Cảng biển nước sâu trung chuyển đầu tiên của Việt Nam

Tân Cảng – Cái Mép do tổng công ty Tân cảng Sài Gòn (Quân cảng Sài Gòn) làm chủ đầu tư, giai đoạn I được khởi công ngày 9.1.2007. Giai đoạn II được chủ đầu tư khởi công ngày 9.1.2009 với sự hợp tác của ba hãng tàu lớn trên thế giới là MOL (Nhật Bản), Hanjin (Hàn Quốc) và Wanhai (Đài Loan).

Đây là mô hình liên doanh mới giữa cảng với các hãng tàu được Thủ tướng Chính phủ lần đầu tiên cho thí điểm tại Việt Nam. Tổng mức đầu tư cho toàn bộ cảng là 4.253 tỉ đồng, trong đó gồm 300 m cầu tàu, 20 ha bãi container, 3 cẩu bờ Post Panamax và hệ thống điều hành TOP X, cùng nhiều trang thiết bị khác.

Tân Cảng – Cái Mép được xem là cảng nước sâu trung chuyển hoàn chỉnh đầu tiên và lớn nhất trong cụm cảng số 5 theo quy hoạch cảng biển đã được Chính phủ phê duyệt. Từ khi tàu Premium trọng tải 73 nghìn DWT chở 6.000 container 20 feet lần đầu tiên cập Tân Cảng – Cái Mép 3.6.2009), đánh dấu lần đầu tiên hàng xuất nhập khẩu Việt Nam bắt đầu trực tiếp đi Mỹ và châu Âu, đến nay, cảng đã tiếp nhận 596 tàu, trong đó có 266 tàu mẹ, tổng sản lượng thông qua 430 nghìn teus (tương đương 5,7 triệu tấn).

Năm 2010, sản lượng thông qua cảng chiếm 65% thị phần toàn bộ cảng khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu.Tại buổi lễ khai trương, phó thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, sự kiện này đã đánh dấu một mốc son lịch sử của ngành cảng biển Việt Nam, tạo sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Cảng Tân Cảng – Cái Mép còn đặt nền móng cho quá trình phát triển ngành công nghiệp ligistics và sự ra đời tuyến vận chuyển container Campuchia – Đồng bằng sông Cửu Long đến cảng trung chuyển quốc tế đầu tiên của Việt Nam.

Theo CA HẢO (SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm