Chiều 15-5, ông Cao Văn Trọng - Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre đã làm việc với Công ty Cổ phần đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) về dự án cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức BOT.
Đến thời điểm này nhà đầu tư CII chưa thể huy động được vốn và còn lo ngại chi phí làm cầu quá lớn, khó hoàn vốn, không có lời đối với dự án này nên đã từ chối đầu tư xây cầu Rạch Miễu 2.
Ngày lễ, Tết cầu Rạch Miễu thường xuyên xảy ra ách tắc giao thông
Theo ông Trọng, những năm gần đây, tốc độ giao thông qua địa bàn tỉnh ngày càng tăng nhanh dẫn đến ùn tắc liên tục vào những ngày cuối tuần và lễ, Tết tại cầu Rạch Miễu và tuyến quốc lộ 60 qua địa bàn tỉnh. Nhu cầu của tỉnh Bến Tre đặt ra là phải sớm triển khai thực hiện xây dựng cầu Rạch Miễu 2 để đáp ứng nhu cầu giao thông qua địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Ông Trọng cũng cho biết trong chương trình làm việc với Chính phủ trước đây tỉnh cũng có đề xuất về việc triển khai xây cầu Rạch Miễu 2 bằng nguồn vốn ODA. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thì gặp vướng nợ công nên việc vay nợ ODA không khả thi.
Đồng thời, chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cũng cho biết đến năm 2021, nhà đầu tư BOT cầu Rạch Miễu sẽ hoàn thành việc thu phí đối với cầu Rạch Miễu hiện tại.
Mặc khác, hiện nay doanh nghiệp CII là một trong những doanh nghiệp đang thực hiện dự án mở rộng, nâng cấp bốn đoạn tuyến quốc lộ 60 từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên. Nếu CII tiếp tục tham gia đầu tư xây cầu Rạch Miễu 2 là rất thuận lợi trong việc thu phí hoàn vốn trên tuyến khép kín không gây xung đột về lợi ích.
Tuy nhiên, do CII từ chối không tiếp tục đầu tư vào dự án cầu Rạch Miễu 2, trong thời gian tới tỉnh sẽ trình Chính phủ xin được hỗ trợ để mua lại dự án mở rộng, nâng cấp bốn đoạn trên tuyến quốc lộ 60. Sau đó tỉnh sẽ xin chủ trương cho đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức PPP (đầu tư theo hình thức hợp tác công tư) thông qua đấu thầu đối với dự án này.
“Mục tiêu chung là làm sao để cầu Rạch Miễu 2 sẽ được sớm khởi công vào năm 2019 nhằm giải tỏa áp lực giao thông cho cầu Rạch Miễu 1 và khơi thông quốc lộ 60 đang gây bức xúc về giao thông như hiện nay” - ông Trọng nhấn mạnh.
Giao thông quá tải trên cầu Rạch Miễu
Cầu Rạch Miễu hiện hữu được bắc qua sông Tiền (nối tỉnh Bến Tre-Tiền Giang) trên tuyến QL60, được đưa vào sử dụng năm 2009 đến nay cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại, lưu thông hàng hóa giao lưu kinh tế của tỉnh Bến Tre đến các tỉnh lân cận và các trung tâm kinh tế lớn của vùng.
Tuy nhiên, từ khi cầu Cổ Chiên đưa vào sử dụng, lưu lượng giao thông trên tuyến QL60 tăng nhanh đột biến.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông qua khu vực, Bộ GTVT đã cho nâng cấp, mở rộng trên bốn đoạn tuyến quốc lộ 60 theo hình thức BOT. Việc đầu tư bổ sung bốn đoạn tuyến trên quốc lộ 60 nối cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên là một bước quan trọng nhằm hoàn thiện hệ thống giao thông qua khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng cao của người dân. Tổng kinh phí thực hiện dự án này lên đến 1.752 tỉ đồng.
Trước đó, UBND tỉnh Bến Tre cùng các sở, ngành tỉnh có buổi làm việc với ngành chức năng Bộ GTVT và đưa ra hai phương án để xây cầu Rạch Miễu 2. Phương án 1, cầu mới sẽ được xây cạnh cầu Rạch Miễu hiện hữu, mặt cầu rộng 12 m, tổng mức đầu tư gần 2.768 tỉ đồng.
Phương án 2, cầu mới cách cầu Rạch Miễu hiện hữu khoảng 3,8 km về phía thượng lưu, tổng mức đầu tư 4.702 tỉ đồng. Theo đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre đề xuất chọn phương án 2, bởi lợi thế của phương án này sẽ phân theo hai trục giao thông khác nhau, tránh được dòng lưu lượng phương tiện đổ về TP Mỹ Tho (Tiền Giang) và sẽ đáp ứng được nhu cầu giải quyết ùn tắt giao thông về lâu dài trên tuyến QL60.
Theo dự báo của cơ quan chức năng, sắp tới khi công trình cầu Đại Ngãi nối tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Trà Vinh hoàn thành, đưa vào sử dụng, tuyến quốc lộ 60 được hoàn chỉnh, lưu lượng vận tải trên tuyến sẽ tiếp tục tăng nhanh, gây ùn tắc giao thông.