Vào những ngày tháng 5, càng gần đến ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, căn nhà lưu niệm Bác Hồ của lão nông Trần Văn Cao (ở xóm Đường, xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) càng đông người hơn thường nhật. Chủ nhân của căn nhà lưu niệm tất bật hơn với việc đón khách đến tham quan nhưng trên khuôn mặt ông rộn lên bao niềm vui ấm áp.
Nuôi mong ước từ thời 20 tuổi
“Những ngày qua, khách tới đông hơn, từ các cháu học sinh, người cao tuổi, kể cả cán bộ lãnh đạo xã cũng đến tham quan, nghe tôi thuyết minh từng bức ảnh về Bác Hồ” - lão nông Trần Văn Cao chia sẻ với chúng tôi về nhà lưu niệm tại gia của mình.
Gọi là nhà lưu niệm tại gia vì đây là căn phòng nằm trên tầng ba của gia đình. Sau nhiều năm tỉ mẩn tìm tòi, sưu tập những bức ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Cao mới thực hiện được ý định có từ thời trai trẻ của mình.
Ông kể: “Năm 1963, tôi đã được gặp Bác Hồ ở sân vận động thị xã Thái Nguyên. Năm đó tôi mới 20 tuổi. Hình ảnh gần gũi của Bác khắc sâu vào trong trí óc tôi”. Cũng từ đó, ông Cao đã nuôi mong ước có được một nhà lưu niệm, nơi có thể diễn tả một cách sinh động cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ luôn có vị trí đặc biệt trong trái tim ông.
Ông mang theo hình ảnh Bác suốt những năm công tác tại Bộ Thủy lợi, lúc đất nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ. Rồi ông Cao nhận nhiệm vụ sang giúp nước bạn Lào, xây dựng kinh tế cho đến khi đất nước hòa bình, ông Cao về lại Hà Nội tiếp tục nhận công tác mới. Đến tận năm 1987, ông trở lại quê hương với tay cuốc tay cày, tham gia lao động sản xuất.
“Dù có làm cán bộ hay làm nông dân thì hình ảnh Bác và ý tưởng xây dựng một nhà lưu niệm chưa bao giờ nguôi trong tôi” - ông Cao nói.
Sau hàng chục năm sưu tập và thiết kế trưng bày, nhà lưu niệm Bác Hồ tại gia của ông Cao đã chính thức được mở cửa để đón mọi người đến tham quan vào đầu năm 2020.
Nhà lưu niệm Bác Hồ đã được hoàn thành với thiết kế khang trang, ấm áp. Chính giữa nhà lưu niệm Bác Hồ là bàn thờ của Người, nơi những người đến tham quan có thể thắp hương bày tỏ niềm thành kính. Hơn 300 bức ảnh về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác được lão nông Trần Văn Cao trưng bày khoa học, giúp người xem hiểu sâu sắc hơn về sự giản dị, gần gũi mà vô cùng vĩ đại của Bác.
Không chỉ là một nhà lưu niệm, nơi đây còn là không gian để những người cao tuổi ngồi lại với nhau, ôn lại kỷ niệm thời trai trẻ, nhắc nhớ nhau về những lời dặn của Bác Hồ.
Lão nông Trần Văn Cao tại nhà lưu niệm tại gia của mình. Ảnh: QUỲNH HOA
Ông Trần Văn Cao đang thuyết minh cho các học sinh đến tham quan. Ảnh: QUỲNH HOA
Làm thơ và viết về Bác Hồ
Một điều khá thú vị là ông Cao không chỉ sưu tập các hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà ông còn viết sử ca về Bác. Ông bày tỏ: “Tôi viết cuốn sử ca gồm 1.456 câu thơ lục bát. Tôi thuộc toàn bộ sử ca này nhưng để đọc hết phải mất 1 tiếng rưỡi mới xong”.
Cuốn sử ca chủ yếu viết về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của Bác từ khi Bác rời bến cảng Nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước ngày 5-6-1911 đến những năm tháng cuối đời của Người.
Ông Trần Văn Cao là một trong những cá nhân điển hình tiêu biểu được tham dự và biểu dương tại buổi giao lưu điển hình toàn quốc năm 2020 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. |
Để có được 1.456 câu lục bát, ông Cao chia sẻ rằng mình đã nghĩ và viết mọi lúc, mọi nơi: “Nhiều lúc tôi cuốc đất cũng nghĩ, cũng nhẩm ngâm từng câu một. Nói cho sang gọi là vừa sản xuất vừa sáng tác”, ông cười tươi rồi đọc mấy câu cho chúng tôi nghe: “Thanh cao lý tưởng Bác Hồ/ Suốt đời lo lắng cơ đồ Việt Nam/ Lời nói cũng như việc làm/ Con người phúc hậu dân càng mến thương…!”.
Sau khi hoàn thành phần 1 của cuốn sử ca gồm 1.456 câu thơ, ông chuyển sang viết văn xuôi kể chuyện về Bác.
Ở tuổi 84, lão nông Trần Văn Cao cho biết ông vẫn chưa dừng lại hành trình của mình với nhà lưu niệm Bác Hồ. “Còn khỏe tôi vẫn còn làm, sửa sang nhà lưu niệm, sáng tác thơ, kể chuyện về Bác Hồ cho các cháu, cho mọi người” - ông Cao hào hứng nói.
Học tập, làm theo Bác: Vượt mọi gian lao, phụng sự Tổ quốc Nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại chương trình giao lưu điển hình toàn quốc năm 2020 trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thủ tướng khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là biểu tượng sáng ngời về ý chí, nghị lực và sự rèn luyện vượt qua mọi gian lao, thử thách; nêu cao bản lĩnh cách mạng, tuyệt đối trung thành và kiên định với lý tưởng của Đảng; hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân… Theo Thủ tướng, dù Người đã đi xa hơn nửa thế kỷ nhưng việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là cách làm thiết thực... Để việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thực sự hiệu quả, trở thành thói quen tự giác, việc làm thường xuyên của mỗi người, Thủ tướng cho rằng mọi người cần tập trung thực hiện tốt hơn nữa Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị. Mỗi người cần xác định rõ mục đích, lý tưởng học tập của mình, học là để làm việc, làm người, để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Như triệu mạch nguồn tạo thành sông, muôn con sông hòa thành biển lớn, mỗi người chúng ta hãy cố gắng từng ngày, từng giờ làm những việc có lợi cho dân, cho nước, coi đó là trách nhiệm và danh dự của bản thân. PV |