Ông Trần Thế Truyền, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Dầu khí Sài Gòn (Saigon Petro), vừa ký công văn kiến nghị Bộ Công Thương và Bộ Tài chính một số chính sách có liên quan đến xăng sinh học E5.
Trong đó đáng chú ý nhất là kiến nghị “nếu trong thời gian tới sản lượng xăng E5 vẫn thấp dù đã áp dụng các biện pháp thì nên cho sử dụng lại xăng A92”.
“Lãng phí 400 tỉ đồng/tháng”
Lý giải về đề xuất trên, Saigon Petro cho biết đến nay cả người tiêu dùng lẫn nhà bán lẻ đều không mặn mà với xăng sinh học E5. Lượng tiêu thụ xăng E5 của các doanh nghiệp (DN) tăng so với năm 2017 nhưng tỉ trọng chiếm thấp. Sản lượng tiêu thụ xăng E5 của các cửa hàng kinh doanh chậm, tồn kho nhiều ngày, tỉ lệ hao hụt cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN.
Saigon Petro cũng dẫn số liệu tham khảo những đơn vị đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn cho thấy tỉ trọng bán xăng E5 chỉ khoảng 30% trong tổng số xăng tiêu thụ, còn lại là xăng A95 chiếm khoảng 70%. Trong khi trước đó, xăng A92 chiếm hơn 65%. Thậm chí có đơn vị chỉ kinh doanh xăng A95 nên tỉ lệ xăng E5 nói chung trên toàn thị trường còn thấp hơn.
“Đây là con số rất đáng báo động, cần xem xét một cách nghiêm túc trên bình diện cả nước” - đại diện Saigon Petro nhấn mạnh.
Công ty này cũng dẫn số liệu về sản lượng xăng A92 và nêu rõ: Với mức chênh lệch giá giữa xăng E5 và xăng A95 là 1.600 đồng/lít, chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2018, mức lãng phí xã hội do các phương tiện sử dụng xăng A95 không cần thiết lên tới 400 tỉ đồng mỗi tháng.
DN kiến nghị nếu dùng các biện pháp mà lượng tiêu thụ xăng E5 vẫn thấp thì nên cho sử dụng lại xăng A92. Ảnh: TÚ UYÊN
“Không ít người tiêu dùng chấp nhận bỏ thêm chi phí để dùng xăng A95 khiến lãng phí xã hội lớn, không đạt mục tiêu bảo vệ môi trường. Lý do là hiện xe máy, thiết bị động cơ có nhu cầu sử dụng xăng A92 nhiều, các loại xe này không cần thiết phải sử dụng xăng A95 và trước đây đã từng sử dụng xăng khoáng A92” - ông Trần Thế Truyền, Tổng Giám đốc Saigon Petro, nêu rõ.
Không chỉ Saigon Petro mà trước đó cũng đã có DN đề nghị dừng bán xăng E5. Nguyên nhân do sản lượng bán ra thấp, mức chiết khấu không cao, không bù đắp được chi phí của cửa hàng, thậm chí lỗ.
Một công ty xăng dầu tại Hóc Môn, TP.HCM dẫn chứng: Từ khi bán xăng E5 đại trà theo chủ trương của Chính phủ đến nay, lượng xăng E5 bán ra chỉ khoảng 20%-30% trong tổng sản lượng tiêu thụ. Với mức tiêu thụ thấp như vậy kinh doanh không hiệu quả.
Giảm thuế để khuyến khích xăng sinh học
Trước ý kiến đề nghị khôi phục xăng A92 do kinh doanh xăng E5 không hiệu quả, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), cho rằng với chính sách giá của Nhà nước hiện nay, E5 đang được ưu đãi so với xăng khoáng thông thường. Tuy vậy, để thu hút mọi người sử dụng xăng sinh học thì thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng E5 cần thấp hơn xăng khoáng ở mức giá đủ lớn và ổn định lâu dài.
Đặc biệt, Nhà nước cần quyết liệt và có chế tài đủ mạnh đối với các thương nhân đầu mối không hoặc hạn chế triển khai kinh doanh xăng sinh học hoặc làm hình thức.
“Việt Nam cần kiên định chủ trương sử dụng nhiên liệu sạch. Các quốc gia phát triển có môi trường tốt như Mỹ, châu Âu đều đã quy định bắt buộc sử dụng nhiên liệu sinh học, nhiên liệu sạch Euro 4, Euro 5… từ nhiều năm nay. Đây là tiến trình đòi hỏi nỗ lực, kiên trì, nhận thức và sự đóng góp của mọi thành phần kinh tế chứ không chỉ các công ty xăng dầu” - ông Dũng nêu quan điểm.
Saigon Petro cũng nhìn nhận rằng để phát triển xăng sinh học E5, bên cạnh việc tăng thuế BVMT với xăng A95 từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít cần xem xét giảm thuế xăng E5 xuống thêm 500 đồng/lít hoặc không tính thuế BVMT xăng E5 theo tỉ lệ ethanol như hiện nay. Mục tiêu nhằm giúp giá bán lẻ xăng E5 thấp hơn A95 khoảng 2.000-2.500 đồng/lít.
“Đây là biện pháp cơ bản và lâu dài. Biện pháp này nếu thực hiện sẽ khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5 để bảo vệ môi trường. Ai sử dụng xăng khoáng RON cao, không bảo vệ môi trường thì phải chấp nhận giá cao” - Saigon Petro nhấn mạnh.
Anh Nguyễn Văn Nam, nhà ở quận Thủ Đức, TP.HCM cho biết từ khi xăng A92 biến mất khỏi các cây xăng, anh vẫn thỉnh thoảng đổ xăng E5. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của nhà sản xuất đối với xe tay ga thì nhiên liệu dùng là xăng A95 nên anh tuân theo khuyến cáo để đảm bảo độ bền cho xe. Cũng theo anh Nam, dù sử dụng xăng E5 không thấy xe bị chết máy nhưng độ bốc của xe không bằng A95 và mau hết hơn xăng A95. Hơn nữa, hiện nay nhiều cây xăng không bán E5 nên muốn mua cũng khó. |
Sẽ báo cáo Chính phủ
Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM ngày 12-3, một lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết hiện Bộ vẫn chưa nhận được văn bản kiến nghị từ DN về việc dùng lại xăng A92. Bộ sẽ trao đổi và có ý kiến cụ thể khi nhận được văn bản kiến nghị của DN.
Vị lãnh đạo này cũng cho biết trên thị trường có hàng chục đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc xử lý kiến nghị cần được tham khảo từ nhiều đơn vị đầu mối khác. “Hiện Bộ Công Thương, Bộ Tài chính đang tập hợp số liệu, theo dõi tình hình sử dụng xăng E5 cũng như A95 trên thị trường để báo cáo Chính phủ trong quý I-2018” - vị lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết thêm.
Một chuyên gia am hiểu về thị trường xăng dầu cho rằng việc DN đầu mối đề xuất dùng lại xăng A92 khó được chấp nhận. Bởi sử dụng xăng sinh học thay thế A92 là chủ trương của Chính phủ nhằm sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, vị này cũng nhìn nhận bán xăng E5 hay A95 là quyền kinh doanh của DN. Tùy vào điều kiện cột bơm, sản lượng tiêu thụ sản phẩm mà DN quyết định bán loại sản phẩm nào cho phù hợp. Không thể ép cửa hàng chỉ bán xăng E5 khi khách hàng chỉ mua xăng A95.
Hỗ trợ doanh nghiệp bán xăng E5 Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2 diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ chưa nắm lý do vì sao các DN lại không bán xăng E5. Từ ngày 1-1-2018, theo lộ trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, xăng E5 được bán đại trà trên toàn quốc. Theo báo cáo của các đầu mối cũng như các sở Công Thương trên toàn quốc, số lượng xăng E5 tiêu thụ tăng tương đối nhanh. Đối với các DN hiện nay ngừng bán E5 như báo chí đề cập thì quyền kinh doanh là quyền của DN, các DN có thể bị lỗ, lãi hoặc có thể vì lý do nào đó. “Trong chức trách của chúng tôi, đề nghị báo chí cung cấp tên DN, đại lý nào (ngừng bán xăng E5 - PV) để chúng tôi phối hợp trực tiếp với các sở Công Thương nơi DN, đại lý kinh doanh đó để có biện pháp hỗ trợ” - Thứ trưởng Hải chia sẻ. |