Đây là bức tranh của các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành Công Thương được nêu ra tại cuộc họp của Chính phủ với các bộ ngành về xử lý các nhà máy, dự án thua lỗ, ngày 27-3. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp về các dự án thua lỗ ngành Công Thương. Ảnh: TC.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong số sáu nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh thì tới nay có hai nhà máy bước đầu có lãi là nhà máy phân bón DAP 1 Hải Phòng và Thép Việt- Trung. Bốn nhà máy còn lại vẫn tiếp tục từng bước khắc phục khó khăn để ổn định sản xuất và giảm dần mức độ thua lỗ là đạm Hà Bắc (giảm lỗ 226,2 tỉ đồng), DAP 2 Lào Cai (288,5 tỉ đồng), đạm Ninh Bình (10 tỉ đồng). Các nhà máy này đang tiếp tục giảm lỗ trong 2 tháng đầu năm 2019.
Trong số ba dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có hai dự án vận hành sản xuất trở lại là Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTEX) và Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi. Còn lại Dự án Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước cũng đã xử lý xong các khâu liên quan và sẵn sàng khởi động để vận hành thương mại ngay khi thị trường thuận lợi.
Tuy nhiên, xử lý hợp đồng với các nhà thầu EPC tại các dự án lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam cho biết dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 không đàm phán được với nhà thầu MCC (Trung Quốc) vì điều kiện tiên quyết của nhà thầu là phải tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để hoàn thành dứt điểm dự án. Hiện nay, Tổng công ty Thép đang chờ ý kiến của Bộ Tư pháp về xử lý pháp lý.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho rằng phía Tổng công ty Thép VN phải tiếp tục làm rõ các vướng mắc với nhà thầu, cáo bạch rõ thực trạng của dự án để xử lý theo hướng có lợi hơn cho Tổng công ty.
Với các vướng mắc pháp lý như trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng phải xử lý được thì mới thực hiện được tiếp các thủ tục bán, thoái vốn được khỏi các nhà máy, dự án. Các bộ và doanh nghiệp tập trung xử lý vấn đề này cũng như việc quyết toán các dự án trên tinh thần kiên nhẫn để đạt được thỏa thuận với các bên liên quan, theo hướng có lợi nhất.
Trong trường hợp khó đàm phán được với nhà thầu EPC, Phó Thủ tướng đồng tình với việc đưa ra tòa xử lý; giao Bộ Tư pháp nghiên cứu phương án thoái vốn khỏi các nhà máy.
“Bộ Công Thương chuyển giao Tổng công ty Thép VN về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) quản lý, xử lý dứt điểm hợp đồng EPC và giải chấp bảo lãnh của Tổng công ty Thép VN trước khi cổ phần hóa”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.