Tại hội thảo “Quyền tác giả đối với tác phẩm văn học” diễn ra ngày 9-12 ở Hà Nội, Trung tâm Quyền tác giả văn học Việt Nam (VLCC) đã đề nghị các nhà văn cho ý kiến sẽ tiếp tục xử lý sự việc với Nhà Xuất bản Giáo dục (NXB GD) như thế nào khi nhà NXB này nhiều năm đưa tác phẩm của họ vào sách giáo khoa (SGK) mà không xin phép.
Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Giám đốc VLCC, đưa ra 2 phương án. Thứ nhất, VLCC làm công văn thông báo cho NXB GD về việc dừng đàm phán, làm kiến nghị gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) và các cấp cao hơn. Thứ hai, không dừng đàm phán nhưng vẫn thu tiền tác quyền theo Nghị định 18. Giai đoạn từ năm 2014 trở về trước, đề nghị các cơ quan xử phạt NXB GD về hành vi xâm phạm bản quyền.
Trước đó, NXB GD đề xuất tính nhuận bút theo mục 12 điều 13 Nghị định 18. Ví dụ, một tác phẩm của nhà văn Tô Hoài in khoảng 6 trang trong SGK nhuận bút được 270.000 đồng, mỗi lần tái bản được từ 25.000 - 30.000 đồng. Tổng cộng tiền bản quyền tác phẩm trong 12 năm qua, ông được nhận là 600.000 đồng. “Nhuận bút cho các nhà văn phải xứng đáng với công sức họ bỏ ra chứ không phải như cách tính của NXB GD” - ông Đỗ Hàn, Phó Giám đốc VLCC nói.
Theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, nếu NXB GD phát sách cho học sinh, các nhà văn sẵn sàng không nhận nhuận bút nhưng trên thực tế, rất nhiều công ty, NXB đang hưởng lợi từ việc in ấn, xuất bản SGK.
Ông Bùi Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả - Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết trong tuần tới sẽ mời NXB GD đến làm việc về vấn đề này. Cục cũng sẽ mời cả đại diện Cục Xuất bản, cơ quan chủ trì soạn thảo Nghị định 18 để làm rõ các điểm còn chưa thống nhất giữa VLCC và NXB GD.