Nhà thầu thiếu tiền, 3 năm sau sạt lở đường vẫn làm chưa xong

(PLO)- Gần ba năm sau sạt lở, các tuyến đường đi vùng cao huyện Phước Sơn, Quảng Nam vẫn chưa sửa xong, người dân đi lại khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tháng 10-2020, do ảnh hưởng của bão số 9 (Molave) sạt lở đất khiến các xã vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam) thiệt hại nặng nề. Sau bão, nhà cửa, hạ tầng giao thông hư hỏng…Đặc biệt, tuyến ĐH1 và ĐH2 đi vùng cao huyện Phước Sơn gần như bị phá huỷ hoàn toàn.

Trước tình hình trên, cuối năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh ký quyết định công bố tình huống khẩn sạt lở tuyến ĐH1 và ĐH2 do ảnh hưởng của thiên tai.

Gần ba năm sau sạt lở, đường đi vùng cao Quảng Nam chưa sửa xong. Ảnh: TN
Gần ba năm sau sạt lở, đường đi vùng cao Quảng Nam chưa sửa xong. Ảnh: TN

Đường sá bị phá huỷ

Tuyến ĐH1 dài 40km, đi qua bốn xã Phước Đức, Phước Chánh, Phước Kim, Phước Thành (huyện Phước Sơn). Trong đó, đoạn Phước Kim – Phước Thành dài 10km hư hỏng nghiêm trọng với 23 điểm sạt lở đất đá (khối lượng gần 100.000 m3), hư hỏng 400m ta luy âm, bốn cống tròn, năm cầu bản, mặt đường bong tróc, rãnh dọc hư hỏng trên 90%.

Tuyến ĐH2 dài 10,21km nối hai xã Phước Thành và Phước Lộc có đến 30 điểm sạt lở đất đá (khoảng 70.000m3), năm cầu bản và hai cống tròn bị cuốn trôi hoàn toàn; hư hỏng toàn bộ đoạn tuyến khoảng 500m, mặt đường, rãnh dọc hư hỏng hơn 5km…

Hai tuyến đường bị thiên tai tàn phá, làm khoảng 3.000 người ở hai xã Phước Thành và Phước Lộc bị cô lập trong thời gian dài. Gần ba năm sau sạt lở, các tuyến đường này vẫn chưa sửa xong, việc giao thương, đi lại của người dân gặp khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Thưa thớt công nhân tại công trường. Ảnh: TN
Thưa thớt công nhân tại công trường. Ảnh: TN

Ghi nhận của PV, các tuyến đường đang trong giai đoạn sửa chữa, nhưng khối lượng công việc rất ít. Công trường thưa thớt phương tiện và công nhân thi công. Tại các điểm hư hỏng, đường chi chít ổ gà, ổ voi, nhiều vị trí đá nổi lên mặt đường, xe cộ không qua được.

Ông Trần Phú Hoà, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư xây dựng Trung Trung Bộ (một trong ba nhà thầu thi công) cho biết thời tiết tại các xã vùng cao huyện Phước Sơn sáng nắng, chiều mưa nên tiến độ chưa đảm bảo.

“Thời tiết khắc nghiệt, hàng ngày công nhân chỉ làm được buổi sáng, buổi chiều phải nghỉ việc. Ngoài ra, giá cả nguyên vật liệu tăng cao, giá nhà nước niêm yết không theo kịp thị trường, đẩy doanh nghiệp vào thế càng làm càng lỗ, nên chỉ thi công cầm chừng”, ông Hoà nói.

Nhà thầu đuối vốn, thi công ì ạch

Ông Hoà nêu dẫn chứng, giá đá phê duyệt tại công trình 500.000 đồng/m3, trong khi thực tế mua đến nơi đã 850.000 đồng/m3. Những năm trước, một xe tải “bốn chân” chở hơn 20m3, bây giờ chở đúng tải trọng chỉ được 11m3, chưa kể giá nhiên liệu tăng cao đẩy giá cước vận chuyển tăng theo.

Một cây cầu trên đường đi vào xã Phước Lộc chưa lao dầm. Ảnh: TN
Một cây cầu trên đường đi vào xã Phước Lộc chưa lao dầm. Ảnh: TN

Bên cạnh đó, doanh nghiệp trúng thầu được tạm ứng quá ít so với khung nhà nước cho phép. Trong khi tình hình kinh tế khó khăn, nhà thầu mua một bao xi măng, xe đá cũng phải chuyển “tiền tươi”, không mua gối đầu được như trước.

Theo ông Hoà, đối với dự án sử dụng vốn đầu tư công có hợp đồng, tổng mức vốn tạm ứng trên cơ sở đề nghị chủ đầu tư đảm bảo không được vượt quá 30% giá trị hợp đồng.

“Doanh nghiệp ứng bao nhiêu thì ngân hàng bảo lãnh, nếu sai ngân hàng chịu trách nhiệm. Nhưng chủ đầu tư không cho doanh nghiệp ứng nhiều, việc ứng quá thấp so với khung cho phép khiến doanh nghiệp đuối vốn”, ông Hoà nêu khó khăn, và nói: “Khó nhất hiện nay của doanh nghiệp là không có tiền!”.

Ông Hồ Văn Phức, Chủ tịch UBND xã Phước Thành, cho biết tuyến đường huyết mạch vào trung tâm xã từng tan hoang sau bão Molave. Gần ba năm qua, người dân đi lại chủ yếu bằng xe máy, nhưng hết sức khó khăn. Trước mùa mưa bão cận kề, bà con rất lo lắng.

“Bà con mong chờ có đường mới để thuận tiện việc đi lại. Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bà con phản ánh, xã cũng phản ánh lên huyện kiến nghị sớm hoàn thành việc sửa chữa. Tuy nhiên, hai tháng nay không thấy nhà thầu thi công, bà con cũng nóng ruột”, ông Phức thông tin.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho biết hiện nay, tuyến ĐH1 thi công cơ bản hoàn thành phần cầu, cống. Tuy nhiên, phần mặt đường mới thi công được 10%, 90% doanh nghiệp chưa hoàn thiện do đang gặp khó vì giá vật liệu. Các tuyến còn lại chưa đảm bảo tiến độ.

Tuyến đường đang trong giai đoạn thi công nhưng vắng bóng phương tiện, công nhân. Ảnh: TN
Tuyến đường đang trong giai đoạn thi công nhưng vắng bóng phương tiện, công nhân. Ảnh: TN

“Theo báo cáo kinh tế, giá cát được duyệt là 420.000 đồng/m3 nhưng giá đến chân công trình đến gần 820.000 đồng/m3. Tương tự, đá xây dựng (đá 1-2) phê duyệt mức trên 400.000 đồng/m3 nhưng hiện nay lên tới công trình cũng gần 800.000 đồng/m3”, ông Trung cho hay.

Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, cho hay nhà thầu có báo cáo với UBND huyện, càng làm càng lỗ nên xin tạm dừng thi công thời gian chờ giá giảm xuống.

“Chúng tôi sẽ làm việc cụ thể với nhà thầu để bàn giải pháp triển khai thi công. Các tuyến đều đang trong thời gian hợp đồng, có thể đảm bảo nếu điều kiện thời tiết thuận lợi…Chúng tôi đang gặp khó khăn về tiến độ, ảnh hưởng đến giao thương, lưu thông hàng hoá, cũng như giao lưu với đồng bằng. Vấn đề này chúng tôi hết sức quan tâm”, ông Trung nói.

“Chúng tôi nhận thức được điều kiện khó khăn sau cơn bão lịch sử 2020, khi đấu thầu xong huyện đã làm việc trực tiếp với nhà thầu, xác định điểm đoạn nguy hiểm, yêu cầu nhà thầu tập trung vào các điểm này để khi mưa xuống đồng bào có thể lưu thông”, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn Lê Quang Trung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm