Nhà văn Tô Hoài viết như hít thở, như dưỡng sinh

Ngày 25-9 tại Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài (1920-2020).

NXB Kim Đồng đã tổ chức tọa đàm Tô Hoài - nhà văn của mọi lứa tuổi để tưởng nhớ tác giả Dế Mèn phiêu lưu ký.

TS Nguyễn Đăng Điệp - Viện trưởng Viện Văn học đặt câu hỏi:  Điều gì mang lại chiều sâu trong tác phẩm của Tô Hoài?. Đây cũng là nội dung được nhiều chuyên gia, nhà phê bình.

Từ góc độ của mình, Viện trưởng Nguyễn Đăng Điệp cho rằng chính việc viết nhiều, viết không ngừng nghỉ đã làm nên tầm vóc của Tô Hoài.

“Tô Hoài mang phẩm chất của cây bút chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp ở chỗ ngày nào ông cũng sờ đến bút, ngày nào cũng viết, mà viết kỹ chứ không sản xuất công nghiệp”- TS Nguyễn Đăng Điệp nói.

Theo ông, viết với Tô Hoài giống như hít thở khí trời, một hình thức dưỡng sinh. Tô Hoài có thể viết mọi lúc, mọi nơi: Đi công tác, đi dưỡng bệnh, trong cuộc họp.

Di sản của Nhà văn Tô Hoài. 

TS Điệp dẫn chứng, trong một hội nghị, khi người ta cảm thấy chán ngán, ngáp dài với những bài phát biểu, Tô Hoài lại lấy giấy bút ra lúi húi ghi. Hóa ra, ông vừa nghe họp vừa sáng tác. Họp xong, ông về ngay để viết nốt những dòng còn dang dở.

Ông Bùi Tuấn Nghĩa - Giám đốc NXB Kim Đồng, cho biết năm 2005, nhà văn Tô Hoài đã ủy nhiệm cho NXB Kim Đồng quản lý, khai thác toàn bộ tác phẩm của mình. Từ đó, thêm nhiều tác phẩm của Tô Hoài viết cho mọi lứa tuổi được nhà xuất bản phát hành.

“Chúng tôi tự hào vì trong 15 năm qua đã thực hiện khai thác tốt gia tài mà ông trao gửi”- ông Bùi Tuấn Nghĩa nói.

“Dế Mèn phiêu lưu ký được phát huy theo nhiều hình thức phong phú. Điều đó chứng tỏ sức sống mãnh liệt của tác phẩm trong lòng bạn đọc. Chúng tôi mong muốn một ngày nào đó chú Dế Mèn có thể được chuyển thể lên màn ảnh rộng đến với khán giả nhỏ Việt Nam”- Giám đốc NXB Kim Đồng bày tỏ.

Hơn 20 tuổi, Tô Hoài đã tạo nên kiệt tác Dế Mèn phiêu lưu ký sau đó, ông cho in hàng loạt tác phẩm hiện thực như: Quê người (1941), Nhà nghèo (1942), Xóm Giếng ngày xưa (1944), Cỏ dại (1944)… Năm 1953, ông xuất bản tập Truyện Tây Bắc, trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất là Vợ chồng A Phủ.

Ở cuối đời, ông để lại những tác phẩm như Cát bụi chân ai, Chiều chiều, Ba người khác, Chuyện cũ Hà Nội… Đến khi Tô Hoài qua đời, di cảo của ông vẫn tiếp tục được in thành sách như Những ký ức không chịu ngủ yên, Người con gái xóm Cung, Giữ gìn 36 phố phường.

Khối tác phẩm Tô Hoài để lại đồ sộ. Ở mảng thiếu nhi, ngoài Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài còn được yêu thích qua những tác phẩm kể lại truyện dân gian.

Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Tô Hoài, Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt nhiều ấn phẩm mới đặc biệt và các hoạt động ý nghĩa dành cho độc giả.

Đầu tiên, phải kể đến hai ấn phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký được thiết kế, in ấn công phu, với số lượng in hạn chế 500 bản, đánh số từ TH 001 đến TH 500 dành cho độc giả muốn sưu tầm sách.

Bìa cuốn cuốn truyện tranh hiện đại chuyển thể từ Dế Mèn phiêu lưu ký có tên Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu.

Cũng trong đợt này, ấn phẩm Dế Mèn phiêu lưu ký do nữ họa sĩ trẻ Đậu Đũa minh họa cũng ra mắt công chúng.

Còn với hoạ sĩ trẻ Linh Rab, bằng tình yêu Dế Mèn, đã cho ra đời một cuốn truyện tranh hiện đại chuyển thể từ Dế Mèn phiêu lưu ký có tên Cuộc phiêu lưu của Dế Út: Phần mở đầu.

Lần đầu tiên, độc giả Việt Nam cũng sẽ được tiếp cận với hai ấn bản Dế Mèn phiêu lưu ký đã từng xuất bản tại Thuỵ Điển và Nhật Bản do họa sĩ Ngô Xuân Khôi và Thành Chương minh họa.

Ngoài các ấn bản Dế Mèn phiêu lưu ký trên, độc giả cũng sẽ gặp lại Dế Mèn bản tranh truyện comic của họa sĩ Trương Qua; bản song ngữ Việt−Anh, bản dịch của Đặng Thế Bính, minh họa của Thành Chương; bản Dế Mèn phiêu lưu ký minh họa lần đầu năm 1959 của họa sĩ Ngô Mạnh Lân, cùng ba ấn bản Dế Mèn phiêu lưu ký khác của họa sĩ Tạ Huy Long.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm