Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn: Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai...


 Đoàn Chuẩn và Từ Linh (Noel 1962). 

Yêu nhiều, thể hiện được các mối tình trong âm nhạc, song ông vẫn luôn được chăm bẵm bởi người vợ hiền thục, đảm đang, rất hiểu và cảm thông cho máu nghệ sĩ đào hoa của chồng. Có một thời, do hoàn cảnh, tác phẩm của ông không được nhắc nhiều, song người hâm mộ thì chẳng bao giờ thưa vắng. Ở góc độ nào đó, có thể xem Đoàn Chuẩn là một trong những nhạc sĩ có đời sống vật chất lẫn tinh thần "viên mãn" nhất trong các nhạc sĩ Việt Nam?

1.Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924, trong một gia đình tư sản ở Hải Phòng. Cụ thân sinh ra ông là chủ Hãng Vạn Vân, hãng nước mắm lớn nhất Bắc Kỳ thời ấy. Sẵn điều kiện kinh tế, ngay từ thời trẻ, Đoàn Chuẩn đã thể hiện lối sống phong lưu,  tiêu tiền không cần đếm của mình. Ông Đoàn Đính, con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn đã ví cha mình như một "công tử Bạc Liêu" của đất Bắc. Ấy là người một ngày thay mấy bộ quần áo, đổi tới chục đôi giày; đồ ăn bao giờ cũng phải tươi, và khi yêu bao giờ cũng chỉ yêu... phụ nữ đẹp. Vào những năm bốn mươi (của thế kỷ trước), cả Việt Nam có hai chiếc Cadillac thì Đoàn Chuẩn có một chiếc. Sống ở Hà Nội song thường cuối tuần ông phóng xe về bãi biển đẹp nhất Hải Phòng để tắm. Khi đi chơi biển, ông không gửi xe vào môt gara nào đó trên bờ mà phi xe xuống gần mép nước. Ông thuê nhiều ô để... che nắng cho chiếc Cadillac, diện tích ô che bao nhiêu, trả tiền bấy nhiêu.

Cách tỏ tình của Đoàn Chuẩn cũng hết sức lãng mạn, tài tử. Nếu như ở phương Tây từng có chuyện, một anh chàng tỏ tình với nữ minh tinh màn bạc Brighitte Bardot bằng cách thuê máy bay rải hoa hồng xuống cửa nhà - nơi người đẹp cư ngụ thì Đoàn Chuẩn, thay vì trực tiếp tỏ tình với một thiếu nữ, trong suốt ba năm, sáng nào ông cũng thuê một người mang tặng thiếu nữ một bông hồng đỏ, cho tới đủ bông thứ 1.000 ông mới xuất đầu lộ diện.

Chuyện yêu đương "hoa lá cành" thì vậy, chuyện cuộc tình dẫn tới hôn nhân của ông lại xem chừng khá gọn ghẽ, giản đơn. Nói như ông Đoàn Đính là "chẳng tốn cánh hoa và cuộc đón đưa nào". Chung quy là bởi, vì quá cưng chiều con trai, bà mẹ của nhà nhạc sĩ tương lai và mẹ của thiếu nữ tên Xuyên (tức bà Đoàn Chuẩn sau này) đã "đi ngầm" với nhau trước. Cô gái chỉ biết chuyện anh chàng đẹp trai và nổi tiếng hào hoa ấy (khi đó, cả hai đều đang học chung một lớp ở Trường trung học Louis Pasteur) đã "chấm điểm" mình khi người mẹ cho hay. Thế là họ lên xe hoa chính thức thành vợ thành chồng khi vừa 18 tuổi. 


Vợ chồng nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Có thể nói, bà Đoàn Chuẩn là một người vợ tuyệt vời. Bà đẹp nền nã, tính tình chăm chỉ tháo vát. Không chỉ hết lòng chăm lo cho cuộc sống vật chất của chồng (ở những năm tháng khó khăn sau này), bà còn rất tế nhị, vị tha khi bỏ qua những phút "yếu lòng" của ông. Bà thương yêu chồng, nhưng hiểu và tôn trọng cá tính của người nghệ sĩ, nhờ đó mà Đoàn Chuẩn đã có được những giây phút thăng hoa trong đời để rồi kết tinh sáng tạo nên những ca khúc tuyệt diệu.

Có một chuyện "thật như... bịa" vẫn thường được báo chí nhắc tới, như thể là một minh chứng cho sự cao tay "lạt mềm buộc chặt" của bà Đoàn Chuẩn: Một lần, trước mối quan hệ xem chừng đã quá sâu sắc của chồng mình với một nữ ca sĩ nổi danh đất Hà thành khi ấy, thay vì đánh ghen, bà Đoàn Chuẩn đã tìm gặp cô ca sĩ nọ, nhẹ nhàng hỏi: "Chị hỏi thật, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không?". Cô ca sĩ trả lời có. Bấy giờ bà mới nói: "Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt ba đứa con của anh ấy nhé". Chỉ một câu thế thôi mà cô ca sĩ tỉnh mộng, liền đem trả bà Đoàn Chuẩn thư từ của nhà nhạc sĩ tài danh và xé những bài hát ông viết dành tặng mình. Đó chính là nguyên cớ để Đoàn Chuẩn viết nên tác phẩm "Bài ca bị xé" (hay còn được gọi là "Bài ca vĩnh biệt").

Như người đời từng nhận xét "mỗi ca khúc của Đoàn Chuẩn đều khơi nguồn từ một cuộc tình", với người vợ thân thương của mình, Đoàn Chuẩn cũng đã dành tặng ít nhất hai bài: Ca khúc "Đường về Việt Bắc" (còn có tên gọi "Tà áo tím") và một ca khúc được phát hiện sau khi ông mất, ca khúc "Ánh trăng mùa thu" (hiện "nguyên mẫu" bài hát được nhiều người khẳng định không ai khác ngoài người vợ hiền thục của nhà nhạc sĩ). Tuy nhiên, cũng có người cho rằng như thế là chưa "công bằng", khi mà có "bóng hồng" được nhạc sĩ viết tặng tới 6 bài. Về việc này, bà Đoàn Chuẩn có cách nhìn thật tinh tế, bao dung: "Ông nhà tôi lãng mạn, đa tình lắm. Có vậy ông mới viết được bài hát hay thế... Đời ông phóng khoáng. Nghe nhạc ông lúc nào tôi cũng ngạc nhiên - sao ông tài thế? Mỗi bài hát là một mối tình đi qua đời ông".

2. Được người đời biết nhiều từ ca khúc "Tình nghệ sĩ" viết năm 1948, sự nghiệp âm nhạc của Đoàn Chuẩn cơ bản dừng lại từ năm 1955. Sau này, vào thập niên 80, 90 (của thế kỷ trước), ông có sáng tác thêm một đôi bài, nhưng gần như chỉ gọi là "khởi động lại" đôi chút cho đỡ nhớ nghề. Mặc dù số lượng ca khúc Đoàn Chuẩn để lại rất ít, chưa đầy 20 bài, song quá nửa bài trong số ấy chỉ cần nhắc tên là bạn yêu âm nhạc đã cảm thấy xao xuyến, bởi đó là những bài hát vẫn vương vấn, quấn quít với lòng người, với tình yêu và mùa thu Hà Nội từ nhiều chục năm nay: "Thu quyến rũ", "Gửi gió cho mây ngàn bay", "Đường về Việt Bắc", "Gửi người em gái", "Cánh hoa duyên kiếp", "Tà áo xanh", "Vàng phai mấy lá", "Chuyển bến", "Lá đổ muôn chiều"... Một đồng nghiệp của Đoàn Chuẩn đã nhận xét chính xác rằng, Đoàn Chuẩn viết kỹ, trong những sáng tác ông đã cho công bố, không có bài dở. Có lẽ vì sự khó tính ấy mà có bài, phải đến khi nhạc sĩ qua đời, mọi người mới tìm ra?

Hà Nội đang mùa thu, nghe những câu hát đẹp đến nao lòng của Đoàn Chuẩn, có ai không cảm thấy một sự xốn xang, hoài niềm: "Anh mong chờ mùa thu/ Dìu thế nhân dần vào chốn thiên thai/ Và cánh chim ngập ngừng không muốn bay/ Mùa thu quyến rũ anh rồi", hoặc "Mây bay về đây cuối trời/ Mưa rơi làm rung lá vàng...", hoặc "Chiều nay sao dâng nhanh màu tím/ Và mây bay theo nhau về bến..."... Điều thật lạ là với những ca khúc mang đậm dấu ấn tình cảm riêng tư như thế này nhưng bao giờ cũng được ghi tên hai người (coi như đồng tác giả) là: Đoàn Chuẩn - Từ Linh. Khán giả từng nhiều lần đặt vấn đề Từ Linh là ai? Sinh thời, Đoàn Chuẩn ít nói về chuyện này, song kể từ khi ông mất đi thì mọi việc cũng được những người thân của ông giúp làm sáng rõ.

Từ Linh tên thật là Tạ Đình Thâu, là một nhiếp ảnh gia. Ông không trực tiếp sáng tác, nhưng vì muốn tôn vinh người bạn rất đỗi tri ân của mình, Đoàn Chuẩn đã ghi chung tên Từ Linh vào các ca khúc được công bố của mình. Sau khi từ Linh mất (năm 1992), Đoàn Chuẩn vẫn tiếp tục ghi tên Từ Linh vào những ca khúc ông mới sáng tác. Theo bà Đoàn Chuẩn thì Từ Linh có biệt danh "Tư lì" (vì rất ít nói), nhưng khi đưa vào nhạc, để trang trọng, Đoàn Chuẩn mới đặt lại là Từ Linh.

Có thể nói, tình bạn giữa Đoàn Chuẩn và Từ Linh là một tình bạn mẫu mực. Chơi thân với nhau từ thời trai trẻ, khi cả hai tiền nong đều rất dư dả (hiện gia đình Từ Linh còn giữ được giấy mời xem phim của rạp Đại Đồng có ghi Giám đốc Đoàn Chuẩn và Phó giám đốc Từ Linh), cho đến khi Từ Linh ốm rồi tạ thế, Đoàn Chuẩn vẫn trước sau như một. Về chuyện này, một người con trai của Từ Linh đã kể: Trong suốt bốn tháng bố anh nằm liệt giường, sáng nào Đoàn Chuẩn cũng mang cháo sang cho bạn, rồi trò chuyện tới cả tiếng mới về. Hôm tang lễ Từ Linh, trong vòng hoa viếng bạn, thay vì hai chữ "vĩnh biệt", Đoàn Chuẩn lại viết là "Tạm biệt Từ Linh".

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn viết vậy, bởi ông biết, chẳng còn bao lâu ông cũng sẽ phải về thế giới bên kia. Và ở bên ấy, ông sẽ lại được gặp người bạn yêu thương. Gia đình nhạc sĩ Đoàn Chuẩn ghi lại rằng, đầu năm 2000, ông bị tai biến mạch máu não và hôn mê. Sau đó, ông có tỉnh lại nhưng không nói được, chỉ có thể bút đàm. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn trút hơi thở cuối cùng vào ngày 15 tháng 11 năm 2001 tại Hà Nội. Câu nói cuối cùng của ông là: "Rồi những người tình sẽ ra đi. Rồi nhạc sĩ sẽ ra đi. Chỉ còn tác phẩm ở lại".

Theo Nguyễn Thanh Phúc (VNCA)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới