Theo hãng tin Reuters ngày 18-8, các nhóm Hồi giáo trên khắp thế giới đã ca ngợi việc Taliban kiểm soát phần lớn Afghanistan. Điều này làm dấy lên báo động toàn cầu rằng đất nước Nam Á một lần nữa có thể trở thành nơi trú ẩn cho các tay súng thánh chiến.
Taliban trở thành "anh hùng" của các nhóm cực đoan
Sau khi kiểm soát thủ đô Kabul, Taliban tuyên bố sẽ không cho phép Afghanistan được sử dụng để tiến hành các cuộc tấn công vào các quốc gia khác. Tuy nhiên, các chuyên gia nói rằng nhóm vẫn giữ quan hệ với al-Qaeda - lực lượng gây ra vụ khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ.
Các chiến binh Taliban. Ảnh: ABC
Hơn nữa, một trong những thủ lĩnh hàng đầu của Taliban là Sirajuddin Haqqani. Mỹ đã định danh Haqqani là một phần tử khủng bố toàn cầu và treo thưởng năm triệu USD cho bất kỳ ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ người này.
Ông Asfandyar Mir - một học giả về an ninh Nam Á thuộc Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế của Đại học Stanford cho biết các phần tử thánh chiến rất vui mừng và phấn khích trước sự trở lại của Taliban và coi đây là chiến thắng của chính mình.
Bên cạnh các nhóm liên kết với al-Qaeda, các thông điệp chúc mừng tới Taliban còn được gửi từ nhóm al-Shabaab của Somalia và các nhóm Hamas và Thánh chiến Hồi giáo của Palestine.
Trong khi đó, nhóm Hồi giáo dòng Shi'ite của Yemen nói các sự kiện ở Afghanistan gần đây chứng tỏ rằng "sự chiếm đóng" của nước ngoài chắc chắn sẽ thất bại.
Lực lượng Taliban ở Pakistan (TTP) đã cam kết trung thành và cho biết hàng trăm thành viên của tổ chức này đã được giải thoát khỏi các nhà tù khi Taliban Afghanistan tràn qua nước này trong những ngày gần đây.
Các chuyên gia độc lập của Liên Hợp Quốc cho biết Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã mở rộng sự hiện diện đến một số tỉnh thành, bao gồm Kabul.
IS đối lập với Taliban, nhưng một số nhà phân tích và quan chức cảnh báo rằng nhóm cực đoan có thể lợi dụng hỗn loạn để trỗi dậy.
Pakistan chịu rủi ro cao nhất
Theo giới phân tích, Pakistan là nước chịu rủi ro lớn nhất từ sự trở lại của Taliban.
Theo chuyên gia Mir, TTP đã tăng cường bạo lực chống lại quân đội Pakistan và dường như đang chuẩn bị cho một chiến dịch lớn.
TTP nói rằng 780 thành viên của họ, bao gồm cả cựu chỉ huy thứ hai Maulvi Faqir Muhammad, đã được giải phóng khỏi các nhà tù ở Afghanistan và đã tìm đường đến nơi mà nhóm gọi là thành trì của họ ở miền đông Afghanistan.
Một phát ngôn viên của Taliban Afghanistan đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận về việc thả tù nhân.
Năm 2014, các vụ tấn công của TTP đã giết chết hàng trăm người. Trong đó, vụ tấn công vào một trường học ở Peshawar đã khiến hơn 140 người thiệt mạng, hầu hết là trẻ em.
Các hoạt động của TTP đã bị gián đoạn nghiêm trọng trong những năm sau đó, nhưng gần đây đã bắt đầu tập hợp lại và tiến hành các cuộc tấn công vào các nhân viên an ninh sinh thái ở các khu vực biên giới.
Georg Riekeles, phó giám đốc trung tâm chính sách châu Âu ở Brussels cho biết Taliban Afghanistan muốn được quốc tế công nhận và có thể cố gắng thực hiện lời hứa của họ là không cho phép Afghanistan trở thành căn cứ quân sự.
Tuy nhiên, thành công của Taliban đã khiến họ trở thành người hùng của lực lượng Hồi giáo cực đoan ngầm.
"Đó là một phần của những bài học chúng ta phải rút ra, và những gì chúng ta phải chuẩn bị" - chuyên gia Riekeles nói.