Đây là những bất cập được chỉ ra tại hội thảo công bố báo cáo tình hình triển khai các nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ từ góc nhìn của doanh nghiệp do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức, ngày 17-12.
Mở đầu hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho biết về tổng quan, môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện tích cực trong thời gian vừa qua. Trong giai đoạn từ năm 2014 đến 2018, Việt Nam đã tăng 30 bậc xếp hạng về năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, tốc độ còn chậm và cải cách còn khấp khểnh, không đồng đều giữa các lĩnh vực, địa phương.
Tham nhũng vặt vẫn làm khó doanh nghiệp
Báo cáo của VCCI về kết quả đánh giá thực tế của các doanh nghiệp về môi trường kinh doanh trong mối quan hệ tương tác với các cơ quan nhà nước, cho thấy trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, nhiều địa phương có thủ tục xây dựng được doanh nghiệp đánh giá cao như Tây Ninh, Đồng Tháp, Bình Định. Nhưng riêng Hà Nội và TP.HCM, hai TP có số lượng công trình xây dựng lớn nhất cả nước thì luôn có tình trạng khó khăn trong thủ tục hành chính về xây dựng trong nhiều năm.
Thậm chí, dù đã có quy định rõ ràng về thời gian làm thủ tục hành chính trong lĩnh vực xây dựng nhưng thực tế doanh nghiệp phải đi lại rất nhiều lần, công trình có quy mô càng lớn thì thời gian kéo dài càng lâu.
Cạnh đó là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn. Các doanh nghiệp đánh giá việc tiếp cận vốn còn khó khăn hơn nhiều so với việc tìm kiếm lao động phù hợp, tìm kiếm đối tác, nhà cung cấp, thậm chí cả biến động thị trường, biến động chính sách luật. Đáng chú ý là vẫn có 39% doanh nghiệp cho biết để vay được vốn ngân hàng, doanh nghiệp phải "bồi dưỡng" cho cán bộ.
Về thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, tuy là được đánh giá có nhiều cải thiện nhưng việc cung cấp thông tin, dữ liệu về đất đai trong năm 2018 lại dường như kém minh bạch hơn.
Đặc biệt, trong vấn đề kiểm soát tham nhũng, là chỉ tiêu quan trọng được sử dụng để đánh giá môi trường kinh doanh thì kết quả khảo sát CPI cho thấy vấn đề kiểm soát tham nhũng, giảm thiểu chi phí không chính thức đối với các doanh nghiệp trên phạm vi rộng vẫn có nhiều diễn biến phức tạp…
Cần một “thể chế kim cương”
Tại hội thảo, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đưa ra một thực tế liên quan đến chỉ tiêu xả thải của ngành tài nguyên môi trường. Cụ thể, nhiều nhà máy chế biến thủy sản đang gặp vướng mắc sau thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước thuộc ngành môi trường khi áp dụng Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản. Các vi phạm chủ yếu ở các nội dung vượt ngưỡng chỉ tiêu Phốt pho và Nitơ.
Tuy nhiên, cho tới thời điểm này, dự thảo sửa đổi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) vẫn chưa có trong kế hoạch ban hành quy chuẩn Việt Nam dù đã rất nhiều lần gửi đề nghị và được Bộ TN&MT hứa xem xét.
Có lẽ với những tồn tại, hạn chế này thì Việt Nam muốn đạt mục tiêu vào nhóm bốn ASEAN và đạt 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 thì cần đến một "thể chế kim cương" như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, chia sẻ tại hội thảo.
Cụ thể, trước phần phát biểu ý kiến của các doanh nghiệp, khách mời thì ông Lộc có chia sẻ, buổi sáng cùng ngày, trên đài truyền hình có đưa tin phàn nàn của ngành hàng không về sự chậm trễ của thể chế khiến vốn đầu tư không thể giải ngân nhanh. Doanh nghiệp, địa phương thì sốt ruột nhưng thể chế thì dường như vẫn còn đủng đỉnh.
"Lâu nay thường nghe nói đến nhiều cơ hội vàng, như biển bạc rừng vàng, dân số vàng nhưng những cơ hội vàng này chỉ có thể khai phá bằng thể chế kim cương. Một thể chế minh bạch, vững chắc thì mới khơi dậy được cơ hội, đó cũng là tinh thần của Nghị quyết 02 và 35 của Chính phủ" - ông Lộc nói.
Hiện đã có 17 bộ có Cổng dịch vụ công trực tuyến, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông có tỉ lệ hồ sơ trực tuyến cao nhất. Như tại Bộ Thông tin và Truyền thông, có 6.252 hồ sợ nộp trực tuyến trên tổng số 26.142 hồ sơ tiếp nhận trong năm 2019. Nhưng một số bộ khác như Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp không có hồ sơ trực tuyến nào, Bộ Ngoại giao chỉ có một hồ sơ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có chín hồ sơ, Bộ Giao thông vận tải có 14 hồ sơ. Riêng Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Y tế mới khai trương vào ngày 13-11-2019 thì đến ngày 10-12-2019 mới ghi nhận hai hồ sơ nộp trực tuyến. Thực tế này đặt ra nhiều nghi vấn về mức độ hiệu quả của việc đầu tư các cổng dịch vụ công trực tuyến. |