Ngày 18-8 tại Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, Nhà xuất bản Thanh Niên, Nhà xuất bản Công an Nhân dân và Công ty Cổ phần Tri thức văn hóa sách Việt Nam đã tổ chức lễ ra mắt các bộ sách quý về văn hóa, khoa học xã hội và biển đảo.
Các bộ sách được giới thiệu dịp này bao gồm bộ “Lịch sử Việt Nam” 15 tập; bộ sách “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; “Văn hóa biển đảo Việt Nam”; “400 năm chữ quốc ngữ hình thành, phát triển”, “Lược sử Việt ngữ học”; “Thế kỷ âm nhạc Việt Nam”, “Hiên ngang Trường Sa”…
Trong đó đáng chú ý là bộ sách Lịch sử Việt Nam. Đây là bộ sách bao quát lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000, gồm 15 tập, được hoàn thành trên cơ sở Chương trình nghiên cứu trọng điểm cấp Bộ (cấp Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nay là Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), do Viện Sử học là cơ quan chủ trì.
Đại diện các NXB giới thiệu về bộ sách của đơn vị mình.
Bộ sách được tập thể các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà nghiên cứu lịch sử của Viện Sử học biên soạn gồm 15 tập, có tổng số 5.580 trang, được tặng thưởng “Giải Vàng sách Hay” năm 2015. Giá của bộ sách gần 5 triệu đồng.
Đây là bộ Thông sử Việt Nam lớn nhất, đồ sộ nhất từ trước đến nay. Bộ sách có giá trị lớn về lý luận, thực tiễn và xã hội. Với nội dung phong phú, toàn diện, nhiều tư liệu mới, có giá trị, bố cục chặt chẽ, được trình bày có hệ thống, Bộ sách Lịch sử Việt Nam từ khởi thủy đến năm 2000 đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy, học tập và hiểu biết về lịch sử Việt Nam.
Các bộ sách ra mắt lần này đều là những bộ sách đồ sộ.
Nói về cuốn sách “Văn hóa biển đảo Việt Nam”, GS.TS Lê Hồng Lý – nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa dân gian nhấn mạnh: “Qua bộ sách, có thể thấy rõ văn hóa biển đảo, đặc biệt là văn hóa dân gian được thể hiện đậm nét trong đời sống của cư dân biển đảo. Những câu ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, phong tục, tập quán, lễ hội, tri thức về đời sống, về con nước, luồng lạch, về các loài sinh vật biển… được người dân biển đảo đúc rút thành kinh nghiệm đi biển cho mình và trở thành giá trị văn hóa biển đảo để chúng ta có được hôm nay”.
Bộ sách “Hiên ngang Trường Sa” lại đưa bạn đọc tiếp cận với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc thông qua những bức ảnh thời sự - nghệ thuật mang tính tư liệu cao.
Bộ sách Chữ quốc ngữ.
Bộ sách được kỳ vọng sẽ giúp những ai chưa từng được ra Trường Sa, chưa hiểu biết nhiều về Trường Sa, sách ảnh có thể giúp bạn đọc đó có cái nhìn toàn cảnh với nhiều góc độ, cũng như hiểu rõ về quyết tâm của quân và dân đất nước Việt Nam chúng ta bảo vệ Trường Sa và bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước nói chung.
“Sự hiên ngang của Trường Sa, của cán bộ chiến sỹ ngoài đảo, những lực lượng ở hậu cứ (Vùng 4 Hải quân) và nhân dân cả nước được thể hiện qua quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ, lạc quan trong cuộc sống, hăng say lao động và rèn luyện kiên cường bền bỉ đấu tranh pháp lý và quân sự (nếu bắt buộc) cũng như tình cảm dành cho Trường Sa trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Trường Sa, bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, tác giả Trần Quốc Dũng bày tỏ.