Càng đọc càng biết ơn các tác giả đã cho mình một cảm giác lâng lâng khó tả. Các tác giả ấy là nhà văn, nhà thơ như Bác Hồ, Tố Hữu, Tô Hoài, Phạm Hổ… đã đi xa nhưng từng con chữ vẫn in đậm trong trí nhớ mỗi người…
Nhớ một quyển sách chuyền tay nhau cho mấy thế hệ. Anh, chị học xong chuyền cho em. Em học xong chuyền cho cháu... đến nỗi sách rách phải dán đi dán lại. Thời gian khó của cả dân tộc nên nâng niu, trân trọng những quyển sách giáo khoa, những trang sách đầu tiên dạy ta thành người.
Xin giới thiệu một số bài thơ, đoạn văn:
Tranh minh họa bài thơ "Cái trống trường em" của tác giả Thanh Hào
Cái trống trường em
Cái trống trường em
Mùa hè cũng nghỉ.
Suốt ba tháng liền
Trống nằm ngẫm nghĩ.
Buồn không hả trống
Trong những ngày hè
Bọn mình đi vắng
Chỉ còn tiếng ve?
Cái trống lặng im
Nghiêng đầu trên giá.
Chắc thấy chúng em
Nó mừng vui quá!
Kìa trống đang gọi
Tùng! Tùng! tùng! Tùng!
Vào năm học mới
Giọng vang tưng bừng.
Tranh minh họa bài "Làm việc thật là vui" của nhà văn Tô Hoài
Làm việc thật là vui
Quanh ta, mọi người đều làm việc.
Cái đồng hồ tích tắc báo phút, báo giờ.
Con gà trống gáy vang ò ... ó ... o, báo cho mọi người biết trời sắp sáng, mau mau thức dậy.
Con tu hú kêu tu hú, tu hú. Thế là sắp đến mùa vải chín.
Chim bắt sâu, bảo vệ mùa màng.
Cỏ xanh nuôi thỏ, nuôi bò.
Cành đào nở hoa cho sắc xuân thêm rực rỡ, ngày xuân thêm tưng bừng.
Cô chim cú mèo có hai mắt hau háu, chặp tối đứng trong hốc cây rúc "cú cú" nghe rợn người cũng làm việc có ích cho đồng ruộng.
Như mọi vật, mọi người, bé cũng làm việc. Bé làm bài, bé đi học, bé quét nhà, nhặt rau, chơi với em đỡ mẹ. Bé luôn luôn bận rộn, mà lúc nào cũng vui !...
Tranh minh họa "Hòn đá to "của Hồ Chí Minh, SGK Tiếng Việt lớp 2, tập 2, NXB Giáo dục, 2002.
Hòn đá to
Hòn đá to
Hòn đá nặng
Chỉ một người
Nhấc không đặng.
Hòn đá nặng
Hòn đá bền
Chỉ ít người
Nhấc không lên.
Hòn đá to
Hòn đá nặng
Nhiều người nhấc
Nhấc lên đặng.
Biết đồng sức
Biết đồng lòng,
Việc gì khó
Làm cũng xong.
Con cáo và tổ ong - thơ Hồ Chí Minh
Con cáo và tổ ong
Tổ ong lủng lẳng trên cành,
Trong đầy mật nhộng, ngon lành lắm thay!
Cáo già nhè nhẹ lên cây,
Định rằng lấy được ăn ngay cho dòn.
Ong thấy cáo muốn cướp con,
Kéo nhau xúm lại vây tròn cáo ta.
Châm đầu, châm mắt cáo già,
Cáo già đau quá phải sa xuống rồi.
*
Ong kia yêu giống, yêu nòi,
Đồng tâm, hợp lực đuổi loài cáo đi.
Bây giờ ta thử so bì,
Ong còn đoàn kết, huống chi là người!
Nhật, Tây áp bức giống nòi,
Ta nên đoàn kết để đòi tự do.
Tranh minh họa bài "Cây xoài của ông em" của nhà văn Đoàn Giỏi, Tập đọc Lớp 2
Cây xoài của ông em
Ông em trồng cây xoài cát này trước sân, khi em còn đi lẫm chẫm. Cuối đông, hoa nở trắng cành. Trông từng chùm quả to, đu đưa theo gió đầu hè, em càng nhớ ông. Mùa xoài nào, mẹ em cũng chọn những quả chín mọng, vàng đẹp và to nhất, bày lên bàn thờ ông.
Xoài thanh ca, xoài voi, xoài tượng... đều ngon. Nhưng em thích xoài cát nhất. Mùi thơm dịu dàng, vị ngọt đậm đà, màu sắc đẹp, quả lại to.
Ăn quả xoài cát chín trẩy từ cây ông em trồng, kèm với xôi nếp hương, thì đối với em không thứ quà gì ngon bằng.
Chú bé liên lạc của nhà thơ Tố Hữu. Trong SGK Tiếng Việt tập 2, NXB Giáo Dục, 2015, tr.130-131 bài thơ với tiêu đề Lượm.
Chú bé liên lạc
Chú bé loắt choắt,
Cái xắc xinh xinh,
Cái chân thoăn thoắt,
Cái đầu nghênh nghênh,
Ca-lô đội lệch,
Mồm huýt sáo vang,
Như con chim chích,
Nhảy trên đường vàng...
Vụt qua mặt trận,
Ðạn bay vèo vèo,
Thư đề "Thượng khẩn",
Sợ chi hiểm nghèo!
Ðường quê vắng vẻ,
Lúa trổ đòng đòng,
Ca-lô chú bé,
Nhấp nhô trên đồng...
"Bầu trời Côn Đảo trong buổi bình minh rất đẹp. Con đường từ Bến Đầm đến nhà lao uốn quanh bờ biển, men theo triền núi, bên trên là cây cối um tùm, bên dưới là sóng trắng vỗ bờ đá dựng. Trên cành cây, chim kêu ríu rít. Chị Sáu như say sưa với cảnh tự nhiên. Chị hát theo một con chim hót. Chị rướn đôi tay bị còng chụp một con bướm bay qua. Chị chẳng để ý gì đến bọn lính với súng gươm tua tủa ở xung quanh mình...". ("Trên đường đến nhà lao", Tác giả: Lê Quang Vịnh).
Ngoài ra còn có bài thơ của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn:
Người con gái trẻ măng
Giặc đem ra bãi bắn
Đi giữa hai hàng lính
Vẫn ung dung mỉm cười
Ngắt một đóa hoa tươi.
Chị cài lên mái tóc.
Đầu ngẩng cao bất khuất.
Ngay trong phút hy sinh.
Bây giờ dưới gốc dương.
Chị nằm nghe biển hát.
Bài thơ "Đàn gà mới nở" của nhà thơ Phạm Hổ, SGK Tiếng Việt lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002
Đàn gà mới nở
Lông vàng mát dịu
Mắt đẹp sáng ngời
Ôi! Chú gà ơi!
Ta yêu chú lắm!
Mẹ dang đôi cánh
Con biến vào trong
Mẹ ngẩng đầu trông
Bọn diều bọn quạ.
Bây giờ thong thả
Mẹ đi lên đầu
Đàn con bé tí
Líu ríu theo sau.
Con mẹ đẹp sao
Những hòn tơ nhỏ
Chạy như lăn tròn
Trên sân,trên cỏ.
Vườn trưa gió mát
Bướm bay dập dờn
Quanh đôi chân mẹ
Một rừng chân con.
"Ngôi trường mới" của nhà thơ Ngô Quân Miện, SGK, Tiếng Việt 2
Ngôi trường mới
Trường mới xây trên nền ngôi trường lợp lá cũ. Nhìn từ xa, những mảng tường vàng, ngói đỏ như những cánh hoa lấp ló trong cây.
Em bước vào lớp vừa bỡ ngỡ vừa thấy quen thân. Tường vôi trắng, cánh cửa xanh, bàn ghế gỗ xoan đào nổi vân như lụa. Em thấy tất cả đều sáng lên và thơm trong nắng mùa thu.
Dưới mái trường mới, sao tiếng trống rung động kéo dài! Tiếng cô giáo nghiêm trang mà ấm áp. Tiếng đọc bài của em cũng vang vang đến lạ! Em nhìn ai cũng thấy thân thương. Cả đến chiếc thước kẻ, chiếc bút chì, sao cũng đáng yêu đến thế!
Tranh minh họa bài thơ "Không sống riêng lẻ" của tác giả Nam Hương
Không sống riêng lẻ
Hễ kiếm được mồi
Kiến tha về tổ
Xếp cùng một chỗ
Làm của cải chung
Tới khi đói lòng
Cùng ăn vui sướng.
Từ quân đến tướng
Một dạ như nhau
Chẳng thấy ở đâu
Kiến sống riêng lẻ.
Tranh minh họa bài thơ "Quyển vở của em" của tác giả Quang Huy, SGK Tiếng Việt lớp 2, tập 1, NXB Giáo dục, 2002
Quyển vở của em
Quyển vở này mở ra
Bao nhiêu trang giấy trắng
Từng dòng kẻ ngay ngắn
Như chúng em xếp hàng.
Lật từng trang, từng trang
Giấy trắng sờ mát rượi
Thơm tho mùi giấy mới
Nắn nót bàn tay xinh.
Ơi quyển vở mới tinh
Em viết cho sạch, đẹp
Chữ đẹp là tính nết
Của những người trò ngoan.
Bài thơ “Nói với em” – Vũ Quần Phương (Tiếng Việt 2 – tập 1). Bài thơ này đã được nhạc sĩ Vũ Hoàng và nhạc sĩ Phan Bá Chức phổ nhạc thành các bài hát cùng tên.
Nói với em
Nếu nhắm mắt trong vườn lộng gió,
Sẽ được nghe thấy tiếng chim hay,
Tiếng lích chích chim sâu trong lá,
Con chìa vôi vừa hót vừa bay.
Nếu nhắm mắt nghe bà kể chuyện,
Sẽ được nhìn thấy các bà tiên,
Thấy chú bé đi hài bảy dặm,
Quả thị thơm cô Tấm rất hiền.
Nếu nhắm mắt nghĩ về cha mẹ,
Đã nuôi em khôn lớn từng ngày,
Tay bồng bế sớm khuya vất vả,
Mắt nhắm rồi lại mở ra ngay.
Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đơm bông (Truyện Kiều-Nguyễn Du)
Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng (Truyện Kiều-Nguyễn Du)
Tranh minh họa bài thơ "Làm anh" của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được Nguyễn Đình Khiêm, phổ nhạc.
Làm anh
Làm anh khó đấy
Phải đâu chuyện đùa
Với em gái bé
Phải "người lớn" cơ.
Khi em bé khóc
Anh phải dỗ dành
Nếu em bé ngã
Anh nâng dịu dàng.
Mẹ cho quà bánh
Chia em phần hơn
Có đồ chơi đẹp
Cũng nhường em luôn.
Làm anh thật khó
Nhưng mà thật vui
Ai yêu em bé
Thì làm được thôi.
Ảnh minh họa cho câu ca dao "vỡ lòng" của lứa học trò 8x :"Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta"
"Bó đũa" - Câu chuyện ngụ ngôn về tình đoàn kết trong sách Tập đọc lớp 2
Chú gà trống ưa dậy sớm
Đẹp mà không đẹp