Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh hỏi: Cho tới nay, dù Chính phủ và bộ trưởng đã có nhiều ý kiến chỉ đạo để xử lý các dự án này nhưng tiến độ còn khá chậm. Đặc biệt, dự án Nhà máy gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Theo kết luận chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, quý I-2018 phải thoái vốn nhưng đến quý IV, tình hình thoái vốn vẫn chưa được triển khai thực hiện. Lý do chậm trễ ở đây là gì? Liệu có lợi ích nhóm trong việc cố tình kéo dài quá trình thoái vốn để trục lợi hay không?
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình).
Về việc xử lý các sai phạm tại 12 dự án thua lỗ, hiện mới có sáu bị can bị khởi tố. Cử tri nghi ngờ tính nghiêm minh trong việc xử lý vi phạm pháp luật tại những dự án này. Đề nghị bộ trưởng làm rõ những băn khoăn này?
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh sau đó xác nhận dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 đang chậm tiến độ so với kế hoạch chung đặt ra. Điều này đã được dự liệu, khi thực hiện dự án có nhiều vấn đề phức tạp.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.
Ông Trần Tuấn Anh cho biết có hai vấn đề lớn đặt ra. Một là các tranh chấp pháp lý, có tranh chấp giữa Tổng Công ty Thép Việt Nam, Gang thép Thái Nguyên với tổng thầu EPC triển khai dự án là tổng thầu nước ngoài. “Chúng ta đang triển khai tích cực. Có khả năng sẽ phải giải quyết bằng các tranh chấp pháp lý quốc tế với tổng thầu, vì có nhiều vấn đề tồn đọng trong suốt quá trình triển khai dự án qua nhiều giai đoạn. Rất phức tạp và có những việc làm không đúng của chủ đầu tư cũng như tổng thầu” - ông Tuấn Anh cho biết.
Thứ hai là câu chuyện thoái vốn của Nhà nước ra khỏi Tổng Công ty Thép Việt Nam, cơ quan chủ sở hữu của Gang thép Thái Nguyên và cũng là chủ đầu tư dự án Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2. Sau khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Ban chỉ đạo tích cực triển khai rà soát để triển khai việc thoái vốn.
Nhưng quá trình thực hiện lại vướng vào vấn đề mới, liên quan đến các bảo lãnh của Tổng Công ty Thép với Công ty Gang thép Thái Nguyên trong dự án của Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, với khoản vay hơn 1.800 tỉ đồng của VietinBank. Nếu thoái vốn sẽ gây thiệt hại lớn cho nhà nước, vì Tổng Công ty Thép đã cam kết 100% bảo lãnh cho khoản vay này.
“Phải giải quyết cho xong được khoản giải chấp đối với bảo lãnh này thì mới tiến hành thoái vốn được. Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ và xin phép triển khai xây dựng phương án mới cho phù hợp” - Bộ trưởng Công Thương nói.
Với câu hỏi về việc xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức sai phạm có nghiêm minh không? Ông Trần Tuấn Anh cho biết cả 12 dự án này đã làm đồng bộ và toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát về pháp lý, thanh tra, kiểm toán, điều tra và việc xem xét xử lý trách nhiệm. Có bốn dự án đã chuyển cơ quan điều tra để điều tra, đã khởi tố hai vụ án, nhiều đối tượng đã bị tạm giam để phục vụ quá trình điều tra và xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
“Chắc chắn sẽ không có câu chuyện bao che đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào có liên quan. Với góc độ chúng tôi biết, chúng tôi khẳng định không có bất cứ lợi ích nhóm nào trong bất kỳ hoạt động nào xử lý các vướng mắc, tồn tại của các dự án này” - Bộ trưởng Công Thương nói.
Cũng tại phiên chất vấn chiều nay, đại biểu Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) chất vấn tổng Thanh tra Chính phủ về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng. Câu hỏi này cũng được bà gửi tới Thủ tướng.
Theo đại biểu, Kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ yêu cầu Đà Nẵng thực hiện hai nội dung lớn. Thứ nhất, thu hồi để sửa lại vì thời hạn sử dụng đất trong các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà chính quyền Đà Nẵng đã cấp sai. Thứ hai, thu hồi số tiền 5%-10% mà chính quyền đã giảm khi cấp giấy chứng nhận trong một số dự án đền bù, giải tỏa.
Để thực hiện kết luận này, chính quyền Đà Nẵng đã hạn chế quyền của người sử dụng đất bằng cách tạm thời không cho giao dịch, chuyển nhượng, xây dựng trên đất. Điều này đã gây ra những ách tắc rất lớn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như sự phản ứng quyết liệt của người dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri. Bởi lẽ họ là những người nhận chuyển nhượng, không phải là người được giảm số tiền 5%-10%.
Đây là vấn đề rất nóng tại địa phương. Tháng 6, Đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng nhưng đến nay vẫn chưa được trả lời phương án xử lý vấn đề này thế nào để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Thủ tướng sẽ trả lời câu hỏi này vào ngày mai.