Lô tô trong thế giới tuổi thơ
Lô tô xưa đúng là những gánh hàng rong cho ta “một vé” đi vào thế giới huyền hoặc và mộng mị của làng quê. Đi vào tuổi thơ với tất cả phong vị đặc biệt.
Nhớ cách nay chừng 20 năm, tôi theo người bạn sinh viên về quê ăn tết ở Lagi, Bình Thuận. Tôi đã được xem một màn diễn xướng lô tô tuyệt vời, chỉ một đêm duy nhất vì gánh hàng rong đặc biệt này còn phải đi nhiều nơi khác. Anh Hai thợ mộc của Việt là chủ gánh kiêm quản trò.
Cách thức gần như nguyên bản dân gian mà ta có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu. Con cờ bằng gỗ khắc số bỏ trong túi vải. Người quản trò móc con cờ ra vừa diễn xướng vừa rao cờ:
-Tôi móc con cờ ra
Cờ ra con mấy, con mấy gì đây?
…Gió đưa bụi chuối sau hè
Anh mê vợ bé bỏ bè con thơ
Con thơ tay ẵm tay bồng
Tay dắt mẹ chồng, đầu đội thúng bông
Là con mười không (số 10)
Thấm thía bài học tình đời
Mỗi con số gắn với vè, lý, hò, ca dao, bài chòi, hát bả trạo... Hầu như các thể loại diễn xướng của cả nước đều được người quản trò thể hiện mộc mạc và khá giống nguyên bản làm bà con hưởng ứng quá xá, nhất là những màn diễn xướng có đối đáp như “hò lơ hó lơ…”.
Đây là nơi có nhiều lưu dân khắp vùng miền. Màn diễn xướng quá đỉnh khiến nhiều bà con nhớ làng quê cầm lòng không đậu bật khóc dù được “Kinh” (thắng cuộc, nhận thưởng, với năm con số cùng hàng ngang).
Những điệu lý, câu hò… chở tâm hồn họ về với tuổi thơ và làng quê yêu dấu…
Nhưng vẫn chưa hết, người quản trò chen giữa diễn xướng những đoạn ứng khẩu thuật lại diễn biến cuộc sống bà con trong năm qua. Ai trúng mùa cá biển xây nhà cưới vợ cho con. Ai có con thi đậu đại học, hoàn cảnh nào cần giúp đỡ. Những thói hư tật xấu như vợ bé vợ mọn, nhậu nhẹt bê tha, cờ bạc là bác thằng bần… Tất cả được tóm tắt khôi hài và nhẹ nhàng làm bà con khoái chí cười rần rần…
Không gian của cái chợ lộ thiên xập xệ trưng dụng làm sân khấu lô tô đã trở thành huyền hoặc trong mắt người xa lạ như tôi. Còn đối với lưu dân, phiên chợ lô tô dắt lối họ vào mộng mị của thiên đường tuổi thơ quê hương.
Lòng mến khách, tính hào sảng, không tính toán và tính cách Lục Vân Tiên của những lưu dân trong cuộc Nam tiến khai khẩn, mở mang bờ cõi sống lại trong từng hò vè, đối đáp…, hệt như những trang văn Đoàn Giỏi viết trong Đất Phương Nam hay nhà biên khảo Sơn Nam trong Lịch sử khẩn hoang miền Nam.
Và trong từng lớp bụi thời gian, tôi đọc lại Trịnh Hoài Đức cũng thấy viết về những người đi mở cõi như vậy: “Ở Gia Định, có khách đến nhà, đầu tiên gia chủ dâng trầu cau, sau dâng tiếp cơm bánh, tiếp đãi trọng hậu, không kể thân sơ, quen lạ, tông tích ở đâu, ắt đều thâu nạp khoản đãi, cho nên người đi chơi không cần đem tiền gạo theo…”.
Lô tô mai một dần
Giờ đây, chỉ có thể thấy gánh lô tô vào dịp tết ở những vùng xa. Các gánh lô tô không chuyên, từ tổ chức đến diễn xướng tạp nham, chủ yếu là kiếm cơm mấy ngày tết. Cách diễn xướng rập khuôn là vì học từ các clip trên mạng, thiếu hẳn tính dân gian, diễn xướng ứng khẩu vốn là hồn cốt của những gánh hát rong.
Cái cũ dần biến mất, cái mới thì không có gì mới đã làm cho những gánh hàng rong kiêm tạp kỹ, bán cả những giấc mơ cho trẻ thơ mai một dần. Xin đừng để những gánh lô tô ầu ơ tuổi thơ bị biến thành kỷ niệm.