Quang cảnh hội thảo. Ảnh V.THỊNH
Đây cũng là dịp để các nhà nghiên cứu, những người bạn văn chương nói về ông, nhìn nhận về ông với những câu chuyện cũ làm bật lên tính cách hóm hỉnh của một con người tài năng, lao động nghệ thuật nghiêm túc…
Mở đầu, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên dẫn dắt, nhờ Tô Hoài, phần xác và phần hồn của Hà Nội hiện tại không bị cắt lìa với quá khứ và những ai biết đọc ông sẽ hiểu Hà Nội hơn, yêu Hà Nội hơn, và biết đối xử với Hà Nội có văn hóa hơn. Bởi chỉ theo chân ông đi quanh một vòng Hồ Gươm ngắm cây xanh thôi đã thấy: “Cây quanh Hồ Gươm tụ hội các thứ cây của làng nước - và của thời thế”. Lời ông nói từ đầu thế kỷ nay mà ngỡ như vừa hôm qua. Mới hay trước khi định chặt một cái cây cũng cần nên đọc một trang sách, nhất là trang sách văn của Tô Hoài”, ông Nguyên nói.
Với tư cách từng là cộng sự gần gũi của nhà văn, nhà thơ Vũ Quần Phương kể câu chuyện: “Hồi ở cương vị Phó tổng thư ký Hội nhà văn ông cũng phải làm cái việc nhắc nhở người khác. Nhưng ông chẳng nhắc nhở ai. Có khi được phân công viết bài như khi tập Cửa mở bị phê phán. Ông xin mọi người cứ phê phán trước, đăng trước. Còn ông, đến lúc phải có bài thì ông lại vào viện nằm”.
Nhà báo Nguyễn Việt Chiến kể, hồi còn làm Tổng biên tập nhà văn có lần động viên ông viết với lời trấn an: “Cậu còn ngại áp lực cấp trên à, để việc đó cho tớ…” Bởi vậy nên nhiều cây viết phóng sự từng viết cho báo Người Hà Nội gọi đó là “bản lĩnh Tô Hoài”.
Đặng Thị Thanh Hà, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, từ góc độ người đọc trẻ cho rằng, những người trẻ ngày nay đọc văn Tô Hoài như một cách tìm hiểu lịch sử và lý giải những sự kiện đã qua.
“Rất nên giới thiệu tác phẩm của Tô Hoài viết về những giai đoạn trong lịch sử. Giống như sự kiện cải cách ruộng đất em học lớp 12, thông tin từ một đoạn văn ngắn sẽ trôi qua lúc nào không biết. Nhưng khi đọc tác phẩm "Ba người khác" thì em nghĩ khoảng 10 năm sau mình cũng không thể nào quên được. Ông đã để lại cho thế hệ sau một tài sản vô cùng quý giá, là một kí ức trọn vẹn về thời trước”, Thanh Hà nói.