Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: ‘Tôi không hối hận khi mời Nguyễn Hữu Hồng Minh'

Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều vừa có buổi gặp mặt đầu năm với các  hội viên khu vực TP.HCM.

Nhân dịp này, PLO đã có buổi trò chuyện với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều- Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam để nghe ông chia sẻ về câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, việc hụt đề cử tác phẩm tranh giải Nobel Văn học cũng như đề cập đến việc quảng bá văn học Việt ra thế giới.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam tại buổi gặp gỡ hội viên khu vực TP.HCM dịp xuân Nhâm Dần. Ảnh: VĂN HÀ.

"Đừng lấy quá khứ để làm nhà tù giam giữ tương lai"

. Phóng viên: Nói về câu chuyện của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thì với cương vị là chủ tịch Hội Nhà văn cũng là người mời nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, ông nhận định như thế nào về sự việc vừa qua?

+ Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: Chúng tôi đã bàn khá kỹ về sự việc của nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh.

Chúng tôi là người mời anh Minh, nhưng chúng ta phải hiểu chữ "mời" ở đây không phải là mời thẳng vào như ăn cỗ hay uống rượu mà chúng ta vận động các anh vì có những nhà văn không có ý định vào Hội như nhà văn Nguyễn Việt Hà, Nhật Chiêu… Nhưng chúng tôi đã vận động, khuyến khích họ vào để cống hiến một điều gì đó cho nó tử tế và họ chấp nhận vào.

Sau khi anh Minh được xét kết nạp, bài thơ đã được đưa ra. Trong đó có một nhân vật là nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ- Thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam bị gây tổn thương. Chị Thu Huệ có nói rằng nếu gặp nó vào lúc 19 năm trước thì sẽ "tát một phát" nhưng 19 năm sau chuyện đó bình thường.

Và trong chuyện này nó chưa đựng nhân tính, nhân văn của con người. Còn anh lấy những sự việc của 19, 20 hay 30 năm trước anh đặt như một cái nhà tù chặn lại tất cả sự phát triển, lòng tốt của người ta thì đó là sai lầm của anh, anh trở thành tội đồ chứ không phải là họ.

Có thông tin rằng, trường hợp nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh được xét kết nạp nhưng bị treo lại một thời gian và chưa công bố trong đợt này. Ông có thể chia sẻ thêm về thông tin này?

Sau khi những tranh cãi nổ ra, anh em trong Ban Chấp hành chúng tôi đã dừng lại để nghiên cứu, lắng nghe và giải thích chứ "lửa" đang to quá. Tuy nhiên nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã viết thư cho tôi hôm mùng 10-2 để xin rút khỏi Hội Nhà văn bởi anh không muốn những người ủng hộ quý anh bị tổn thương bởi một vài dư luận không công bằng, thiếu thiện chí thiếu xây dựng trong xã hội.

Tôi đã thuyết phục anh và chờ đến phút cuối lúc 0h9’ ngày 14-2 nhưng anh vẫn cương quyết xin rút. Nên tôi mới viết thư cho Ban Chấp hành là anh Minh không chấp nhận cũng như xin rút khỏi hội Nhà văn và chúng tôi tôn trọng ý kiến đó.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phải) và nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ảnh: FBNV.

. Với những điều đã xảy ra, ông có hối hận khi mời nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh vào Hội Nhà văn? Và nếu trở lại ông vẫn sẽ giữ quyết định này của mình?

+ Tôi không hối hận. Sau khi giải thích và dư luận dần lắng xuống thì một ngày nào đó tôi sẽ lại rủ rê Nguyễn Hữu Hồng Minh vào Hội lần nữa, vì chúng ta muốn làm cho Hội Nhà văn tiến lên thì chúng ta nên tham gia vào.

Nhiệm kỳ trước, tôi có mời một nhà văn vào hội đồng văn xuôi. Tuy nhiên chị ấy chê ban chấp hành và bảo chán Hội Nhà văn nên không vào. Tôi nói: “Em nhớ lại khi em ở ngôi nhà chưa được sạch sẽ và bảo nó bẩn thì ai cũng nói được. Nhưng em bước vào để cùng dọn thì đấy mới là điều quan trọng và khi dọn thể nào em cũng dính bụi thì đó là điều đương nhiên”. Và người đó chấp nhận vào Hội đồng văn xuôi.

"Chưa có ý thức sẽ đề cử ai cho giải Nobel Văn học"

. Vừa qua Hội Nhà văn nhận thư từ Viện Hàn lâm Thụy Điển mời giới thiệu tác giả góp mặt vào danh sách tranh giải Nobel Văn học. Cảm xúc của ông thế nào? Và trên cương vị Chủ tịch Hội ông sẽ đề cử tác phẩm, tác giả nào của Việt Nam những năm qua?

+ Thật sự, tôi rất bất ngờ, vì bây giờ tôi không nghĩ đất nước chúng ta có các tác giả để có thể trao giải. Nhưng việc gửi thư của viện Hàn Lâm Thuỵ Điển cho giải Nobel cho thấy việc họ đã bắt đầu chú ý đến một đất nước như Việt Nam.

Có thể do những tín hiệu nào đó của văn học Việt Nam vì đã có nhiều tác phẩm văn học Việt Nam được xuất bản trên thế giới, được giới thiệu trên các trang tạp chí điện tử thế giới. Càng ngày càng có nhiều hơn các nhà văn Việt Nam đoạt giải của khu vực, quốc gia khác.

Như tôi từng nói, mục đích của giải Nobel là kiếm tìm giọng nói mới mẻ ở những vùng bị khuất lấp, văn học chúng ta trên bản đồ thế giới là đang bị khuất lấp.

Tôi nghĩ lá thư đề cử giải Nobel như một tín hiệu để chúng ta bắt đầu phải tư duy và nhìn nhận nền văn học nước nhà một cách đúng nhất để mỗi một nhà văn hãy tự xác lập con đường sáng tạo của mình chứ không phải họ gửi thư là chúng ta có giải ngay. Không bao giờ có chuyện đó. Còn bản thân tôi đề cử ai không thì xin nói thật tôi chưa có ý thức sẽ đề cử ai.

Giải Nobel Văn học là một trong sáu giải thưởng của nhóm giải Nobel – một trong những giải thưởng danh giá nhất trên thế giới.

Trong nhiệm kỳ của mình, anh có thể dự đoán tác phảm nào của Việt Nam vượt ra khỏi biên giới nhận được một giải thưởng nước ngoài?

Tôi nghĩ rằng là có, vì việc dự giải chúng ta càng ngày càng nhiều hơn. Đồng thời, việc hiện diện cũng như các quan hệ của Hội Nhà văn Việt Nam với các Hội nhà văn khác cũng đang dần sâu hơn và mở rộng hơn.

Tuy nhiên đối với giải Nobel thì là việc khó xác định. Bởi chúng ta không ai khẳng định được, kể cả tôi cho dù tôi làm trong ban chấp hành cũng không quyết định được nhà văn nào viết hay hay viết dở. Ban chấp hành chỉ có nhiệm vụ phát hiện và khám phá ra họ, định giá, tôn vinh và truyền bá họ.

Lập ra kế hoạch "triệu đô" để quảng bá văn học Việt

Với cương vị Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, ông có thể cho biết kế hoạch quảng bá văn học Việt trong thời gian tới?

+ Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức bốn hội nghị quảng bá văn học Việt Nam đến với thế giới và tôi cho rằng hội nghị quảng bá đã có tác dụng khi nói được với thế giới rằng chúng ta đã có một nền văn chương.

Nhiệm vụ của chúng ta hiện tại là hiện thức hoá nền văn chương đó bằng những tác phẩm cụ thể, bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Nhưng ngôn ngữ đôi khi chúng ta phải ngôn ngữ hoá, dịch hoá đi để tư tưởng tình cảm vẻ đẹp trong tinh thần ngôn ngữ đó của người Việt có thể lan toả ra nước ngoài

Chính vì thế chúng tôi phải thành lập một dự án và tôi nghĩ rằng nếu nhà nước chính phủ không đồng hành, không đứng ra đặt hàng hội nhà văn Việt Nam bằng cách trợ giúp thì chúng ta không bao giờ làm được vì nó mất rất nhiều.

Chúng ta cần phải nhớ chúng ta chưa phải là nền văn chương với những tác phẩm để thế giới săn lùng ra cuốn nào là in ngay lập tức như Mạc Ngôn, Murakami…

Chúng ta cần phải làm cho họ biết rằng nền văn học chúng ta và dành nhiều thời gian vào chiến lược từ việc phải tuyển chọn đúng tác phẩm, phải dịch những bản dịch xuất sắc cũng như cách để sách phát hành đi ra thế giới… Giống Hàn Quốc, họ làm mọi cách để quảng bá văn hoá và họ đã thắng lợi trong những chuyện đó. Đừng nhìn ai xa cả, hãy học hỏi Hàn Quốc cách làm của họ, điều đó rất thú vị.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trả lời phỏng vấn báo Pháp Luật TP.HCM và các báo khác.

. Vậy ông có nghĩ đến kế hoạch  "triệu đô”  để quảng bá văn học Việt Nam?

+ Không phải triệu USD mà là hơn nhiều triệu USD. Tôi đã đặt ra vấn đề đó và tìm cách thuyết phục nhà nước và Thủ tướng. Tôi cũng muốn hé lộ rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính rất ủng hộ việc quảng bá văn học Việt.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có mời tôi đến phủ Chủ tịch sau khi ông đến thăm Hội Nhà văn và ông nói rằng: "Hãy làm tất cả những gì có thể anh Nguyễn Quang Thiều nhé! Tôi là người đồng hành của Hội Nhà văn Việt Nam khó khăn gì chúng ta cùng giải quyết".

Cho nên chắc chắn trong nhiệm kỳ này chúng tôi sẽ bắt đầu việc đó và dần chuẩn bị. Ngay trong thời gian tới một đoàn giáo sư của ĐH Harvard rất nổi tiếng sang Việt Nam, họ sẽ muốn đến và trò chuyện với Hội Nhà văn Việt Nam. Đồng thời họ sẽ muốn Hội hãy làm một chương trình quảng bá với Đại học Harvard về văn học Việt Nam tại ĐH Harvard.Và tôi chọn mùa xuân sang năm.

Chúng tôi đang nghĩ sẽ chọn và giới thiệu tác phẩm gì ở đó? Tác phẩm nào? Cách thức nào… Thì tôi cho đó là những cơ hội bắt đầu xuất hiện chỉ có chúng ta thực sự có muốn và dám làm nó hay không? hay hi sinh vì nó hay không?

. Qua những sự việc vừa rồi, ông muốn nhắn nhủ điều gì với những cây bút trẻ hiện nay?

+ Hãy viết, hãy khiên tốn và tự tin vào chính mình. Và hãy mang đến sự mới mẻ và không cản trở sự tự do của họ. Nhưng sự tự do của những người trẻ hãy cảnh báo rằng  nó cách sự tuỳ tiện chỉ bằng một hơi thở.

Khi anh tìm được đôi cánh của sự tự do thì anh có thể bay lên, còn anh vớ vào đôi chân của sự tuỳ tiện thì anh sẽ trở thành kẻ phá phách và trở nên tồi tệ trong mắt rất nhiều người.

. Xin cảm ơn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về buổi trò chuyện này!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm