Cụ ông, nhà khoa học lão thành Úc 104 tuổi David Goodall ngày 2-5 lên đường sang Thụy Sĩ tìm quyền chết, chấm dứt sự sống thông qua “cái chết êm ái” khi luật pháp Úc không cho phép điều này. Luật Thụy Sĩ cho phép thực hiện “cái chết êm ái”, cho cả dân trong nước và nước ngoài.
Nhà khoa học Úc David Goodall (trái) tạm biệt cháu trai tại sân bay Perth ở Úc ngày 2-5 trước khi lên máy bay tìm đường sang Thụy Sĩ. Ảnh: EPA
Giáo sư Goodall sinh ở London (Anh) vào ngày 4-4-1914, tốt nghiệp trường Khoa học và Công nghệ thuộc đại học London, nhận bằng Tiến sĩ năm 1941, là một nhà thực vật học và sinh thái học nổi bật. Giáo sư Goodall sang Úc năm 1948 với vị trí giảng viên đại học Melbourne.
Cụ Goodall được gia đình đưa tiễn tại sân bay Perth (Úc) trước khi lên đường sang Thụy Sĩ ngày 2-5. Ảnh: 9NEWS
Ông được phong danh hiệu Tiến sĩ Khoa học đại học Melbourne cũng như Tiến sĩ Danh dự đại học Studí di Trieste (Ý). Ông từng giữ một loạt vị trí học giả giảng dạy ở Anh, Mỹ, Úc trước khi về hưu năm 1979. Sau khi về hưu ông vẫn gắn bó với công việc khi biên tập cả 30 cuốn “Hệ sinh thái thế giới”.
Cụ Goodall và gia đình tiễn biệt tại sân bay Perth (Úc) trước khi cụ lên đường sang Thụy Sĩ ngày 2-5. Ảnh: 9NEWS
Giáo sư Goodall là nhà khoa học lớn tuổi nhất của Úc còn làm việc. Năm 2016 cụ Goodall từng làm dậy sóng truyền thông khi phản đối quyết định của trường đại học Edith Cowan cho ông nghỉ việc vì lớn tuổi, nhiều rủi ro khi di chuyển. Sau khi bị cụ Goodall phản đối là phân biệt tuổi tác, đại học Edith Cowan đã phải cung cấp cho ông một văn phòng làm việc gần nhà ông để ông tiện đi lại.
Nhà khoa học Goodall trong ngày sinh nhật thứ 104. Bánh sinh nhật được làm bằng phomai, món ông thích. Ảnh: GOFUNDME
Ý định chọn “cái chết êm ái” được cụ Goodall đề cập vào đêm sinh nhật 4-4 vừa qua, rằng ông muốn nhờ đến dịch vụ trợ giúp cái chết ở Barel (Thụy Sĩ) để kết thúc cuộc đời.
Ở tuổi 103, nhà khoa học Goodall vẫn di chuyển bằng trực thăng đặc biệt đến thăm một dự án sinh thái ở Úc. Ảnh: GOFUNDME
Trao đổi với 9News trước khi lên máy bay sang Singapore rồi sang Thụy Sĩ ngày 2-5, cụ Goodall cho thấy rất thoải mái với quyết định của mình. Tình trạng cụ Goodall không phải đã bệnh nguy kịch, nhưng cụ cho biết quyết định tìm đến cái chết êm ái vì chất lượng cuộc sống đã giảm nghiêm trọng.
Cụ Goodall trên xe tải đi thăm một dự án sinh thái ở Úc. Ảnh: GOFUNDME
“Tôi nên mừng khi tôi lên máy bay, quá tốt. Tôi có một số người thân ở đây – có 3 cháu trai, co con gái Karen… Thật tốt khi chúng ở đây tiễn biệt tôi. Tôi có nhiều thành viên gia đình ở các nơi khác, ở châu Âu. Ở Thụy Sĩ tôi sẽ gặp hai thành viên gia đình và nói lời tiễn biệt” – cụ Goodall nói với kênh truyền hình 9News.
Nhà khoa học Goodall và tác phẩm “Hệ sinh thái thế giới” của mình. Ảnh: GOFUNDME
“Tôi đã ủng hộ cái chết êm ái nhiều năm nay và tôi lấy làm tiếc phải đi sang tận Thụy Sĩ để thực hiện quyền đó của mình. Tôi muốn có thể làm điều này ở đất nước này. Đây là quê hương tôi” – cụ Goodall nói.
Nhà khoa học Goodall nhận huân chương Order of Australia năm 2016, vì những đóng góp của ông cho khoa học. Ảnh: GOFUNDME
Cụ Goodall nói cụ đã “sống một cuộc sống rất tốt” nhưng bắt đầu phải vật lộn với những khó khăn tuổi già từ năm ngoái, và chính điều này đã khiến cụ quyết định đến Thụy Sĩ chấm dứt cuộc sống.
“Tôi không có gì phàn nàn. Tôi đã sống cuộc sống rất tốt cho đến gần đây. Năm ngoái là năm tôi không hài lòng gì tôi đã không thể làm được những điều mình muốn. Tôi không thể di chuyển, tôi thậm chí không thể sử dụng giao thông công cộng”.
Nhà khoa học David Goodall hăng say với công việc thập niên 1950. Ảnh: EPA
Nói với ABC News một tháng trước cụ Goodall cũng cho biết có ý định chọn “cái chết êm ái” và cụ ủng hộ luật cho phép mọi người tự chọn thời điểm chấm dứt cuộc đời của mình.
“Tôi thật lấy làm tiếc phải sống đến tuổi này. Tôi không hạnh phúc. Tôi muốn chết. Đó không phải là chuyện buồn. Chỉ là chuyện buồn khi mong muốn của mình bị ngăn chặn. Nếu ai đó chọn cái chết cho mình thì hãy nên công bằng, tôi không nghĩ bất cứ ai có quyền ngăn chặn”.
Giáo sư Goodall là nhà khoa học lớn tuổi nhất của Úc. Ảnh: GOFUNDME
Đi cùng cụ Goodall sang Thụy Sĩ là một y tá. Tổ chức Exit International đã quyên góp được hơn 17.000USD để nâng cấp vé máy bay của cụ Goodall từ hạng phổ thông lên hạng thương gia.