Để giữ chân công nhân (CN), người lao động (NLĐ), TP.HCM đang thúc đẩy nhanh các giải pháp về nhà ở giá rẻ cho CN, NLĐ.
Với những người còn trụ lại ở TP, động thái này là một tín hiệu vui, đáng để hy vọng.
Quá sợ bốn tháng bị “nhốt” trong phòng trọ
Khu trọ mà anh Nguyễn Văn Hạnh tạm trú 14 năm qua nằm trên một con hẻm nhỏ đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân. Lối dẫn vào phòng trọ của anh ngổn ngang giàn phơi quần áo.
Căn phòng trọ tối om của anh trống hoắc, không có nhiều vật dụng. Anh sống một mình, không vợ con dù tuổi đã vào trung niên. Anh Hạnh nói một trong những lý do anh không muốn kết hôn là chưa có nhà ở ổn định. Đời ở trọ khổ lắm nên anh không muốn làm khổ thêm người khác.
Bốn tháng không ra khỏi phòng trọ khiến anh Hạnh cảm thấy sợ và ước có một ngôi nhà. Ảnh: NGỌC LÀI
Thu nhập bình quân mỗi tháng của anh chỉ dao động từ 9-10 triệu đồng. Trừ đi tiền trọ, điện nước, chi tiêu cá nhân, tiết kiệm nhiều lắm, anh cũng chỉ dư được 1-2 triệu đồng. Nhưng đến dịp chi tiêu lớn như lễ tết, bệnh tật, đám tiệc, tiền tiết kiệm cũng vơi dần.
Anh kể suốt bốn tháng trời bùng dịch, anh phải nhốt mình trong phòng trọ chật chội. Buồn, anh xem tin tức, phim ảnh… trên máy tính, điện thoại. Muốn ra trước cửa để thở một chút, anh cũng ngại dịch bệnh.
“Phòng nào cũng đóng cửa im ỉm. Khoảng cách giữa các phòng không đủ rộng, xa để phòng dịch nên không ai dám mở cửa nói chuyện” – anh Hạnh nhắc lại một cách chán chường.
Anh nói có rơi vào mùa dịch, mọi người mới thấy tầm quan trọng của nhà ở, của không gian sống. Con hẻm nơi anh đang sống trở thành vùng đỏ cũng bởi có nhiều dãy trọ quá đỗi tù túng, chật hẹp.
Lối dẫn vào phòng trọ của anh Hạnh ngổn ngang giàn phơi quần áo. Ảnh: NGỌC LÀI
Ngoài nỗi khổ từ điều kiện sống, người ở trọ như anh còn bị mệt mỏi về tinh thần. Đến ngày đóng tiền trọ, chủ nhà không bớt ngàn nào, “còn nặng nhẹ, càm ràm đủ thứ”.
Công ty nơi anh làm việc có xây nhà trọ cho CN thuê với giá ưu đãi nhưng chỉ có vài trăm phòng, trong khi số lượng CN gần 80.000 người. Đã vậy, khu vực xây dựng nhà trọ lại cách xa nơi làm việc, phải đi qua những cung đường vắng, người thường xuyên làm việc ca đêm như anh đi lại rất nguy hiểm.
14 năm trải qua đủ mọi cung bậc của người ở trọ, anh Hạnh chỉ ước sở hữu một ngôi nhà nhỏ, có cửa sổ để mở ra, được hít thở không khí trong lành.
“TP có kế hoạch xây nhà giá rẻ cho CN, NLĐ thì tôi thấy cũng khả thi nhưng sợ chờ đợi lâu quá” – anh Hạnh chia sẻ.
Anh Hạnh hy vọng TP có thể tính đến việc trả tiền mua nhà bằng cách khấu trừ vào lương hàng tháng của CN, NLĐ.
Làm quần quật mà không có nhà
Vợ mắc COVID-19 phải đi cách ly, anh Lê Quang Hiếu, quê tỉnh Quảng Ngãi, đang sống trọ tại dãy trọ trên đường Cống Lỡ, phường 15, quận Tân Bình, một mình chăm con.
Gia đình anh Hiếu chấp nhận đóng tiền trọ gấp hai để thuê hai phòng ghép làm một. Ảnh: NGỌC LÀI
Loay hoay trong căn bếp nhỏ, anh Hiếu nói đã phải thuê hai phòng để ghép lại thành một cho rộng rãi. Dẫu vậy, anh vẫn thấy bí bách.
Khi con được ba tuổi, anh bàn với vợ phải thuê thêm phòng, đập tường làm cửa thông nhau, cho con nhỏ có chỗ chạy tới chạy lui. Mỗi tháng gia đình anh phải chi hơn 3 triệu đồng cho tiền thuê trọ.
Đợt dịch vừa rồi, anh may mắn không thất nghiệp nhưng phải ba tại chỗ tại công ty. Xót vợ con ở nhà trọ bí bách suốt mấy tháng trời, không đêm nào anh trọn giấc.
Anh Hiếu nói: “Lúc không ngủ được, ý nghĩ có được ngôi nhà cho riêng mình lại trỗi dậy. Nhưng nghĩ đến rồi ứa nước mắt vì lực bất tòng tâm. Với mức lương trên dưới 10 triệu đồng, chuyện mua nhà khó quá!”.
Anh Hiếu thuê thêm phòng để con trai có chỗ chạy nhảy. Ảnh: NGỌC LÀI
Trước đây, khi chưa có con nhỏ, mỗi tháng dè sẻn, vợ chồng anh còn dư được khoảng 2 triệu đồng. Từ ngày có con, anh vừa lo tã sữa cho con vừa gửi tiền về quê phụng dưỡng mẹ già, bao nhiêu tiền kiếm được cũng không có dư.
“Làm cả đời chỉ mong có ngôi nhà để lại cho con nhưng đã cố gắng hết sức vẫn không thể có được” – anh Hiếu nghẹn ngào, cố đảo mắt đi nơi khác.
Người đàn ông rắn rỏi, bươn chải hơn 8 năm ở TP mà có lúc yếu lòng, không dám nhìn người đối diện.
Anh tự trách mình đã cố nhưng sức chỉ làm được đến vậy thì phải chấp nhận ở trọ. Phải biết bằng lòng với thực tại, còn tương lai nếu TP cho mua nhà giá rẻ, anh sẽ cố gắng để mua được nhà cho con trai.
Anh cũng mong chính sách nhà ở giá rẻ cho CN, NLĐ không có điều khoản đặt cọc trước số tiền mấy trăm triệu đồng. Bởi, muốn có được khoản tiền này chắc chắn anh cũng phải vay mượn. Việc trả góp nhà, đồng thời trả tiền nợ hàng tháng là quá sức đối với CN, NLĐ.
"Cứ trừ dần vào lương hàng tháng của chúng tôi, đến bao giờ đủ giá trị căn nhà thì thôi, mấy mươi năm cũng được. Nếu giữa chừng chúng tôi không đủ khả năng trả tiếp thì cứ thu hồi hoặc cho các con của chúng tôi trả tiếp. Thay vì trả tiền thuê trọ, chúng tôi trả tiền thuê hàng tháng cho Nhà nước. Nhưng khác ở chỗ, khi góp đủ, cuối đời chúng tôi có được ngôi nhà của riêng mình" - anh Hiếu gợi ý.
Anh Hiếu ước có một ngôi nhà để trồng cây, bày trí theo ý thích. Ảnh: NGỌC LÀI
Nếu thuận lợi mua được một chung cư nho nhỏ, anh Hiếu sẽ trồng thêm cây xanh, bày trí căn nhà theo ý thích. Gia đình anh sẽ chọn sống lâu dài ở TP để con trai có điều kiện sống và học hành tốt hơn.
"Biết đâu, nó học hành thành tài lại tiếp tục làm việc góp sức cho TP” – mắt anh Hiếu ánh lên niềm hy vọng lấp lánh.
Hơn 10 năm ở TP chưa dám tính đến chuyện mua nhà
Tôi đến TP.HCM làm việc hơn 10 năm. Trong thời gian làm, thu nhập cũng chỉ đủ sống, không tích lũy được bao nhiêu. Bởi, tôi trích phần lớn thu nhập gửi về quê lo cho con cái, người thân. Mỗi tháng có dư khoảng 2-3 triệu đồng thì đến đám tiệc, lễ tết… cũng hết. Đợt dịch vừa rồi khổ quá, nguyên khu trọ cũng bị dính COVID-19, chết mấy người. Tôi từng có ước mua nhà ở TP nhưng sau dịch không dám nghĩ đến nữa. Bây giờ lại nghe TP đang gấp rút xây nhà giá rẻ cho CN, tôi bắt đầu nhen nhóm hy vọng. Đợi xem tình hình thế nào, tôi mới dám tính tiếp chuyện mua nhà TP. Chị HỒ THỊ THÚY AN, ngụ phường Tân Tạo, quận Bình Tân |