Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi: 'Nạn tranh giả sẽ 'giết chết' thị trường tranh Việt'

(PLO)- Sotheby’s - hãng đấu giá tranh lâu đời thứ 3 thế giới lần đầu tiên triển lãm tranh tại Việt Nam đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người yêu mến hội họa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Triển lãm mang tên "Hồn xưa bến lạ", trưng bày 56 bức tranh của “bộ tứ trời Âu” Phổ-Thứ-Lựu- Đàm nhận được hơn 5.000 lượt đăng ký tham quan.

Nhân dịp này, PLO đã có buổi trò chuyện với nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi để nghe ông chia sẻ về sự kiện lần này.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi. Ảnh: NVCC.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi. Ảnh: NVCC.

Một triển lãm không tưởng

. Phóng viên: Theo ông, vì sao Sotheby’s lại lựa chọn Việt Nam là điểm đến cho lần triển lãm này?

+ Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Theo tôi thấy, ngày nay đời sống vật chất trở nên sung túc hơn, nhiều người Việt đã có thể nghĩ về món ăn tinh thần nhiều hơn. Một số người có điều kiện, xây dựng những căn nhà rất lớn lại không có sự hiểu biết sâu xa về mỹ thuật nên họ cần những chuyên gia để cố vấn. Bước chân vào một căn nhà sang trọng nhưng lại treo những bức tranh không được đẹp lắm thì đây thuộc về vấn đề… đẳng cấp.

Đó là lý do mà Sotheby’s muốn mở văn phòng tại Việt Nam để xây dựng một thị trường tranh uy tín hơn.

. Ông có đánh giá như thế nào về lần triển lãm tranh Đông Dương đầu tiên của Sotheby’s tổ chức tại Việt Nam?

+ Đây là một sự kiện hiếm có, nếu không nói là phi thường. Để có thể tổ chức được một triển lãm quy mô như thế này, các nhà sưu tập đã có lòng tin cho chúng ta mượn tranh. Tôi mong mỏi sau triển lãm này, sẽ còn những tổ chức khác tiếp cận các nhà sưu tập để đưa tranh Đông Dương đến gần công chúng hơn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi tại triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Ảnh: NVCC.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi tại triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Ảnh: NVCC.

. Ông có nghĩ qua lần triển lãm này của Sotheby’s thì thị trường mỹ thuật đương đại của Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm cao mới?

+ Tất cả mọi việc đều phải có sự bắt đầu của nó. Tôi hân hoan chào đón nếu Sotheby’s có thể đặt viên gạch đầu tiên cho môi trường đấu giá ở Việt Nam. Vì điều đó đồng nghĩa là thị trường mỹ thuật sẽ đi vào một bước ngoặc giá trị sau này.

Tại Việt Nam, chúng ta đã có nhà đấu giá nhưng không thành công vì Việt Nam không có kinh nghiệm. Trong khi đó, Sotheby’s đã hiện diện hơn 200 năm và họ đã xây dựng được chiến lược riêng còn chúng ta lại không có kinh nghiệm lẫn chiến lược.

Đây là lần thứ ba Sotheby’s đặt chân vào Việt Nam, hai lần trước không thành công, có thể là vì thời điểm chưa chín mùi. Với lần này, tôi nghĩ đây là thời gian tranh Việt Nam ngày càng được chú ý hơn. Chúng ta đã đạt được trên 3 triệu USD cho một bức tranh, chứng tỏ thị trường đã vững chắc hơn.

Sotheby’s không phải là hồn nhiên đặt chân vào Việt Nam. Là một nhà đấu giá, họ phải có những dự định riêng, nếu không có lợi nhuận thì họ sẽ không xây dựng thị trường.

Nếu Sotheby’s có thể lập văn phòng tại Việt Nam, điều này sẽ kéo theo những đối tác, nhà đấu giá khác. Nếu thành công lần này mỹ thuật Việt Nam sẽ được nâng lên một tầm cao hơn nữa, hi vọng là như vậy.

.Trong vai trò nhà nghiên cứu mỹ thuật ông có nghĩ rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến của các nhà sưu tập quốc tế?

+ Hiện bây giờ tranh Việt hồi hương rất nhiều. Theo tôi biết, phần lớn những nhà sưu tập Việt Nam mới thích thú về tranh Việt, còn lại rất ít nhà sưu tập nước ngoài.

Sotheby’s cũng nhận thấy được điều đó và thay vì nhà sưu tập Việt Nam phải ra nước ngoài thì họ tạo điều kiện thuận lợi cho người Việt mua tranh tại Việt Nam. Khuyến khích họ đầu tư nhiều hơn, điều đó sẽ làm cho thị trường tranh ngày càng phát triển.

Một góc của triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Ảnh: VĂN HÀ

Một góc của triển lãm "Hồn xưa bến lạ". Ảnh: VĂN HÀ

“Cần quyết tâm bài trừ tranh giả”

.Như ông nói, việc đưa tranh Đông Dương trở lại Việt Nam là điều cần thiết nhưng những người trẻ lại chưa được tiếp xúc nhiều với tranh Đông Dương?

+ Theo dõi buổi triển lãm, tôi rất vui mừng khi nhiều người đến xem tranh đặc biệt là những bạn trẻ.

Đối với những bạn trẻ hiện nay, tranh Đông Dương là một huyền thoại. Họ chưa bao giờ được nhìn thấy tranh mà chỉ thấy qua sách báo hoặc mạng xã hội. Nếu có những tổ chức tương tự sẽ thành cơ hội tốt để người trẻ tiếp xúc tranh.

Tôi hi vọng sau tiếng vang thành công của cuộc triển lãm này, những nhà sưu tập sẽ tiếp tục cho chúng ta mượn tranh. Những sự kiện triển lãm thế này ngày càng nhiều để đưa tranh Đông Dương đến gần với công chúng hơn.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi mong mỏi mọi người cùng quyết tâm bài trừ nạn tranh giả. Ảnh: NVCC

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi mong mỏi mọi người cùng quyết tâm bài trừ nạn tranh giả. Ảnh: NVCC

. Một trong những điều nhức nhối hiện nay là vấn nạn tranh giả và ông cũng từng trăn trở về điều này?

+ Vừa rồi bức tranh giả của hoạ sĩ Lê Văn Đệ là một vấn đề nhức nhối. Trong thời gian đất nước vừa mở cửa, rất nhiều tranh được sao chép để bán ra thị trường. Bức tranh "Nắng hè" nằm trong trường hợp này.

Điều thứ nhất là tên tuổi của danh họa Lê Văn Đệ (Thủ khoa Khoá I, Trường Mỹ thuật Đông Dương). Kế đó tác phẩm diễn tả một không gian rất Việt Nam, người mẹ bồng con ngủ trưa lơ đãng trên võng, tóc dài buông xõa và chất liệu lụa mang đến tính dịu dàng của chủ đề tranh. Chính vì vậy "Nắng hè" được một số nhà gallery sao chép làm quà lưu niệm cho du khách.

Cách đây mấy năm người sưu tầm đã mua bức tranh trên với giá 67.000 euro. Bây giờ họ cảm thấy có thể mua “hớ” nên bán ra với hi vọng cứu vớt được đồng nào hay đồng đó. Vừa rồi tranh đã được gõ búa ở mức giá 43.000 euro, kém gần phân nửa.

Qua sự việc này, chúng ta thấy rằng người sưu tập tranh cần phải có kiến thức, tự học hỏi để bảo vệ mình. Vì hiện nay không có cơ chế pháp luật nào bảo vệ cho chúng ta cả.

Đối với những nhà đấu giá uy tín, có hợp đồng rõ ràng, người mua có thể trả lại tranh nếu thấy đó là tranh giả. Chúng ta cần phải đồng lòng quyết tâm bài trừ tranh giả vì vấn nạn này chỉ đưa thị trường tranh ngày càng đi xuống.

Xin cảm ơn ông.

"Rồi một lúc nào đó các tranh Đông Dương sẽ hết đi, thị trường tranh sẽ đến hậu hiện đại, đến đương đại. Hiện bây giờ một số nhà sưu tập muốn đầu tư vào mỹ thuật. Họ có thể đầu tư vào tranh đương đại. Tranh đương đại vẫn ở trong tầm tay và chúng ta có thể chứng nhận được đó là tranh thật vì hoạ sĩ vẫn còn sống. Trải qua một vài thế hệ sau, đó sẽ là những bức tranh có giá" – nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm