Nhận diện các nguy cơ từ cuộc khủng hoảng chính trị Pakistan

(PLO)- Bất kể diễn biến tiếp theo ra sao, các cuộc chiến chính trị ở Pakistan không chỉ làm mất uy tín đất nước mà còn khiến 220 triệu người dân nước này trở thành kẻ thua cuộc.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thêm một thủ tướng Pakistan nữa không thể hoàn thành nhiệm kỳ được bầu của mình, sau khi Thủ tướng Imran Khan bị phế truất trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội hôm 9-4.

Chính trị khủng hoảng nghiêm trọng

Các đảng đối lập ở Pakistan nhiều tháng qua kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Khan, từ những thất bại của chính phủ trong việc quản lý kinh tế và từ chính sách đối ngoại không được lòng dân, nhất là khi ông Khan gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào lúc Nga bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine.

Thủ tướng Imran Khan trong lần phát biểu khai mạc hội nghị của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo tại Islamabad ngày 22-3. Ảnh: AP

Nhận diện các nguy cơ từ cuộc khủng hoảng chính trị Pakistan ảnh 1

Thay vì đối mặt với cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội, mà phe đối lập chiếm đa số, ông Khan đã bác bỏ và đề nghị giải tán cơ quan lập pháp. Sâu xa của cuộc đọ sức chính trị này chính là sự bất đồng giữa Thủ tướng Khan và giới lãnh đạo quân đội liên quan đến việc bổ nhiệm các quan chức tình báo cấp cao.

Ngày 8-4, Tòa án Tối cao Pakistan ra phán quyết lịch sử khôi phục hoạt động của Quốc hội và kêu gọi tiến hành bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Thủ tướng Khan, diễn biến dẫn tới việc phế truất ông hôm 9-4.

Người được bầu thay ông Khan là ông Shehbaz Sharif – có quan điểm than phương Tây. Ông này là em trai nhân vật từng 3 nhiệm kỳ giữ chức thủ tướng Pakistan là ông Nawaz Sharif.

Tuy nhiên việc ông Khan bị phế truất đã dẫn đến việc từ chức của hàng loạt nghị sĩ thuộc đảng Pakistan Tehreek-e-Insaf của ông Khan.

Tân Thủ tướng Pakistan – ông Shehbaz Sharif phát biểu sau khi được bầu tại Quốc hội, ngày 11-4. Ảnh: REUTERS

Nhận diện các nguy cơ từ cuộc khủng hoảng chính trị Pakistan ảnh 2

Các diễn biến này xảy ra cùng lúc với sự xuất hiện của một bức điện ngoại giao không được tiết lộ của đại sứ Pakistan tại Washington ám chỉ đến khả năng các chính trị gia đối lập muốn lật đổ Thủ tướng Khan theo một âm mưu do Mỹ dẫn dắt.

Hỗn loạn, thách thức

Theo cây bút Yusuf của báo Dawn (Pakistan), diễn biến chính trị này đẩy Pakistan vào sự hỗn loạn mới. Bất kể diễn biến tiếp theo ra sao, các cuộc chiến chính trị ở Pakistan không chỉ làm mất uy tín đất nước mà còn khiến 220 triệu người dân nước này trở thành kẻ thua cuộc.

Thách thức lớn nhất và có nguy cơ làm suy yếu bất kỳ chính phủ nào sắp tới ở Pakistan là kinh tế nước này. Trong 3 năm rưỡi ông Khan cầm quyền, lạm phát ở Pakistan vẫn ở mức hai con số, trong khi tăng trưởng kinh tế bình quân giảm ở mức 3,5%.

Đồng rupee và thị trường chứng khoán đang rơi tự do. Ông Khan cũng không thể thực hiện lời hứa tranh cử của mình là tạo ra 10 triệu việc làm mới.

Người ủng hộ ông Imran Khan đổ ra đường biểu tình sau khi ông không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm ở Hạ viện ngày 10-4. Ảnh: REUTERRS

Nhận diện các nguy cơ từ cuộc khủng hoảng chính trị Pakistan ảnh 3

Kể từ năm 2018, ông đã bốn lần thay đổi vị trí quan trọng là Bộ trưởng Tài chính. Các chính sách dân túy của ông, như giảm giá dầu, đã thu hút được những người ủng hộ nhưng lại làm mất cân đối ngân sách. IMF thì đã đình chỉ gói cứu trợ 6 tỉ USD cho nước này.

Bất ổn chính trị kéo theo các cuộc bầu cử sẽ càng gây bất ổn cho nền kinh tế vốn đã ốm yếu. Người dân Pakistan sẽ càng khó khăn hơn. Xã hội Pakistan cũng đang bị phân cực, các thể chế rối loạn.

Việc Quốc hội viện đến Tòa án Tối cao để giải quyết một vấn đề thủ tục đã làm nổi bật những lỗ hổng của hệ thống dân chủ ở nước này. Các cuộc thảo luận kéo dài 5 ngày cũng đặt ra câu hỏi về tính độc lập của tòa án.

Quân đội Pakistan, được cho là lực lượng quyền lực nhất trong nước, cũng bị ảnh hưởng vì cuộc khủng hoảng. Các đối thủ của ông Khan tin rằng ông lên nắm quyền sau cuộc tổng tuyển cử năm 2018 là nhờ sự can thiệp của quân đội.

Tổng tư lệnh quân đội Pakistan ngày 2-4 đã cố gắng hàn gắn quan hệ với Mỹ bằng cách tố cáo việc Nga tấn công Ukraine và nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ với Washington, điều mà Thủ tướng Khan đã từ chối làm. Nhưng điều này có thể là quá ít, quá muộn.

Người ủng hộ ông Shehbaz Sharif đổ ra đường ăn mừng sau khi ông tuyên thệ làm thủ tướng mới của Pakistan, ngày 11-4. Ảnh: REUTERS

Nhận diện các nguy cơ từ cuộc khủng hoảng chính trị Pakistan ảnh 4

Cuộc khủng hoảng chính trị lần này ở Pakistan xảy ra vào thời điểm các phần tử cực đoan đang được tiếp sức, sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát ở Afghanistan vào tháng 8 năm ngoái. Lực lượng Taliban ở Pakistan chống nhà nước đang trỗi dậy. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Pakistan, nhóm này đã thực hiện 87 vụ tấn công ở Pakistan vào năm 2021, tăng 84% so với trong năm 2020.

Bất ổn chính trị cũng sẽ làm gia tăng lo ngại về an ninh khi các nhóm chiến binh theo chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa chống phương Tây đang nổi lên, như một lời mời leo thang các hoạt động.

Trong lịch sử Pakistan, chưa có thủ tướng được bầu nào hoàn thành nhiệm kỳ 5 năm của mình, vốn đã bị cắt ngắn bởi các cuộc đảo chính quân sự hoặc các phán quyết của Tòa án Tối cao. Trong mọi cuộc chiến chính trị sẽ không có kẻ chiến thắng. Nhưng bên thua cuộc chắc chắn duy nhất là người dân Pakistan.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm