Nhà nghiên cứu 103 tuổi dùng 10 tiếng trong ngày để viết sách và nghiên cứu

(PLO)- Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư đã sang tuổi 103 vẫn chuyên tâm nghiên cứu và say mê viết sách. Tinh thần lao động của ông trở thành tấm gương cho nhiều thế hệ. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-4, Sở TT&TT TP.HCM kết hợp với NXB Tổng hợp TP.HCM đã tổ chức chương trình giao lưu tác phẩm Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020) của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư tại sân khấu Công trường Công xã Paris.

Tác phẩm "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020)" của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Tác phẩm "Gia Định - Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, dặm dài lịch sử (1698-2020)" của Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư. Ảnh: HÀ NGUYỄN

Đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và Văn hoá đọc Việt Nam năm 2023 tại khu vực TP.HCM.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là tấm gương sáng cho nhiều người

Phát biểu tại chương trình, ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM cho biết, lý do chọn chương trình để mở màn cho chuỗi hoạt động của Ngày sách và Văn hoá đọc lần 2 vì đây là tác phẩm Văn hoá, lịch sử có giá trị đối với TP.HCM và tinh thần lao động của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư là tấm gương sáng cho người dân, cán bộ, công chức và đặc biệt là thanh, thiếu niên thành phố.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM phát biểu tại chương trình.

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM phát biểu tại chương trình.

"Qua buổi giao lưu hôm nay chúng tôi mong muốn không chỉ giới thiệu một bộ sách có giá trị đối với TP.HCM mà còn giới thiệu một tinh thần lao động Nguyễn Đình Tư, rất kiên trì, nhẫn nại, hăng say, đáng trân quý. Và trên hết là tấm lòng sâu nặng đối với TP.HCM" – ông Lâm Đình Thắng bày tỏ.

Tác phẩm vừa được cho ra mắt nhân kỷ niệm 325 năm Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP.HCM, là công trình đã được thực hiện trong hơn 25 năm của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Chia sẻ tại buổi giao lưu, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư cho biết bộ sách là tâm nguyện của ông dành cho thành phố, một thành phố sôi động nhất nhì cả nước nhưng chưa có tài liệu nào tổng quát về các khía cạnh của nó.

Theo nhà nghiên cứu, tác phẩm này giống như một tập cẩm nang mà các cơ quan, cán bộ, công chức, các gia đình trong thành phố nên có. Để khi muốn tìm một vấn đề gì liên quan đến thành phố, chỉ cần mở sách ra là có thể thỏa mãn ngay, không cần tìm đâu xa.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM tặng hoa của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đến Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM tặng hoa của Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên đến Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

"Những cái gì cần viết, cần nói, cần giới thiệu về thành phố với người dân ở trong thành phố, người ở các nơi, thậm chí với các bạn đến chơi, tôi nghĩ quyển sách này đã trọn vẹn rồi" - ông bày tỏ.

Ông nói thêm: "Từ giờ trở đi, thời gian còn dài, thành phố còn phát triển, còn tiến bộ, còn tốt đẹp hơn nữa, đó là trách nhiệm của các thế hệ mai sau".

Dù đã sang tuổi 103, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư vẫn dành 10 tiếng để viết sách và nghiên cứu. Tinh thần lao động của ông đã truyền cảm hứng cho các nhà nghiên cứu sau này.

Tình yêu với lịch sử, với thành phố rất mãnh liệt

Là người chứng kiến quá trình lao động của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư, PGS.TS Trần Thị Mai bày tỏ: “"Điều tôi tâm đắc và trân trọng ở ông đó là tinh thần lao động rất bền bỉ, kiên trì, hăng say. Một ngày ông viết 10 tiếng, không ngừng nghỉ, cho thấy tình yêu của ông với lịch sử, với thành phố rất mãnh liệt và để lại một công trình lớn".

Các diễn giả giao lưu tại chương trình.

Các diễn giả giao lưu tại chương trình.

Công trình không chỉ đem lại một cái nhìn bao quát về 300 năm của thành phố, mà còn đưa người đọc về tiền sử, về thời kỳ phù Nam, về thời kỳ Thủy Chân Lạp và những người lưu dân Việt đầu tiên trên vùng đất này.

Theo PGS.TS Trần Thị Mai, nhà nghiên cứu có cách tiếp cận với khoa học lịch sử như một người kể chuyện, nhẩn nha kể từ việc này sang việc khác, từ những công việc đầu tiên tạo dựng, cho đến công cuộc kiến thiết, đấu tranh để gìn giữ vùng đất này. Đó chính là điều mà những thế hệ sau, những thế hệ trẻ rất trân trọng.

“Nếu người ta có một tình yêu dành cho non sông đất nước, tình yêu với thành phố thì người ta có thể làm được những điều phi thường như vậy. Để xử lý toàn bộ tư liệu này, ông phải có một vốn văn hóa lớn.

Chẳng hạn cách sử dụng khác nhau của hai từ "di dân" và "lưu dân", ở TP.HCM có bao nhiêu ngôi chùa, bao nhiêu con rạch... cụ Tư làm rất kỹ. Nói thật, tôi càng đọc tôi càng kính nể một sự chuyên tâm, cần cù và nhẫn nại" - nhà thơ, nhà báo Lê Minh Quốc chia sẻ.

Ông Lâm Đình Thắng chụp lưu niệm với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Ông Lâm Đình Thắng chụp lưu niệm với nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư

Tại buổi giao lưu, bà Đinh Thanh Thuỷ, Giám đốc NXB Tổng hợp TP.HCM cho biết đang bắt tay biên tập bản thảo cuốn tự truyện của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm