Theo thông tin từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), hiện nay đang phối hợp với các đơn vị liên quan chuẩn bị cho việc khởi động trở lại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol (dùng để pha chế xăng sinh học E5) Bình Phước. Theo đó, các cổ đông Toyo Thai New Energy, PVOIL, Licogi 16 đã góp thêm vốn còn thiếu để chuẩn bị vận hành trở lại nhà máy.
Bên cạnh đó, Liên danh nhà thầu VSP-Licogi 16 đã hoàn thành công tác bảo dưỡng, sửa chữa nhà máy giai đoạn 1 để sẵn sàng vận hành trở lại.
Riêng công tác chuẩn bị tiêu thụ sản phẩm và vận hành trở lại nhà máy, PVOIL và OBF đã đàm phán hợp đồng bao tiêu E100 - nguyên liệu để phối trộn xăng E5 (5% ethanol, 95% xăng khoáng). Trong đó PVOIL sẽ ứng trước tiền hàng để hỗ trợ OBF có vốn lưu động mua nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Đại diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết thêm, do giá sắn tăng cao nên các cổ đông đang tính toán và lựa chọn phương án tối ưu khởi động lại nhà máy; đồng thời xem xét phương án PVOIL thuê nhà máy gia công 1.200 m3 E100 để phục vụ pha chế xăng E5 của PVOIL tại thị trường phía Nam.
Nhà máy nhiên liệu sinh học Bình Phước vận hành từ tháng 4-2012 và sản xuất được hơn 16.000 m3 ethanol cung cấp ra thị trường. Tuy nhiên, đến tháng 4-2013, nhà máy phải dừng sản xuất do khó khăn đầu ra sản phẩm dẫn đến sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ.
Dự án ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỉ đồng, bị đội vốn lên hơn 1.700 tỉ đồng. Tính đến tháng 3-2013, nhà máy hoàn thành nhưng chỉ hoạt động được năm đợt, sản xuất hơn 16 triệu lít xăng ethanol. Do giá thành sản phẩm cao, tiêu thụ hạn chế nên từ tháng 4-2013 nhà máy này hầu như không vận hành thương mại…
Cách đây không lâu Saigon Petro đề xuất khai tử xăng A95 và chỉ dùng xăng sinh học. Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này là bất hợp lý, mang tính áp đặt lên người tiêu dùng, đi ngược với nguyên tắc thị trường.
Bên cạnh đó, trong bối cảnh người tiêu dùng đang có sự hoài nghi đối với chất lượng và giá bán xăng sinh học E5, doanh nghiệp lại đề xuất sử dụng thêm xăng sinh học E95 là thêm một lần nữa người tiêu dùng thật sự bất an. Dù chỉ pha trộn 5% ethanol nhưng ai kiểm soát chất lượng, công đoạn pha trộn ra sao? Việc sử dụng xăng E5 có ảnh hưởng tới động cơ hay không còn phải chờ thời gian kiểm chứng nhưng thực tế khó kiểm soát các khâu pha trộn xăng khoáng và ethanol. Ngoài ra, liệu có lợi ích nhóm trong đề xuất trên hay không?
Đặc biệt trên thị trường hiện chỉ có một nhà cung cấp cồn E100 để pha chế, làm xăng E5 duy nhất là Công ty TNHH Tùng Lâm. Còn các nhà máy khác có vốn đầu tư của Nhà nước như ethanol Dung Quất, ethanol Bình Phước đều đang dừng hoạt động, ethanol Phú Thọ thì xây dựng dở dang.
Sau khi khai tử xăng A92 thay thế vào đó là xăng sinh học E5 thì giá ethanol E100 - nguyên liệu để phối trộn xăng E5 liên tục tăng, gây áp lực tăng giá xăng E5. Nếu đề xuất bỏ nốt xăng A95 được chấp thuận thì thị trường chỉ còn hai loại xăng sinh học là E5 và E595.
Trong khi đó hiện nay chỉ có một đầu mối cung cấp ethanol pha xăng và điều này dấy lên mối quan ngại về nguy cơ độc quyền nguồn cung E100 và tăng giá khiến giá xăng E5 tăng lên, người dùng lãnh đủ.