Diễn biến bầu cử Mỹ thay đổi chóng mặt chỉ trong hơn một tháng qua. Giữa tháng 7, tiêu đề các tờ báo lớn của Mỹ đều dự đoán về khả năng giành chiến thắng của cựu Tổng thống Donald Trump sau vụ ông bị ám sát hụt và giơ nắm tay đầy thách thức khi đang vận động tranh cử ở bang Pennsylvania hôm 13-7.
Vào thời điểm đó, khi tình trạng sức khỏe tinh thần và thể chất của đối thủ của ông Trump - Tổng thống Joe Biden bị nghi ngờ, sự đồng thuận nghiêng hẳn về khả năng ông Trump sẽ giành được nhiệm kỳ thứ hai.
Ngay cả khi ông Biden tuyên bố dừng tranh cử, đa số ý kiến khi đó vẫn cho rằng Phó Tổng thống Kamala Harris không có nhiều cơ hội.
Song, khi đảng Dân chủ cho thấy sự thống nhất và tràn đầy sức sống tại đại hội toàn quốc tháng trước và bà Harris đang dẫn trước ông Trump trong các cuộc thăm dò gần đây, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và chính phủ các nước đều nhận ra rằng chiến thắng của bà Harris vào tháng 11 là hoàn toàn có thể.
Để chuẩn bị, nhiều quốc gia châu Á bắt đầu đặt câu hỏi về chính sách của Mỹ ở khu vực dưới chính quyền bà Harris và phó tướng Tim Walz.
Chưa nhiều kinh nghiệm về châu Á
Đầu nhiệm kỳ phó tổng thống, bà Harris chủ yếu tập trung các vấn đề đối nội và chuyện nhập cư trái phép ở biên giới Mỹ-Mexico.
Thời gian sau bà Harris đại diện Mỹ dự nhiều cuộc họp quan trọng ở châu Á, chẳng hạn đến châu Á để gặp gỡ lãnh đạo các nước đồng minh hiệp ước của Mỹ bao gồm Nhật, Hàn Quốc và Philippines. Tháng 8-2021, bà Harris đến thăm Đông Nam Á trong khuôn khổ chuyến công du nước ngoài đầu tiên của bà bên ngoài châu Mỹ với tư cách là phó tổng thống.
Các hoạt động của bà Harris ở châu Á nhằm mục đích củng cố các liên minh và quan hệ đối tác của Mỹ. Tuy nhiên nhiều nhà phân tích nhận định rằng các chuyến thăm của bà Harris không để lại ấn tượng mạnh và nhìn chung vấn đề châu Á chưa phải là thế mạnh của bà, theo tờ Nikkie Asia.
“Việc bà Harris thiếu kinh nghiệm về chính sách đối ngoại sẽ là điều mà các nhà lãnh đạo châu Á có thể nhận thấy. Bà ấy không đưa ra quan điểm mạnh mẽ về châu Á. Vấn đề chính sách đối ngoại mà bà quan tâm nhất với tư cách phó tổng thống là an ninh biên giới và di cư từ Mỹ Latinh” - ông Dhruva Jaishankar, giám đốc điều hành của tổ chức nghiên cứu Observer Research Foundation America (Mỹ), nhận định.
Về quan điểm cá nhân, thái độ của bà Harris về Trung Quốc phù hợp với chủ trương từ cả hai đảng của Mỹ là duy trì lập trường cứng rắn để chống lại ảnh hưởng của Bắc Kinh. Mặc dù bà Harris phản đối các hình thức thuế quan mà ông Trump áp đặt lên Trung Quốc năm 2020 rằng thuế này gây tổn hại đến người lao động Mỹ, nhưng chính quyền Biden-Harris vẫn duy trì các khoản thuế và tiếp tục ban hành các biện pháp kiểm soát thương mại lên Trung Quốc.
Nữ phó tổng thống đã nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như lãnh đạo Đài Loan Lại Thanh Đức. Bà Harris thường tránh bình luận các câu hỏi về Đài Loan. Nữ chính trị gia cũng ít khi bình luận về vấn đề Triều Tiên.
Về Biển Đông, trong chuyến thăm Philippines năm 2022, bà Harris chỉ trích hành động của Trung Quốc đối với các tàu tuần duyên Philippines ở Biển Đông, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh có hành vi “bắt nạt”.
Đài NBC News cuối tháng 8 dẫn các nguồn tin rằng bà Harris đã bổ nhiệm ông Yohannes Abraham - Đại sứ Mỹ tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - vào vị trí cao cấp trong nhóm chuyển giao quyền lực tổng thống.
Dự đoán chính sách châu Á của bà Harris
Bà Harris được kỳ vọng sẽ duy trì sự nhất quán với chính sách đối ngoại của ông Biden về châu Á.
Theo đó, chính quyền Harris-Walz khó có thể mềm mỏng với Trung Quốc. Dù bà Harris được dự đoán sẽ không áp đặt các biện pháp kinh tế đơn phương và mạnh mẽ lên Bắc Kinh, nhưng chính quyền của bà sẽ tập trung vào các vấn đề khác, chẳng hạn hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc lên các nền tảng WeChat và TikTok, ngăn Bắc Kinh tiếp cận chip bán dẫn,...
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, thay vì trực tiếp gây sức ép buộc các đối tác của Mỹ ở Nam Á và Đông Nam Á chọn phe, bà Harris có thể sẽ tiếp tục cách tiếp cận của ông Biden là chuẩn bị cho các cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra ở châu Á.
“Bà Harris đã đến Đông Nam Á trong bốn năm nhiệm kỳ, tham dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, và có vẻ như bà nhận thức được những căng thẳng mà hầu như mọi quốc gia Đông Nam Á đều phải đối mặt” - theo ông Joshua Kurlantzick, thành viên cấp cao về Đông Nam Á và Nam Á tại viện nghiên cứu Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR).
Nếu đắc cử, bà Harris được dự đoán sẽ tiếp tục củng cố Đối thoại An ninh Tứ giác giữa Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc, đồng thời đưa quan hệ đối tác an ninh ba bên Mỹ-Anh-Úc (AUKUS) trở nên thực chất hơn nữa ở vùng biển châu Á.
Chính quyền của bà Harris khả năng sẽ tiếp tục chính sách thời ông Biden là cung cấp hỗ trợ quân sự trực tiếp cho Đài Loan. Đối với Nhật, quan hệ sẽ tiếp tục phát triển, Mỹ dưới thời bà Harris sẽ khuyến khích Nhật đóng vai trò lớn hơn trong hợp tác quốc phòng với các đối tác chủ chốt ở Đông Nam Á, theo ông Kurlantzick.
Đáng chú ý, xét đến sự thúc đẩy mạnh mẽ trong quan hệ Mỹ-Ấn trong 15 năm qua và xuất thân dân tộc của bà Harris, nhiều khả năng nữ chính trị gia này sẽ xây dựng một mối quan hệ đặc biệt hơn với Ấn Độ so với bất kỳ chính quyền nào trước đây. Việc này cũng dựa trên nền tảng về vai trò chiến lược của Ấn Độ như một đối tác quan trọng của Mỹ và là đối trọng của Trung Quốc trong khu vực.
Các nước khu vực cần có sự chuẩn bị
Giới quan sát cho rằng dù chính sách của bà Harris với châu Á được dự đoán sẽ không khác nhiều so với người tiền nhiệm, nhưng các nước trong khu vực cũng cần chuẩn bị cho chính quyền Harris-Walz.
Một số quốc gia châu Á lo ngại rằng chính quyền của bà Harris có thể sẽ không chú ý nhiều đến châu Á-Thái Bình Dương nói chung và tập trung vào châu Âu, Nga và Ukraine. Điều này thể hiện qua việc cương lĩnh chính sách của đảng Dân chủ năm 2024 liệt kê châu Âu ở vị trí hàng đầu trong các ưu tiên đối ngoại, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đứng vị trí thứ hai.