Theo thông tin từ Hội âm nhạc TP.HCM, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã qua đời ở tuổi 82 vào sáng 26-7 sau thời gian dài điều trị tại bệnh viện quân y 175.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập (1942-2023). Ảnh: Thanh Trang |
Sự ra đi của nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã để lại nhiều tiếc thương cho bạn bè đồng nghiệp cũng như giới văn nghệ sĩ cả nước.
Trên trang cá nhân, Ca sĩ Quốc Đại tiếc thương: "Ôi! Chú Tôn Thất Lập ơi! Ngày 5-8 này chương trình của chú mà! Con xin chia buồn cùng gia đình chú!".
Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng chia sẻ: "Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, nhân vật tài ba nhất của phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe" lừng lẫy thuở nào, đã ra đi ở tuổi 81. Ông đã có những lời thúc hối thật ấn tượng:
"Hát cho sông không sâu cho tiếng kêu đò thật gần
Hát cho đêm qua lâu cô lái đưa người vào bờ
Hát sâu trong xa xưa tiếng hát Trưng Vương hồng thơm
Hát vang danh Lam Sơn người cũng như mây lên non...".
Thế nhưng, nhạc sĩ Tôn Thất Lập không phải người của một thời. Sau dòng nhạc tranh đấu, ông có dòng nhạc kiến thiết đất nước với "Trị An âm vang mùa xuân".
Khi bước vào giai đoạn mở cửa và hội nhập, nhạc sĩ Tôn Thất Lập lại chinh phục giới trẻ bằng sự tình tứ 'mưa thì thầm là mưa rất xa, em thì thầm là em rất gần' và 'oẳn tù tì ra cái gì ra cái này, em ra mái tóc trói đời anh luôn, anh ra đôi tay vòng quanh em mãi'...
Đạo diễn Khang Điền tiễn biệt: "Xin chia buồn nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Cảm ơn ông đã để lại những tác phẩm cho đời".
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập còn có bút danh khác là: Trần Nhật Nam, Lê Nguyên. Ông sinh ngày 25-2-1942 tại Huế.
Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào "Hát cho tôi nghe" |
Tôn Thất Lập hoạt động âm nhạc trong phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe". Khi ấy, những ca khúc như Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Hát trong Hã, Hợp xướng Lúa reo trên khắp đồng bằng... của ông đã được cất cao trên các nẻo đường tranh đấu của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam.
Sau đó, ông được cử đi tu nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội và khi tốt nghiệp về làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam.
Ông sang Pháp năm 1974. Tại Paris, Tôn Thất Lập đã được Hội Sinh viên Sáng tác Hải ngoại xuất bản tuyển tập Những cánh chim từ vùng lửa đỏ.
Sau giải phóng, ông về nước, công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin TP.HCM. Nhiều ca khúc của ông đã được đông đảo quần chúng mến mộ như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi....
Trong suốt thời gian tham gia nghệ thuật, ông giữ chức Phó Tổng thư ký Hội âm nhạc TP.HCM khoá 3,4. Phó Chủ tịch Hội âm nhạc TP.HCm khoá 5, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội âm nhạc TP.HCM khóa 6.
Ngoài ra ông còn giữ chức Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam các khóa III, IV, V, VI và VII, Phó Tổng Thư ký khóa VI, Phó Chủ tịch khóa VII. Tổng biên tập Tạp chí âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam).
Tôn Thất Lập đã xuất bản các tuyển tập như Phố ca, Hát cho dân tôi nghe, Hát lời chiêm bao, Tình ca mùa xuân, Tuyển tập Tôn Thất Lập và các Album Nụ hôn, Tình ca mùa xuân .... Ngoài ra ông còn viết nhiều nhạc múa, nhạc phim.
Được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt II (2007).
Vào lúc 19h30 ngày 05-8-2023 tại Nhà hát TP.HCM, Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM tổ chức chương trình "Tôn Thất Lập – Vang mãi những bài ca".
Theo thông tin từ phía gia đình, lễ viếng nhạc sĩ Tôn Thất Lập bắt đầu từ 9h ngày 28-7-2023 tại Nhà Tang Lễ Quốc Gia Phía Nam (Số 5 Phạm Ngũ Lão. P3. Gò Vấp). Lễ truy điệu vào lúc 6h ngày 30-7-2023.