Ngày 17-7 vừa qua, người Hà Nội và độc giả, thân hữu đã đội mưa tiễn đưa một nhà văn lớn đã gắn bó trọn đời với Hà Nội. Với 94 năm trên đời và hơn 3/4 thế kỷ cầm bút, ông để lại cho đời một gia tài văn học đồ sộ với hàng trăm tác phẩm đủ thể loại, từ truyện ngắn, truyện dài, hồi ký đến tiểu luận, kịch bản phim… Tác phẩm đầu tay Dế Mèn phiêu lưu ký ngay từ khi xuất hiện (xuất bản lần đầu năm 1941) đã gây một tiếng vang trong văn đàn. Dế Mèn… đã được dịch ra 20 ngôn ngữ nhưng quan trọng nhất là độc giả nhỏ tuổi Việt Nam nhiều thế hệ tiếp tục say mê với cuộc phiêu lưu của chú Dế Mèn. Sau Dế Mèn phiêu lưu ký, Tô Hoài còn có nhiều tác phẩm giá trị khác như O chuột, Nhà nghèo (trước 1945) và Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ (sau 1945)… Qua tuổi 70, Tô Hoài bắt đầu viết hồi ký: Những gương mặt, Cát bụi chân ai, Chiều chiều… Đặc biệt truyện dài Ba người khác, Tô Hoài viết từ 1992 nhưng mãi tới 2006 mới được xuất bản - do nội dung nói về thời kỳ cải cách ruộng đất ở miền Bắc với những vấn đề gai góc, tế nhị - là truyện dài đáng chú ý sau cùng của ông. Mặc dù vậy, khi nhắc tới Tô Hoài người ta nghĩ ngay đến Dế Mèn phiêu lưu ký bởi đó là tác phẩm đã làm nên tên tuổi nhà văn và ăn sâu vào tiềm thức của nhiều thế hệ độc giả. Khi Tô Hoài mất, có người đã viết: “Tô Hoài ra đi nhưng Dế Mèn còn ở lại” - thật chính xác. Có những nhà văn được gọi là “nhà văn của một tác phẩm” bởi dù họ viết bao nhiêu tác phẩm thì người đọc thường chỉ nhớ đến tác phẩm tiêu biểu thôi. Tô Hoài ở trong trường hợp đó.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ vào một buổi sáng gần 20 năm trước. Hình như cuối năm 1995, tôi đến thăm và có cuộc phỏng vấn tác giả Dế mèn… Ông bà Tô Hoài ở một căn nhà yên tĩnh trong con ngõ Đoàn Nhữ Hài, Hà Nội. Tôi đến thăm lúc ông chuẩn bị đến báo Văn Nghệ đưa bài. Tôi xin lỗi ông vì đến trễ hơn 30 phút so với giờ hẹn do đêm trước mấy anh bạn phóng viên Hà Nội chiêu đãi một chầu rượu tới bến nên dậy muộn. Ông cười vui vẻ, ngồi lại tiếp chuyện. Ông còn gọi bà pha cho bình trà để ông “tiếp khách phương Nam”. Ông bảo không có gì vội, từ nhà ông đi bộ đến tòa soạn Văn Nghệ trên phố Trần Quốc Toản chỉ mấy trăm mét, ông vẫn đi để tập thể dục. Phong thái ung dung và niềm nở với một kẻ hậu sinh trễ hẹn làm tôi cảm thấy vô cùng áy náy. Có lẽ cái phong thái ấy đã tiếp sức cho ông sống và viết đến tận tuổi 94. Ông còn dẫn tôi lên căn gác xem qua tủ sách của ông, vừa đi ông vừa nói chuyện. Trong cuộc trò chuyện ấy Tô Hoài nói về thời kỳ đầu cầm bút một cách say sưa, có lẽ ông đồng cảm với một kẻ hậu sinh lại thích nhắc chuyện xưa, về thời kỳ văn học lãng mạn 1932-1945 mà lúc bấy giờ hầu hết tác phẩm của các tác giả nổi tiếng thời kỳ này đã được bật đèn xanh cho in lại. Kể cả một số tác giả trước đó được coi là “có vấn đề”. Tô Hoài vui vẻ kể lại những kỷ niệm khi tập tễnh bước chân vào làng văn… Ông cho biết khi viết Dế Mèn phiêu lưu ký ông có đọc được một số tài liệu của Việt Minh về chủ nghĩa Mác nên trong truyện ông viết Dế Mèn muốn đi khắp năm châu - mục đích để truyền bá tinh thần thế giới đại đồng! Và thực sự, qua những trang sách, Dế Mèn đã đạt được ước nguyện chu du, gặp gỡ với biết bao bạn đọc nhỏ tuổi khắp thế giới qua những bản dịch nhiều ngôn ngữ. Có lẽ đó là niềm vui lớn nhất của Tô Hoài cho đến cuối đời, dẫu trong các tập hồi ký, đôi chỗ nhà văn lão thành vẫn còn nhiều trăn trở cho một số giai đoạn của cuộc đời khá bình lặng của ông.
Đó là nhân cách của một nhà văn lớn.
Xin đốt một nén tâm hương vĩnh biệt cụ.
PHẠM CHU SA