Đại diện Viglacera cho biết dây chuyền sản xuất kính tiết kiệm năng lượng có tổng mức đầu tư gần 500 tỉ đồng, trong đó phần lõi là dây chuyền sản xuất kính theo công nghệ Đức do Tập đoàn Von Ardenne GmbH cung cấp và chuyển giao trị giá 11 triệu euro.
Năng lực sản xuất dây chuyền này khoảng 2,3 triệu m²/năm và có thể vận hành đạt công suất lên 3,3 triệu m²/năm.
Theo đại diện Viglacera, kính tiết kiệm năng lượng được gia công từ kính phẳng với lớp phủ siêu mỏng trên bề mặt có tính năng phát xạ thấp, dẫn nhiệt thấp giảm thiểu sự truyền nhiệt giữa môi trường bên trong và bên ngoài, từ đó tiết kiệm chi phí năng lượng của hệ thống điều hòa không khí giúp làm mát vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông. Kính có khả năng ngăn cản lượng ánh sáng mà mắt thường có thể nhìn thấy từ ánh sáng mặt trời đến 95%.
Đối với năng lượng từ ánh sáng mặt trời lên tới 79% và đặc biệt đối với những tia tử ngoại hay còn gọi là tia cực tím (UV) có hại cho sức khỏe con người thì khả năng ngăn chặn của loại kính này lên tới gần như tuyệt đối 99%.
Quan khách đang tham quan nhà máy kính tiết kiệm năng lượng hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: QH
Tham dự tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu vai trò tiên phong của Viglacera trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước về phát triển sản phẩm mới công nghệ cao, sản phẩm xanh, bảo vệ môi trường.
Sản phẩm kính tiết kiệm năng lượng do Việt Nam sản xuất sẽ thay thế hàng nhập khẩu cũng như đẩy mạnh xuất khẩu ra thế giới, chủ động đón đầu hội nhập mới như TPP và các hiệp định thương mại.
Đặc biệt, sản phẩm này sẽ giải quyết được bài toán tiết kiệm năng lượng cho người tiêu dùng khi tiết kiệm được 30%-40% chi phí năng lượng cho hệ thống điều hòa không khí.
Cùng ngày, Tổng Công ty Viglacera cũng đã khởi công xây dựng Nhà máy sứ Viglacera Mỹ Xuân” tại KCN Mỹ Xuân A, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư hơn 480 tỉ đồng.