Ấn Độ nói ‘vô tình’ phóng tên lửa sang Pakistan

Hãng Reuters đưa tin Ấn Độ hôm 11-3 thông báo nước này đã vô tình phóng một quả tên lửa sang Pakistan trong tuần này do trục trặc kỹ thuật trong quá trình bảo dưỡng định kỳ.

Ấn Độ nói "vô tình" phóng tên lửa sang Pakistan. Ảnh: AFP

Thông cáo của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết: “Vào ngày 9-3, trong quá trình bảo dưỡng định kỳ, một trục trặc kỹ thuật đã dẫn tới việc phóng nhầm tên lửa. Theo thông tin biết được, quả tên lửa đã rơi xuống một khu vực ở Pakistan. Vụ việc xảy ra rất đáng tiếc, nhưng cũng may không có thiệt hại về người”.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cũng nói rằng chính phủ nước này đã xem xét nghiêm túc về vụ việc trên và yêu cầu Tòa án cấp cao điều tra.

Quan chức Pakistan cho biết quả tên lửa không mang theo đầu đạn và rơi xuống gần thành phố Mian Channu, cách thủ đô Islamabad 500 km.

Một quan chức không quân Pakistan cho biết tên lửa bay ở độ cao 40.000 feet (12.000 m), gấp ba lần tốc độ âm thanh và bay được 124km trong không phận Pakistan.

Bên cạnh đó, một quan chức an ninh cấp cao Pakistan tiết lộ tên lửa mà Ấn Độ phóng lần này có thể là tên lửa BrahMos - một loại tên lửa hành trình tấn công mặt đất có khả năng hạt nhân do Nga và Ấn Độ cùng phát triển. 

Bộ Ngoại giao Pakistan đã triệu tập đại biện Ấn Độ để bày tỏ phản đối việc vi phạm không phận vô cớ, đồng thời cho biết vụ phóng tên lửa có thể gây nguy hiểm cho các chuyến bay và tính mạng của người dân.

Pakistan cũng cảnh báo Ấn Độ “cần lưu tâm tới những hậu quả do việc sơ suất như vậy và thực hiện các biện pháp hữu hiệu để tránh tái diễn các hành động vi phạm như thế trong tương lai”.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan có phần giảm nhiệt những tháng gần đây, tuy nhiên các chuyên gia quân sự nhận định vụ tai nạn trên ngay lập tức đặt ra câu hỏi về một cơ chế an toàn.

Chuyên gia về các vấn đề quân sự và Nam Á Ayesha Siddiqa nói rằng Ấn Độ và Pakistan nên nói về việc giảm thiểu rủi ro.

“Cả hai quốc gia đều tự tin về kiểm soát vũ khí hạt nhân nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu những tai nạn như thế diễn ra một lần nữa và với hậu quả nghiêm trọng hơn” - chuyên gia Ayesha Siddiqa viết trên Twitter.

Trong khi đó, ông Happymon Jacob, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, cho biết hai nước đã xử lý tốt tình hình.

“Điều đó cho tôi một hy vọng lớn rằng cả hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân đã xử lý sự cố tên lửa một cách cẩn thận. New Delhi nên đề nghị bồi thường cho những ngôi nhà tại Pakistan đã bị phá hủy bởi tên lửa” - ông Jacob cho hay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm