Cuộc đua giành ảnh hưởng mới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan ở Afghanistan

Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát thủ đô Kabul và Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, đất nước Nam Á trở thành tâm điểm cho cuộc cạnh tranh giành ảnh hưởng mới giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan, theo hãng tin Reuters.

Pakistan

Pakistan có quan hệ sâu sắc với Taliban và từng bị cáo buộc ủng hộ Taliban khi cùng với nhóm này chiến đấu chống lại chính phủ Afghanistan do Mỹ hậu thuẫn.

Cựu tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Ảnh: REUTERS

Ngoài ra, trong khi Taliban tổ chức các cuộc thảo luận để quyết định mô hình chính phủ của mình, các báo cáo truyền thông cho biết một số quan chức Pakistan cũng có liên quan.

Người phát ngôn Văn phòng Ngoại giao tại Islamabad cho biết Pakistan muốn có một dàn xếp chính trị toàn diện ở Afghanistan để đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực nhưng nói thêm rằng "vai trò chủ chốt vẫn thuộc về người Afghanistan".

Trung Quốc

Trước đây, Trung Quốc không can dự vào tình hình Afghanistan. Tuy nhiên, đồng minh của Pakistan đang dành nhiều sự quan tâm hơn đối với đất nước giàu tài nguyên này. Afghanistan sở hữu một trữ lượng lớn lithium - một thành phần quan trọng trong sản xuất xe điện.

Dù vậy, Trung Quốc cho biết mục tiêu chính khi tiếp cận với Taliban là để bảo vệ khu vực phía tây Tân Cương của nước này khỏi các chiến binh Phong trào Hồi giáo Turkestan (ETIM). Bắc Kinh nhiều lần khẳng định nhóm này đã và đang kiếm nơi trú ẩn bên trong Afghanistan.

Ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi cho biết Trung Quốc có khả năng cung cấp hai thứ mà Taliban cần để cai trị Afghanistan: Sự công nhận ngoại giao, cơ sở hạ tầng và hỗ trợ kinh tế cần thiết.

Ấn Độ

Trái với Pakistan, Ấn Độ từng có "kỷ niệm" không vui vẻ gì với Taliban.

Năm 1999 - thời điểm Taliban đang kiểm soát Afghanistan, một chiếc máy bay của Hãng hàng không Ấn Độ đã bị cướp và phải hạ cánh xuống Kandahar ở miền nam Afghanistan. Khi đó, New Delhi buộc phải trả tự do cho ba chiến binh Pakistan cấp cao trong nhà tù của mình để đổi lấy sự an toàn của hành khách. Sau đó, Taliban đã thả những tên không tặc và các tù nhân trở về Pakistan.

Tuy nhiên, vào năm ngoái các nguồn tin ngoại giao ở New Delhi cho biết trong bối cảnh Taliban dần trỗi dậy mạnh mẽ và các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian bắt đầu ở Doha, các nhà ngoại giao Ấn Độ đã mở rộng quan hệ với nhóm này.

"Chúng tôi phải chơi trò chơi lâu dài ở Afghanistan. Chúng tôi không có biên giới liền kề nhưng có cổ phần ở đây" - ông Jayant Prasad, cựu đại sứ Ấn Độ tại Kabul nói.

Bên nào sẽ thắng thế?

Theo giới phân tích, để tránh sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc, Taliban nhiều khả năng sẽ hợp tác với Ấn Độ - một nền kinh tế lớn và có tiếng nói ở khu vực.

Ấn Độ có các dự án phát triển ở tất cả 34 tỉnh lớn nhỏ của Afghanistan. Trong số các công trình Ấn Độ xây dựng ở Afghanistan có tòa nhà quốc hội ở thủ đô Kabul.

Ngoài ra, hiện Ấn Độ cũng có nền kinh tế mạnh hơn nhiều so với của nước láng giềng Pakistan. Đây được xem là ưu thế của Ấn Độ trong cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng ở Afghanistan.

Trước đó, Waheedullah Hashimi - một thành viên cấp cao của Taliban đã nói với Reuters rằng một Afghanistan nghèo khó cần sự giúp đỡ từ các nước ở khu vực trong nhiều lĩnh vực.

"Chúng tôi mong họ sẽ giúp chúng tôi, hỗ trợ người dân của chúng tôi, đặc biệt là ngành y tế và đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh và lĩnh vực khai thác mỏ" - Hashimi nói.

Bà Myra MacDonald, tác giả của ba cuốn sách về Nam Á và là một cựu phóng viên của Reuters cho biết mặc dù sự trỗi dậy mạnh mẽ của Taliban có thể là một bước lùi đối với Ấn Độ, nhưng "cuộc chơi vẫn chưa kết thúc đối với New Delhi".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm