng có thể khuyến khích cán bộ đi công tác từ sân bay Cần Thơ thay vì lên TP HCM. Bên cạnh đó, Bộ cũng nghiên cứu tăng đường băng sân bay Phú Quốc.

Về phát triển đường sắt Bộ đồng ý với kiến nghị của Cần Thơ về thực hiện tuyến đường sắt Cần Thơ-TP.HCM. Hiện Bộ đang làm việc đơn vị tư vấn làm sao để làm tuyến đường sắt Cần Thơ – TPHCM, khi đủ điều kiện thì trình Quốc Hội phê duyệt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm