Trong khuôn khổ dự án Diễn đàn Việt Nam: Thời khắc Việt do Quỹ Hoà bình và Phát triển TP.HCM (HPDF) thực hiện toạ đàm Vai trò của văn hoá đối với Việt Nam trong định hướng phát triển 2045 đã thu hút đông đảo người tham dự.
Tại đây nhiều vấn đề liên quan đến văn hoá trên nhiều lĩnh vực như âm nhạc, xuất bản, phim ảnh đã được đề cập.
Là một nhạc sĩ có nhiều đêm nhạc, chương trình tạo ấn tượng, nhạc sĩ Quốc Trung được đánh giá là người luôn hết mình sáng tạo đổi mới để làm sao khẳng định được vị trí của âm nhạc Việt Nam với thế giới.
Khi được hỏi về con đường tương lai của âm nhạc trên góc độ là nền công nghiệp văn hoá, sáng tạo, nhạc sĩ Quốc Trung cho rằng bản thân là một người thực tế không nghiên cứu về số liệu mà chủ yếu thực hiện văn hoá, công nghiệp sáng tạo bằng những trải nghiệm thực tế trong hơn 30 năm làm nghề.
Theo nhạc sĩ Quốc Trung, Việt Nam có nhiều tài nguyên trong lĩnh vực âm nhạc.
"Viện nghiên cứu âm nhạc có kho lưu trữ về âm nhạc dân tộc, thiểu số rất phong phú. Trong những năm qua, viện nghiên cứu âm nhạc đã làm rất nhiều dự án đề xuất với UNESSCO về di sản phi vật thể như hát then, ca trù...
Tuy nhiên, tôi có cảm giác nền âm nhạc Việt như những đứa trẻ con lo giữ đồ chơi của mình, cứ đi đánh dấu cái này là của mình, cái kia là của mình nhưng không bao giờ mang món đồ đó ra sử dụng.
Bởi vì nếu sử dụng thì chúng ta không ngồi ở đây với một nền âm nhạc gần như là ốc đảo không giao lưu gì đến bên ngoài” – nhạc sĩ Quốc Trung chia sẻ.
Nhạc sĩ Quốc Trung cũng nhìn nhận, Việt Nam hiếm có một nghệ sĩ nào trong lĩnh vực âm nhạc được mời đi biểu diễn khắp thế giới. Đến hiện tại chỉ có nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn có được vinh dự này.
Qua đó, nhạc sĩ Quốc Trung cũng cho rằng Việt Nam đi đánh dấu mình có rất nhiều tài nguyên nhưng để sử dụng tài nguyên đó trở thành một nền công nghiệp văn hoá thì với tình hình như hiện tại Việt Nam sẽ không làm được.