Nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ: Sáng tạo trong không gian bốn chiều

Lâm Quang Mỹ được ví như cây cầu bắc ngang hai nền văn học Việt Nam và Ba Lan, vì những đóng góp không nhỏ của ông đưa văn học Việt đến với độc giả xứ sở bạch dương và tuyết trắng này. Ông đã được Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam.

Là một đất nước nhỏ hẹp về địa lý, dân số không đông, nhưng trong lịch sử văn học, Ba Lan đã có tới 4 giải Nobel, trong đó có 2 giải dành cho thơ. Sống trong lòng một dân tộc yêu văn chương như vậy, Lâm Quang Mỹ làm thơ như một lẽ tất nhiên, vì ông cũng là người yêu văn học từ thủa nhỏ. Thơ ông ẩn chứa nhiều khát vọng nhân sinh, nhưng cũng đặc biệt giản dị. Hơn nửa đời người là công dân của một vùng đất không phải nơi mình sinh ra, nhưng thơ ông lúc nào cũng vang vọng những âm thanh của vùng "gió Lào, cát Trắng", như tiếng gọi từ cội nguồn sâu thẳm.

Yêu thi ca cổ điển Việt Nam, dường như cách viết của ông cũng bị ảnh hưởng theo lối của các thi hào xưa: đẹp mà buồn. Tâm sự về mình, ông viết: "Đôi khi thơ tôi/ như những sợi gió mỏng manh/ còn sót lại sau từng cơn bão/ vẫn gợi lên những hoang tàn đổ nát/ đôi khi thơ tôi/ như đứa trẻ thơ/ hồn nhiên vừa đi vừa hát/ thấy của rơi bên đường không dám nhặt/ còn tôi như chiếc lá cuối thu/ gió đưa lạc về lối cũ/ không biết buồn hay vui...".

 
Nhà thơ, dịch giả Lâm Quang Mỹ.

Tôi không biết một nhà khoa học đến với thơ để "mưu cầu" điều gì. Có lẽ là để cân bằng cho tâm hồn mình, để tìm một nơi neo đậu bình yên chăng? Nhưng Lâm Quang Mỹ chắc chắn một điều rằng, để có thơ, ông cũng phải "trả giá" cho niềm đam mê ấy. "Nếu như ai đó đến với thơ là chỉ toàn tâm toàn ý cho thơ thôi, còn tôi là nhà khoa học, để dành cho thơ trong không gian khoa học của mình, tôi phải hy sinh nhiều. Nhưng biết làm sao, vì đó là câu chuyện của Tình yêu mất rồi. Mà tình yêu thì chẳng có cơn cớ gì".

Vì Tình yêu vô tư với thi ca ấy, năm 2003, Lâm Quang Mỹ lập ra Câu lạc bộ Thơ người Việt tại Ba Lan. Nhưng rồi ông nhận ra rằng, thơ chỉ nằm hẹp trong không gian của những người biết tiếng Việt là không đủ. Vốn thành thạo tiếng Ba Lan, ông bắt đầu dịch thơ mình và bạn bè sang tiếng Ba Lan và rong ruổi khắp đất nước này để đọc thơ Việt cho độc giả Ba Lan. Lâm Quang Mỹ thống kê mình đã có tới hơn 600 buổi đọc thơ tại các khu an dưỡng, trường học, thư viện, nhà văn hóa các cấp từ địa phương đến trung ương ở Ba Lan và một số nước châu Âu khác như Cộng hòa Séc, Ukraina, Ý, Anh. Nhưng như thế vẫn là chưa đủ. Ông có một khát khao được chuyển tải các tác phẩm có giá trị của văn học Việt Nam sang tiếng Ba Lan một cách có hệ thống.

Đi nhiều, đọc nhiều, quan sát nhiều, ông mới thấy "lòng tự ái dân tộc" của mình trỗi dậy mạnh mẽ. "Ở Ba Lan, khi đến nhiều thư viện để đọc sách, để tìm thơ, tôi nhận thấy rằng, bên cạnh các kệ sách văn học Nga, Anh, Mỹ, còn có những tác phẩm của Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và của nhiều nước châu Á khác, nhưng lại vắng bóng các tác phẩm văn học Việt Nam. Trong khi đó, văn học nước ta có một di sản đồ sộ những tác phẩm chứa đầy tinh thần nhân văn cao cả. Tôi muốn giới thiệu các giá trị ấy với bạn đọc Ba Lan".

Hai năm trời miệt mài trên bản thảo, quên ăn quên ngủ và thậm chí là quên cả khoa học, công việc chính của mình, Lâm Quang Mỹ cùng nhà thơ Ba Lan Pawel Kubiak đã hoàn thành "Tuyển tập thơ cổ điển Việt Nam" từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX, chuyển ngữ những áng thơ hay của 28 tác giả, từ Lý Thường Kiệt với bài thơ "Thần" nổi tiếng đến Tú Xương của những hoài cảm, trào lộng. Việc ra mắt "Tuyển tập thơ cổ điển Việt Nam" bằng tiếng Ba Lan được đánh giá là một sự kiện lớn trong đời sống văn học Ba Lan năm 2010. Ủy ban UNESCO Ba Lan đã  xếp chương trình giới thiệu tác phẩm này vào một trong ba chương trình lớn và coi đây là một sự kiện thơ nổi bật ở Ba Lan. Một tờ báo của Ba Lan đã đánh giá, cuốn sách là "một ví dụ thật đặc biệt về sự hợp tác thành công giữa người Việt và người Ba Lan, những người đã từng nhiều năm gắn bó với nhau trong tình hữu nghị tuyệt vời. Hợp tác - là trong thực tế không ngừng thảo luận về ngôn ngữ, dịch thuật và văn hóa", đồng thời nhận định: "Dịch thơ cổ điển Việt Nam sang tiếng Ba Lan, các nhà thơ gặp khó khăn hơn nhiều lần khi dịch thơ hiện đại vì gặp nhiều từ cổ và những khái niệm ngôn ngữ không còn dùng nữa. Sự hội nhập toàn cầu ngày nay tạo điều kiện cho thơ trẻ Việt Nam - Ba Lan gần gũi nhau hơn. Nhưng từ những thế kỉ trước, sự khác biệt đó thật lớn. Dịch thơ cổ điển Việt Nam không chỉ đòi hỏi phải am tường ngôn ngữ mà còn phải hiểu biết rất nhiều về tư liệu lịch sử".

Lâm Quang Mỹ thực sự trăn trở về việc đưa các giá trị văn học Việt Nam vào Ba Lan. Câu chuyện của ông trở đi trở lại cách thức làm thế nào để không bỏ sót những tác phẩm văn học hay trong quá trình "xuất khẩu" văn chương ra nước ngoài. Ông kể, đầu năm 2010, khi ông mời một nhà văn Ba Lan sang Việt Nam tham dự Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài, nhà văn này đã nhìn rất lâu vào chiếc giấy mời của Hội Nhà văn Việt Nam và hỏi: "Liệu giấy mời của các ông có ghi nhầm không đấy? Hội Nhà văn Việt Nam mới thành lập được mấy tháng hay sao mà Hội nghị giới thiệu tác phẩm văn học ra thế giới mới được tổ chức lần thứ 2? Chả trách văn học Việt Nam của các ông chẳng ai biết đến". Nhà văn này ngạc nhiên, là bởi ở Ba Lan, mỗi năm có hàng chục hội nghị tương tự như vậy được tổ chức, nhằm mục đích lựa chọn, giới thiệu những tác phẩm văn học tốt nhất ra nước ngoài.

Lâm Quang Mỹ cũng cho hay, một số tác phẩm văn học trung đại, cận đại của Việt Nam đã từng được dịch sang tiếng Ba Lan từ những bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp nên nội dung không chuẩn lắm.

Đau đáu, thậm chí là bức xúc với công việc dịch thuật tác phẩm văn học Việt Nam sang tiếng Ba Lan, Lâm Quang Mỹ đã có hẳn một "chiến lược" của riêng mình trong tương lai. Ông cho biết: "Sau Tuyển tập thơ cổ điển, tôi sẽ bắt tay vào việc dịch Thơ mới của ta ra tiếng Ba Lan. Sau Thơ mới sẽ là thơ của bạn bè, thơ đương đại. Tôi đặc biệt quan tâm đến văn học nữ Việt Nam. Thơ nữ Việt Nam có sớm hơn thơ nữ Ba Lan một thế kỷ. Theo như tìm hiểu của tôi, ngay từ thế kỷ XVII mình đã có thơ của Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm. Còn ở Ba Lan, thơ nữ đến tận thế kỷ XIX mới xuất hiện".

Đối với nền văn hóa của một đất nước, văn học chính là cánh cửa để mở ra thế giới trong thời kỳ hội nhập. Là người đi nhiều, Lâm Quang Mỹ hiểu hơn ai hết điều này. Ông tự nhận lấy sứ mệnh nối nhịp giữa hai nền văn hóa Việt Nam và Ba Lan bằng những tác phẩm văn học. Nói về thực trạng giới thiệu tác phẩm văn học Việt ra thế giới, ông thẳng thắn nhận định: "Tôi thiết nghĩ văn học dịch ra tiếng nước ngoài của nước ta hiện nay đang giống một "đứa trẻ suy dinh dưỡng", chưa có sự chăm sóc chu đáo của người mẹ để nó khỏe mạnh và phát triển như yêu cầu thực tế. Một đất nước nhỏ như Triều Tiên mà họ còn có được sự đầu tư lớn hơn, quảng bá rộng rãi cho văn học hơn mình.

Sắp tới đây, Trung tâm dịch thuật của Hội Nhà văn Việt Nam ra đời, nên chăng cần phải có những hướng trọng điểm trong công việc giới thiệu văn học ra thế giới. Việc dịch xuôi văn học nước ngoài sang tiếng Việt chúng ta làm đã có bề dày rồi, nhưng phải hạn chế cái nhược điểm là hay chạy theo sách best seller vốn là căn bệnh chung của thế giới. Chúng ta cần có bộ lọc tốt, giới thiệu những giá trị tinh hoa thì có lợi cho độc giả trong nước. Với việc dịch xuôi tác phẩm văn học Việt ra các thứ tiếng cũng phải tương tự như vậy, là không bỏ sót các tác phẩm có giá trị, các xu hướng mới, gương mặt mới. Có như vậy thì nền văn học Việt Nam mới có được một bức tranh hoàn chỉnh, đa dạng trong mắt bạn bè thế giới".

"Lâm Quang Mỹ" - trong tiếng Việt có nghĩa là một khu rừng đẹp và đầy ánh sáng. Ông rất tự hào về cái tên của mình, về vùng quê nghèo Nghệ An nơi ông sinh ra, về vẻ đẹp ngôn ngữ tiếng Việt mà ông sở hữu. Thi ca, ở bất kỳ nơi nào trên thế giới cũng có khả năng xoa dịu những vết thương, an ủi nhưng bất an trong tâm hồn và đặc biệt là kết nối tình yêu thương của con người.

Trong vai trò là một sứ giả, Lâm Quang Mỹ đã mang thi ca Việt đến gõ cửa trái tim những độc giả Ba Lan. Bằng thi ca, ông đã vượt ra mọi ranh giới của khoa học hay địa lý để đến với một không gian rộng lớn hơn, là không gian của tình yêu, như những câu thơ ông viết: "Tôi đang sống trong không gian ba chiều/ Sao vẫn thấy đời mình quá chật/ Rồi một ngày bỗng thấy lòng bát ngát/ Thêm một chiều thăm thẳm của tình yêu"…

  Theo Bình Nguyên Trang (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới