Nhà đầu tư phải tránh trái phiếu '3 không', 'nắm người có tóc'

(PLO)-  Mỗi năm hệ thống ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế khoảng 1,4 - 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó có khoảng 45% là vốn trung dài hạn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 19-4, Báo Người Lao Động tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp".

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính cho rằng: Trái phiếu doanh nghiệp là kênh huy động vốn trung và dài hạn rất quan trọng cho nền kinh tế. Mỗi năm hệ thống ngân hàng cung ứng vốn cho nền kinh tế đâu đó khoảng 1,4 - 1,5 triệu tỉ đồng, trong đó có khoảng 45% là vốn trung dài hạn.

Ước tính giai đoạn từ năm 2022 - 2025, mỗi năm cần khoảng 3,15 triệu tỉ đồng để đầu tư toàn nền kinh, trong đó vốn từ nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 25% - 26%, còn lại phải huy động nguồn lực bên ngoài. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của thị trường vốn nói chung và thị trường trái phiếu doanh nghiệp nói riêng.

Khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định, vững mạnh sẽ góp pần đa dạng hoá kênh đầu tư, đồng thời cũng là kênh huy động nguồn vốn nhàn rỗi của người dân và doanh nghiệp, điều này giúp góp phần hạn chế tình trạng vàng hoá, đô la hóa trong nền kinh tế.

Thị trường trái phiếu hiện nay vẫn còn rất non trẻ, mới chỉ hơn 10 năm và chỉ phát triển tương đối nhanh, mạnh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Vốn huy động qua thị trường chứng khoán gồm cả cổ phiếu và trái phiếu tương đương 26% tổng lượng vốn cung ứng ra nền kinh tế.

Trái phiếu doanh nghiệp chiếm khoảng 22,7% tổng lượng vốn cung ứng cho nền kinh tế mỗi năm, còn nguồn vốn huy động qua phát hành cổ phiếu chỉ chiếm 3,5% tổng lượng vốn đưa ra nền kinh tế. Do đó, thị trường trái phiếu còn nhiều dư địa phát triển.

Đánh giá về bất cập trong việc huy động dòng vốn trái phiếu, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh: Tỉ lệ trái phiếu 3 không chiếm tới hơn 30% trong tổng lượng trái phiếu phát hành và chủ yếu rơi vào trái phiếu của doanh nghiệp chưa niêm yết, không cần chứng minh tình hình tài chính, không cần tài sản bảo đảm. Chưa kể có những doanh nghiệp phát hành trái phiếu lớn hơn nhiều so với vốn chủ sở hữu, và sử dụng vốn ồ ạt.

Các ngân hàng đứng ra mua trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỉ trọng lớn đã và đang trở thành vấn đề khá nghiêm trọng, bởi không tránh khỏi khả năng việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu nhằm mục đích đảo nợ.

Ngoài ra, hiện còn có tình trạng mua bán trái phiếu lòng vòng. Ví dụ như Tân Hoàng Minh có công ty con với qui mô vốn chủ sở hữu rất bé, khi công ty con phát hành trái phiếu ra thì công ty mẹ mua và phân phối lại ra thị trường.

Thế nhưng nhà đầu tư chỉ quan tâm đến cần biết doanh nghiệp bán trái phiếu (cụ thể ở đây là Tân Hoàng Minh) mà không cần biết doanh nghiệp phát hành mới là đối tượng chịu trách nhiệm xử lý rủi ro.

"Tương tự, đối với các trái phiếu được chào bán qua ngân hàng, thì ngân hàng cũng cũng chỉ là bên có trách nhiệm bán trái phiếu và ăn lời từ việc thực hiện bán trái phiếu thôi",ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, TS Cấn Văn Lực cho biết thêm: Hiện qui mô vốn hoá của thị trường trái phiếu doanh nghiệp tương đương 17,5% GDP, thấp hơn nhiều so với các nước như Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan...

Do đó, không vì một vài con sâu làm rầu nồi canh mà lại đi siết chặt thị trường trái phiếu. Điều quan trọng là thông tin phát hành trái phiếu của doanh nghiệp cần phải minh bạch, báo cáo tài chính đầy đủ, phải có tài sản bảo đảm.

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì các cơ quan chức năng cần phải sớm xử lý các doanh nghiệp làm ăn sai trái, nhằm củng cố niềm tin của nhà đầu tư. Ngoài ra, cần đẩy mạnh hoạt động xếp hạng tín nhiệm của doanh nghiệp trước khi phát hành trái phiếu.

Ví dụ ở Singapore, nếu doanh nghiệp có xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu thì được hỗ trợ về mặt chính sách tốt hơn nhiều so với doanh nghiệp không được xếp hạng tín nhiệm. Đồng thời cũng cần phải sớm hoàn thiện hành lang pháp lý để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững.

Trong đó, các cơ quan chức năng cần mở rộng giáo dục đầu tư tài chính đối với nhà đầu tư cá nhân, bởi hiện này đối tượng này đang bị bỏ ngỏ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm