Ngày 28-5, Quốc hội thảo luận về Dự luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Một trong những vấn đề quan trọng là “cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu” hay còn gọi là chia sẻ rủi ro, được quy định tại Điều 84 của Dự luật.
Chủ nhiệm UB Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói UB Thường vụ tiếp thu ý kiến đại biểu, theo hướng Nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro với các doanh nghiệp đầu tư dự án PPP khi Nhà nước có lỗi. Ảnh: QH
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm UB Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Nhiều ý kiến nhất trí cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu, tuy nhiên đề nghị quy định rõ về nguyên tắc chia sẻ. Quy định rõ khi nào thì chia sẻ rủi ro, chia sẻ rủi ro ở mức nào và rủi ro nào Nhà nước phải chịu, rủi ro nào nhà đầu tư phải chịu, làm rõ cơ sở xác định mức chia sẻ rủi ro 50%, 75%.
Một số ý kiến đề nghị chỉ thực hiện chia sẻ rủi ro khi doanh nghiệp PPP thua lỗ, mất vốn. Đề nghị quy định rõ hơn về cấp có thẩm quyền quyết định, điều kiện, đối tượng áp dụng, cách thức kiểm soát và quản lý rủi ro tài chính quốc gia.
Nội dung này, ở kỳ họp thứ 8, ĐB có nhiều ý kiến khác nhau, nên UB Thường vụ Quốc hội xin trình 2 phương án.
Theo phương án 1, việc chia sẻ phần tăng doanh thu được áp dụng sau khi đã thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP, chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ trong luật.
Trên thực tế, dự án PPP chỉ được xác định thua lỗ, mất vốn khi không đạt điểm hoàn vốn (bắt đầu có lãi) theo phương án tài chính. Hơn nữa, có nhiều yếu tố tác động trong thời gian thực hiện và đưa vào khai thác, sử dung dự án (ví dụ: thay đổi tỷ giá, lãi suất vay ... ). Điều này sẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp đầu tư dự án PPP cố tình tăng cao các chi phí quản lý để tránh lãi phát sinh lớn hoặc nếu lỗ sẽ lỗ nhiều hơn, làm ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước.
”Do đó, dự thảo Luật PPP không tiếp cận theo hướng chia sẻ khi nhà đầu tư dự án PPP thua lỗ, mất vốn, mà chỉ xem xét việc áp dụng chia sẻ khi doanh thu của dự án bị sụt giảm do lỗi từ phía Nhà nước”, ông Vũ Hồng Thanh trình bày.
Tại kỳ họp thứ 8, cơ chế chia sẻ rủi ro được đề xuất theo hướng Nhà nước chia sẻ không quá 50% phần hụt thu và nhà đầu tư chia sẻ không thấp hơn 50% phần tăng thu. Một số ý kiến cho rằng quy định như vậy không rõ, không bảo đảm sự bình đẳng trong mối quan hệ chia sẻ giữa Nhà nước và tư nhân.
“Do vậy, xin tiếp thu theo hướng cố định tỷ lệ 50%-50%”, ông Thanh nói.
Về tỷ lệ mức doanh thu cam kết để bắt đầu thực hiện chia sẻ khi giảm doanh thu từ kinh nghiệm một số nước và thực tiễn triển khai một số dự án BOT giao thông, UB Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng:
Khi doanh thu thực tế chỉ đạt 75% doanh thu trong phương án tài chính trở xuống, với các dự án đủ điều kiện, Nhà nước bắt đầu xem xét, tính toán việc chia sẻ phần giảm doanh thu. Khi doanh thu thực tế đạt từ 125% doanh thu trong phương án tài chính trở lên, Nhà nước bắt đầu xem xét, yêu cầu nhà đầu tư chia sẻ phần tăng doanh thu.
Trong phương án 2, cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi được xác định: không phải trong mọi trường hợp đều được áp dụng cơ chế chia sẻ phần lỗ, lãi; chỉ được thực hiện khi dự án PPP đáp ứng đầy đủ các điều kiện chặt chẽ như: dự án do cơ quan có thẩm quyền lập; áp dụng loại hợp đồng BOT, BTO, BOO và không sử dụng vốn nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng.
Cùng với đó, dự án bị lỗi phải do quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh nghiệp dự án PPP bị thua lỗ. Đồng thời đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP nhưng doanh nghiệp vẫn bị thua lỗ.
Tỷ lệ chia sẻ phần lỗ, lãi cũng vẫn theo nguyên tắc 50%-50%.
Về vấn đề này, UB Thường vụ Quốc hội đề nghị lựa chọn phương án 1.
Nguồn để chia sẻ phần giảm thu hoặc phần lỗ của doanh nghiệp đầu tư dự án PPP được đề xuất lấy từ nguồn dự phòng chung nguồn ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn quốc gia đối với các dự án do Trung ương lập, duyệt. Các dự án do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư thì sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn ngân sách địa phương.