Nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Phòng Hội hoạ Giải phóng (B11) và kỷ niệm 97 năm ngày sinh của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM đã khai mạc Triển lãm bên chiến hào vào sáng 10-4 hai bạn trẻ Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường thực hiện.
Hoàng Việt (giữa) và Hùng Cường (bên phải ngoài cùng) cùng gia đình hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông tại buổi triển lãm. Ảnh: BTC. |
Triển lãm thực hiện nhằm mục đích gợi nhớ về các cuộc triển lãm bên chiến hào đã thực hiện trong thời kỳ kháng chiến ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Qua đó, cảm nhận được tinh thần lạc quan yêu đời của các chiến sĩ đồng chí, đồng nghiệp… qua những bức ký hoạ chân dung do hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông ghi lại.
Triển lãm bên chiến hào trưng bày 97 tác phẩm tiêu biểu là những ký hoạ của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông đã vẽ tại chiến trường trong khoảng thời gian từ năm 1963.
Trong đó, có 82 bức ký hoạ chân dung là những bà Má Nam Bộ, cán bộ chiến sĩ, nữ biệt động, chị nuôi trên đất Thép, xạ thủ trẻ….
Một số tranh ký hoạ nhân vật của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông. Ảnh: VĂN HÀ. |
Và 15 bức ký hoạ sự kiện lịch sử, trên trận địa, cảnh sinh hoạt trong chiến khu…. Với chất liệu chì, bút sắt, mực đen, thuốc nước, phấn màu…
Tranh ký hoạ "Qua rừng lá" . Ảnh: VĂN HÀ. |
Có thể nói, đây là những trang sử bằng tranh vô giá, là một tập tài liệu mỹ thuật quý và hữu ích cho việc tìm hiểu nghệ thuật tạo hình trong ký hoạ kháng chiến.
Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi (trái) và ông Huỳnh Phương Đông (con trai cố hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông) tại triển lãm. Ảnh: VĂN HÀ. |
Tham dự buổi khai mạc triển lãm, Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Ngô Kim Khôi chia sẻ với PLO: “Tôi ấn tượng về thần thái trong tranh của Huỳnh Phương Đông. Bút lực và thần thái trong tranh của ông rất mạnh mẽ nhưng nó vẫn hoàn toàn có chất thơ. Bởi trong cuộc chiến tranh, đạn bom ác liệt như vậy hoạ sĩ vẫn còn có thể nắm bắt được thần thái của các người mẫu. Điều đó, đi thẳng từ bút của ông ra từng trang giấy và đi thẳng đến tâm hồn người xem.
Qua đó cho thấy người hoạ sĩ đó có rất nhiều tài năng, khả năng. Ký hoạ là cái rất là nhanh, phải nắm bắt được tinh thần thần thái ngay lập tức thì mới có thể tạo nên được những bức vẽ như ngày hôm nay thì hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông là một trong những người hiếm hoi có được tài năng đó mà không phải ai cũng làm được.
Đây được xem là một bộ sưu tập hiếm hoi và có tập hợp nhiều được kho tàng quý báu trong cùng một đề tài như thế này thì tôi nghĩ bộ sưu tập sau này sẽ rất có giá trị”.
Cũng trong dịp này, Nhà xuất bản (NXB) Mỹ Thuật cũng đã giới thiệu cuốn sách “Bí danh Huỳnh Phương Đông” do Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường biên soạn.
Tập sách "Bí danh Huỳnh Phương Đông" do NXB Mỹ Thuật liên kết cùng Phạm Hoàng Việt và Nguyễn Hùng Cường biên soạn. Ảnh: BTC. |
Theo bà Đặng Thị Bích Ngân- Giám đốc, Tổng biên tập NXB Mỹ Thuật, cuốn sách Bí danh Huỳnh Phương Đông dày 548 trang, bìa cứng kèm một phụ bản 16 trang dịch tóm tắt nội dung bằng tiếng Anh.
Cuốn sách được biên soạn với nhiều thông tin chưa từng công bố như hình ảnh, thư viết tay trong thời chiến… của hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông và những câu chuyện xoay quanh chữ “bí danh” được giới thiệu trong triển lãm.
Gia đình và các tác giả biên soạn sách ký tặng sách cho độc giả. Ảnh: VĂN HÀ. |
Triển lãm bên chiến hào sẽ kéo dài đến ngày 17-4 cùng với nhiều hoạt động đi kèm xoay quanh triển lãm.
Hoạ sĩ Huỳnh Phương Đông tên thật là Huỳnh Công Nhãn (1925-2015) tại Bình Hoà, Gia Định, nguyên quán Kế An- Kế Sách tỉnh Sóc Trăng.
Học tại trường Mỹ nghệ thực hành Gia Định (tuyển năm 1941) và trường Cao Đẳng Mỹ ThuậT Việt Nam (1957-1963). Ông là hoạ sĩ - chiến sĩ tham gia cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Ông lấy tên con trai là Huỳnh Phương Đông làm bí danh từ năm 1963, khi vượt Trường Sơn vào chiến trường miềN Đông Nam Bộ công tác tại phòng Hội hoạ Giải phóng (B11).
Sau ngày thống nhất đất nước 30-4-1975 đến 2015, ông vẫn dùng bí danh này làm bút danh chính thức để hoạt động mỹ thuật.