Cơn mưa thư và điện thoại dồn dập đến Công ty đường sắt Nhật Bản - Japan Railways (JR) hỏi rằng: Có hay không chuyện “giữ lại nhà ga Kami-Shirataki 3 năm nay chỉ để phục vụ cho... 1 sinh viên?” Tin được không? Người Nhật vốn lạnh lùng nghiêm ngặt làm kinh tế, bảo tồn từng đồng vốn đầu tư và đề cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, mà lại kéo dài lỗ tận 3 năm chỉ để phục vụ cho 1 hành khách? Tin được không? Dù là hoang vắng xa xôi, nhưng chả lẽ cả một vùng dân cư sinh sống, dù thưa thớt, mà không có người thứ hai đi tầu hỏa?
Tất nhiên câu chuyện được khẳng định và người ta tin là chuyện có thật chứ không phải truyền thuyết, nó đang ở mặt đất chứ không phải thiên đường. Chuyện là: “Tại hòn đảo Hokkaido xa xôi cực Bắc nước Nhật, có chuyến tàu duy nhất chạy qua nhà ga mang tên Kami-Shirataki. Những năm gần đây, số lượng hành khách đi tầu hỏa tuyến này giảm sút và nhà ga Kami-Shirataki chỉ còn phục vụ... 1 hành khách, vì vùng này hẻo lánh, và dân số quá ít hầu như không có nhu cầu giao thông. Kinh doanh lỗ triền miên, Japan Railways (JR) quyết định cắt tuyến đường xe lửa này và đóng cửa nhà ga Kami-Shirataki vĩnh viễn. Nhưng, Japan Railways phải đối mặt với một vấn đề: đóng cửa nhà ga cũng có nghĩa là bỏ rơi hành khách, và JR nhận ra chỉ duy nhất hành khách là nữ sinh trung học đến trường hàng ngày. Chuyến tầu chỉ dừng lại 2 lần (đi và về) ở nhà ga. Đầu giờ buổi sáng cô bé tên là Kana lên tầu đến trường học và cuối giờ chiều cô lên tầu trở về nhà. Tôi hình dung những buổi sáng mùa đông tuyết trắng rơi bời bời, cô bé Kana đi boot dài, khoác áo phao dài cổ lông thú đứng co ro một mình trước cửa nhà ga... chờ tầu. Rồi con tầu gần như rỗng khách âm thầm lùi lũi tiến vào ga. Tiếng còi gióng giả cất lên và con tầu lại lặng lẽ rời ga đưa cô bé đến trường. Tôi lại hình dung những buổi cuối chiều mùa hạ nhập nhoạng, Kana lại đứng chờ và nét mặt rạng lên, tươi tỉnh khi con tầu đến đón cô về nhà. Niềm vui tuổi học đường nhân lên cùng tiếng còi tầu rộn rã.
Bỏ chuyến tầu và đóng cửa nhà ga, thì điều gì sẽ xảy ra sau đó? Kana ấy sẽ bỏ học hay vẫn đến trường, và nếu đi học, thì bằng cách nào? Không thể bỏ rơi hành khách, dù chỉ 1 người, Japan Railways quyết định duy trì tuyến đường sắt qua nhà ga Kami-Shirataki thêm 3 năm nữa, chờ đến ngày 26. 3.2016 cô bé tốt nghiệp trung học. Tôi nghĩ rằng: Ngay cả khi 1 ngày, nhà ga Kami-Shirataki có đến 10 người đi thậm chí 15 hành khách đi tầu thì lỗ vẫn cứ là lỗ. Biết lỗ mà vẫn kéo dài tận 3 năm chỉ để phục vụ 1 hành khách lên tầu từ 1 ga xép thì chỉ có nước Nhật mới làm nên chuyện thần kì này.
Đọc xong câu chuyện, có bạn đọc nghĩ đó là sản phẩm của hư cấu trong cổ tích giữa đời thường. Cũng có thể, nhiều người nghĩ mình đang xem một phân đoạn trong phim truyền hình về lòng tốt của con người do Hayao Miyazaki viết kịch bản và đạo diễn. Bởi Japan Railways (JR) là một hãng xe lửa kinh doanh theo kinh tế thị trường. Đã sản xuất kinh doanh thì lợi nhuận phải là... hàng đầu. Lãi thì tiếp tục sản xuất, kinh doanh. Lỗ thì đóng cửa. Mất khả năng thanh toán thì tuyên bố... phá sản.
Làm ăn ngay chính, đóng đủ thuế, làm từ thiện... thì không có lý do gì lên án, chỉ trích doanh nghiệp, doanh nhân. Trong sản xuất, kinh doanh ở Việt Nam mình và cũng nhiều quốc gia khác, chuyện phá sản hoặc kinh doanh lỗ phải chuyện bỏ tuyến đường giao thông, bỏ tuyến bay, bỏ nhà máy... là thường tình. Lãi không có, vốn hao dần, chẳng ai cứ đem tiền ném qua cửa sổ để mất cả chì lẫn chài. Cắt lỗ có nhiều cách: cắt bỏ luôn địa bàn kinh doanh ấy, bỏ luôn cả phương tiện, bỏ mặc cả lao động và người ăn theo để cứu nguy cho doanh nghiệp không phải chết chìm. Khoảng một thập niên gần đây, Japan Railways (JR) gặp khó khăn trong kinh doanh, doanh thu giảm vì nước Nhật là 1 quốc gia già, tỉ lệ sinh thấp hơn tỉ lệ chết. Dân số ít, người già càng ít đi lại, nhiều tuyến đường sắt hẻo lánh và nhà ga heo hút sẽ bị dỡ bỏ dần trong đó có nhà ga Kami-Shirataki. Vậy mà, JR làm nên điều kì diệu nữa là dệt nên câu chuyện cổ tích về lòng nhân ái tiêu tiền như gió vào nhà trống chỉ để chờ cô nữ sinh tốt nghiệp mới cắt lỗ. Còn kì diệu hơn nữa, trong khả năng có thể làm được, JR điều chỉnh lịch tầu chạy cho phù hợp với lịch lên lớp của nữ sinh trung học này.
Viết đến đây, tôi lại nhớ đến Ký túc xá bên đường Nguyễn Hoàng, phường 7, thành phố Đà Lạt xây dựng tốn hơn 220 tỷ đồng, nhưng chỉ 1 sinh viên vào ở. Công nhận cô sinh viên ấy cả gan dám sống một mình ở khu nhà cao tầng mênh mông khuất vắng bóng người. Công nhận cô ấy cũng được ở quá “sang” nơi tiền vàng bạc tỉ chắc chỉ đại gia có máu mặt mới xứng. Cái sự cả tòa ngang dãy dọc phục vụ 1 sinh viên ở Đà Lạt khác hoàn toàn về bản chất với giữ 1 nhà ga suốt 3 năm chỉ để phục vụ 1 sinh viên ở Nhật. Ở Đà Lạt, người ta xây khu kí túc xá quá xa các trường đại học, cao đẳng, nơi gần nhất cũng 3km, nơi xa thì xa đến 10 cây số. Cả ngàn sinh viên mong có phòng thuê trọ, nhưng hầu hết họ là con nhà nghèo đi bộ, hoặc đi xe đạp đến trường. Xây kí túc xá nhưng không đáp ứng, không thỏa mãn nhu cầu sinh viên, họ không lựa chọn thành ra lãng phí. Lại khác nữa: Cái khu ký túc xá ấy cho đến lúc này, xây hay không xây cũng chẳng có tác dụng gì với sinh viên Đà Lạt. Nhưng, cái ga xe lửa đìu hiu ấy biến mất thì cô nữ sinh người Nhật hoặc là bỏ học, hoặc là phải tìm đến 1 chỗ ở mới gần trường thuê trọ. Một đằng chẳng có tác dụng gì, cộng thêm với lãng phí. Một đằng ít nhất cũng mang lợi ích đến cho một người.
Đọc xong câu chuyện này, có lúc tôi nghĩ: Japan Railways (JR) nước Nhật đang làm một cuộc PR thay cho quảng cáo. Câu chuyện nhân bản này sẽ chở hình ảnh JR đi khắp hoàn cầu. Số tiền 3 năm kéo dài thua lỗ dù lớn hay nhỏ chỉ để phục vụ 1 cô bé đi học, thì nó cũng ngang bằng số tiền quảng cáo, mà lại được tiếng thơm thảo, nhân ái. Nếu quả như vậy thì người Nhật là tổ sư của nghề PR, là đỉnh chót của nhân loại về truyền thông, xây dựng, khuếch trương hình ảnh. Song ý nghĩ này bị đè bẹp bởi chỉ dành cho những người chưa am hiểu người Nhật của đất nước mặt trời mọc.
Bạn đọc có lạ không khi nghe câu chuyện này? Không có gì lạ! Đến như con chó Hachikō của giáo sư Ueno mòn mỏi ngồi ở sân ga 9 năm 9 tháng và 15 ngày đợi ông chủ cho đến lúc chết cũng trở thành biểu tượng của lòng chung thành, chung thủy trong gia đình Nhật. Động đất và sóng thần Tōhoku năm 2011 mạnh 9 độ rích te làm gần 2 vạn người chết và mất tích, hàng trăm ngàn người sống trong cảnh màn trời chiếu đất, đói khát. Nhà nước tổ chức cứu hộ khẩn cấp rất hiệu quả. Pháp luật khuyến khích sự lương thiện, người Nhật sống tự nguyện có tổ chức, trật tự xếp hàng lặng lẽ lấy lương thực, không chen lấn xô đẩy, không trộm cướp, trấn lột. Một xã hội đạo đức đến kinh ngạc. Người Nhật mỗi khi chào nhau đều cung kính chắp tay trước ngực và hơi cúi đầu tỏ ý trân trọng. Nhân viên phi trường nhìn thấy máy bay hạ cánh hoặc bay lên đều cúi đầu chào.
Người nông dân Nhật thu hoạch hoa màu đều để phần một góc nhỏ cho chim chóc ăn. Nông dân Nhật bán dưa hấu để cả đống bên đường, và đặt 1 cái hộp, đề giá tiền 1 quả. Chẳng phải đứng bán. Ai đi qua muốn mua thì cứ thả tiền vào hộp giấy rồi nhặt dưa. Cuối buổi ra ôm thùng tiền về. Đếm dưa đếm tiền không sai một cắc. Con trai tôi học ở đại học tổng hợp Kanazawa kể, sau bữa ăn sáng bạn nó đánh rơi cái ví tiền. Coi như mất! Nhưng ông bảo vệ an ủi rồi khẳng định: nếu là người Nhật nhặt được thì chậm nhất đến trưa là vật rơi sẽ về với chủ. Kì như rằng chưa đến 12 giờ, một cậu sinh viên người Nhật nhặt được ví đem trả lại, không thiếu một đồng. Từng cá nhân đã hướng thiện nhân ái như thế, tập hợp lại thành cộng đồng nhân bản, dân tộc nhân ái. Câu chuyện cô bé Kana 3 năm đi học, một mình một ga lên tầu..., có thể kinh ngạc ở lục địa khác, quốc gia khác, nhưng chẳng có gì lạ ở đất nước mặt trời mọc.
Một nhà ga không chịu đóng cửa chỉ để phục vụ một khách hàng nữ sinh đã trở thành biểu tượng nhân bản của văn hóa quản trị Nhật Bản, chăm lo đến tận cùng đời sống mỗi người dân. Không một người dân nào bị lãng quên. Và tất nhiên cũng chẳng một đứa trẻ nào bị đẩy ra bên lề xã hội Nhật Bản. Trông người mà ngẫm đến ta, chỉ còn biết khao khát và... hy vọng đến một ngày không xa, câu chuyện thần tiên này cũng sẽ là chuyện thường ngày ở đất Việt.
Theo Sương Nguyệt Minh (Thatmah.com)