Nhà văn Nguyễn Khắc Phục "kéo cày" Thăng Long ký

- Cảm xúc của nhà văn khi vở cải lương “Lễ mở xiêm áo” do ông viết kịch bản khá đình đám thời gian qua?

- Nói thật, ngồi dưới xem Lễ mở xiêm áo không buổi nào tôi không khóc. Tôi ghét nhân vật Nguyễn Chính từ lúc bắt đầu viết, có gì xấu trên đời tôi gán cho hắn hết. Tôi viết vở này hơn 10 năm trước dựa trên chất liệu của Thăng long ký, không có ý viết cho thời điểm mà cả nước đang rộn ràng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Dù được dựng với kinh phí khá khiêm tốn song vở diễn đã “cứu sống” Nhà hát Cải lương Hà Nội đấy.

Dù được dựng với kinh phí khiêm tốn song Lễ mở xiêm áo đã cứu Nhà hát Cải lương Hà Nội.
Dù được dựng với kinh phí khiêm tốn song Lễ mở xiêm áo đã cứu Nhà hát Cải lương Hà Nội.

- Điều gì khiến ông trở thành nhà văn sáng tác nhiều và khoẻ nhất về đất Hà Nội nghìn năm văn hiến?

-Thực ra, tôi đã viết khá nhiều sử thi, 7 phim nhựa, 70 vở kịch, 700 tập phim truyền hình, 50 phim tài liệu và nhiều khảo cứu nhưng dù viết nhiều đến mấy về tất cả các thể loại thì đích đến cuối cùng của tôi vẫn là Thăng Long. Nơi đây là thành trì bền vững, tập trung tinh hoa của toàn dân Đại Việt. Ngày xưa, các cuộc thi hương, thi hội cũng được chia thành các cấp độ nông thôn và thành thị. Dù thời thế ra sao, Thăng Long vẫn luôn là điểm sáng. Nên khi sáng tác, tôi muốn chọn cho mình điểm hội tụ tinh hoa văn hoá.

- Nhiều người cho rằng nguồn cảm hứng sáng tác về đề tài lịch sử của ông không bao giờ cạn kiệt như nhiều cây viết khác, ông nghĩ sao?

- Muốn viết nhiều, không những phải đọc thật dữ dội mà còn phải tư duy, nghiên cứu vấn đề một cách khoa học. Chẳng hạn, tôi đọc nhiều về điều tra xã hội học, trong khi vấn đề bảo quản thư tịch ở Việt Nam lại quá kém. Có khi chuyện xảy ra từ năm trước, năm nay sờ đến đã không thấy gì. Làm sao có thể miêu tả nhân vật lịch sử cho đúng chất khi mình không biết ngày đó họ cao bao nhiêu, sở hữu số đo và hình dáng thế nào. Tôi thấy, khá nhiều tác phẩm viết ẩu, đơn giản bởi tác giả thiếu hiểu biết về khoa học. Khi sáng tác, người viết phải đứng trên một điểm tổng quát để nhìn nhận khách quan quy luật phát triển của lịch sử. Giống cách người ta chụp ảnh tâm bão ấy, khi ghi lại đầy đủ hình ảnh thì bão đã đi qua. Vì thế những gì đã viết ra không thể sai được.

- Ông tự đánh giá những sáng tác của mình ra sao?

- Mỗi độc giả có những nhận định riêng nhưng tôi có thể khẳng định, tác phẩm của tôi không bi luỵ dù khiến mọi người khóc rất ghê. Câu chuyện, nhân vật của tôi đều gây xúc động vì tình đời chân thật của cuộc sống. Nhiều chi tiết tôi lấy từ những ghi chép của cha ông và sáng tạo thêm để tạo sức sống mãnh liệt hơn. Tuy nhiên, tác phẩm của tôi phải đọc nhẩn nha, chớ lướt qua chóng vánh không thì sẽ chẳng đọng lại chút gì hay ho.

- Ngoài văn học, nhà văn vẫn luôn tích cực tham gia trong các chương trình lễ hội văn hoá, lịch sử. Điều kiện tổ chức các lễ hội hiện nay tạo cho ông những bức bối gì khi tái hiện những câu chuyện thời xưa?

- Tôi thuyết trình nhiều các vấn đề của Thăng Long. Vừa rồi tôi viết kịch bản, tham gia tổ chức lễ kỷ niệm 220 năm Ngọc Hồi Đống Đa, sắp tới là vận hội thể thao trong nhà. Viết kịch bản lễ hội có cái khó, mình phải đứng từ trên cao nhìn xuống, luôn tìm những phương thức mới hơn cái đã làm và cân nhắc đến tính khả thi. Điều kiện, hoàn cảnh thực hiện một lễ hội có kìm hãm sự sáng tạo nhưng mình phải biết giãn giới hạn. Chúng ta hay có thói quen tự bó buộc bằng cách thu nhỏ quy mô vì sợ thiếu kinh phí nhưng lại không nghĩ đó là cơ hội để mình xin thêm tài trợ làm hoành tráng hơn.

Viết tiểu thuyết sử thi là niềm đam mê lớn của tôi.
Viết tiểu thuyết sử thi là niềm đam mê lớn của tôi.

- Tham công tiếc việc thế, vậy bộ Thăng Long ký mà ông ấp ủ đã đi được mấy chặng đường rồi?

- Viết tiểu thuyết sử thi là niềm đam mê lớn của tôi, trong đó Thăng Long ký là bộ vĩ đại nhất, dự tính 20 tập nhưng mới xuất bản được hai, sắp tới sẽ in tập 3 và 4. Để thực hiện toàn tập là rất khó, bởi các nguồn khảo cổ học ở ta chưa lớn mạnh, trong khi các nhà khảo cổ học là người quyết định chất lượng của tiểu thuyết. Tôi phải kết hợp giữa việc tìm kiếm các nguồn tư liệu và suy đoán lịch sử mới có thể sáng tác và phải viết đi viết lại nhiều lần, mỗi khi tìm thêm được tài liệu mới.

Lẽ ra, tôi đã viết được nhiều hơn nhưng vì luôn bị chi phối để làm một đống việc lẻ tẻ khác nên tiến độ mới chậm thế. Thử tượng tượng xem, tôi vẫn phải lóc cóc đi xin tài trợ, làm băng rôn quảng cáo cho các chương trình có mình tham gia. Để người khác làm cũng được nhưng như thế cái “thân già” này không yên tâm. Nên tôi liên tục tự lên “giây cót” để hoạt động.

- Hoàn thiện Thăng Long ký, nhà văn sẽ làm gì?

- Song song với bộ sử thi này, tôi viết xong hai tập trong bộ tiểu thuyết mang tên “Hỗn độn” cũng dài 20 tập. Nếu Thăng Long ký kể theo trình tự thời gian, thì “Hỗn độn” chẳng theo trật tự nào. Hai ý tưởng xuất hiện gần như đồng thời. Tôi còn có vài trăm bài thơ, trường ca và một tiểu thuyết thơ mang tên Bài ca nữ thần, chưa xuất bản vì nếu cho ra mắt thì phải sửa chữa mà tôi thì không có thời gian.

- Điều gì khiến nhà văn vẫn làm việc miệt mài như không có tuổi?

- Mọi người gọi tôi là cái máy sản xuất tiền nhưng tôi lại thấy mình làm thế này chả ăn thua gì. Về hưu mấy năm rồi mà tôi vẫn thèm ngủ, thèm ăn, thèm chơi và thích đi ngao du với bạn bè khắp nơi. Tôi thích nhất là ngắm cháu ngoại trên webcam. Con bé 3 tuổi, da đen, tóc quăn như người Inđonesia ấy luôn gợi cảm hứng cho tôi. Có khi nói chuyện với cháu xong, tôi ngồi viết đến sáng.

- Ông còn thích gì ở cuộc sống hôm nay?

- Tôi thích nhìn thấy các bạn trẻ thể hiện sự quan tâm của mình đến vận mệnh đất nước. Mỗi lần đọc báo, biết một học sinh nào đó vừa có sáng chế mới dù nhỏ nhưng có ích cho mọi người xung quanh, tôi cảm thấy rất hạnh phúc.

Theo Hà Lan (Đất Việt)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm