Nhà Tây Sơn hay nhà Nguyễn thống nhất đất nước?

Giữa tháng 8-2017, bộ sách Lịch sử Việt Nam được cho là đồ sộ nhất, bao quát lịch sử nước ta từ khởi thủy đến năm 2000 đã chính thức được giới thiệu tới bạn đọc.

Bộ sách gồm 15 tập, được hoàn thành trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ (cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam - VASS), do Viện Sử học là cơ quan chủ trì.

Bộ sách đã đưa ra nhiều thông tin mới, bổ sung thêm một số quan điểm mới. Trong đó, hai cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía tây nam và biên giới phía bắc được nhắc đến.

Điểm đặc biệt thứ hai theo PGS-TS Trần Đức Cường, nguyên Phó Chủ tịch VASS, hiện là Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam đó là các quan điểm mới trong đánh giá các vương triều, trong đó có nhà Nguyễn, nhà Mạc… Đơn cử như vương triều Mạc, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận đó là một trong những vương triều có đóng góp trong lịch sử Việt Nam. Vương triều này đã giúp giải quyết được các vấn đề khủng hoảng kinh tế-xã hội thời Lê. Hay triều Nguyễn cũng được nhìn nhận với cả những thành tựu lẫn sai lầm. Họ có công lớn lao là thống nhất đất nước, khẳng định chủ quyền quốc gia nhưng lại không chấp nhận cải cách khiến đất nước lạc hậu. Vì thế, khi đối diện với cuộc xâm chiếm với thế lực tư bản lúc bấy giờ, nhà Nguyễn đã để đất nước rơi vào tay ngoại bang.

Bộ sử tại buổi ra mắt sách. Ảnh: V.THỊNH

Dù đã ra mắt bạn đọc khá lâu, tuy nhiên nhiều vấn đề trong đó tới nay vẫn khiến nhiều bạn đọc quan tâm. Cụ thể như về vấn đề thống nhất đất nước, có ý kiến cho rằng công lao này phải thuộc về nhà Tây Sơn chứ không phải triều Nguyễn như cuốn sách đề cập.

Trao đổi với chúng tôi về ý kiến này, PGS-TS Trần Đức Cường cho hay: “Quan điểm cá nhân của tôi thì nhà Tây Sơn có công đầu trong việc tạo điều kiện thuận lợi để thống nhất đất nước. Đến lúc nhà Nguyễn, tức Nguyễn Ánh lên ngôi năm 1802 thì hoàn thiện sự thống nhất đất nước ấy”.

Cũng theo ông Cường, trước đây từng có một tranh luận khoa học trong giới nghiên cứu lịch sử ở cả miền Bắc và miền Nam. Có người thì quy toàn bộ cho nhà Tây Sơn, cũng có người quy toàn bộ cho triều Nguyễn. “Theo ý kiến của các nhà nghiên cứu, cụ thể là GS-NGND Phan Huy Lê sau này khẳng định rằng trong quá trình đất nước ta bị chia cắt trong một thời kỳ hàng trăm năm, phong trào Tây Sơn đã tạo tiền đề cơ bản bằng việc đánh đổ nhà Nguyễn, đánh đổ chúa Trịnh, tạo điều kiện cho việc thống nhất đất nước. Còn nhà Nguyễn hoàn thiện sự thống nhất đất nước, như thế mới đầy đủ”, PGS-TS Trần Đức Cường nhắc lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới