Nhận diện dự án bất động sản ma

Thời gian qua, tại một số quận, huyện ở TP.HCM, nhiều đối tượng xây dựng trái phép, tự ý san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích ghi trên giấy chứng nhận. Người dân tự ý san lấp mặt bằng, phân lô bán nền cho người khác.

Vẽ dự án ma, rao bán công khai

Mới đây, UBND quận 12 đã phát đi cảnh báo về tình hình vi phạm trong hoạt động xây dựng, san lấp, đầu tư hạ tầng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất không đúng mục đích ghi trên giấy chứng nhận… trên địa bàn phường Thạnh Xuân đang diễn biến phức tạp.

Qua kiểm tra, phường Thạnh Xuân đã phát hiện các trường hợp người dân tự ý san lấp mặt bằng, đầu tư hạ tầng kỹ thuật (đường, cống thoát nước, điện) rồi tự phân lô bán nền. Phường cũng ghi nhận các khu đất này đều không đủ điều kiện giải quyết chuyển mục đích sử dụng đất ở, cấp giấy phép xây dựng và tách thửa. Vì vậy, hạng mục xây dựng mới trên các khu đất này là xây dựng không phép.

Quận 12 sẽ xử lý vi phạm hành chính và buộc tháo dỡ các khu phân lô trái phép trên theo đúng quy định. Đồng thời ra thông báo để người dân tránh bị lừa mua đất nền không đủ điều kiện tách thửa.

Đơn cử như thửa đất số 408, tờ bản đồ số 62 đã được quận 12 sử dụng vào mục đích làm phòng thí nghiệm nuôi cấy mô thực vật và nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, hiện nay thửa đất này đang được một số đối tượng tự ý phân lô và được Công ty TNHH Phát triển nhà ở Nabla Land (286 đường Tên Lửa, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân) rao bán.

Tương tự, ở khu đất thuộc thửa đất số 41, tờ bản đồ số 26 và một phần thửa đất số 34, 47, tờ bản đồ số 25 nằm trong quy hoạch 150 ha công viên cây xanh thành phố nhưng cũng đang phân lô, làm đường, xây dựng trái quy định...

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người mua, người bán thường thực hiện các giao dịch bằng giấy tay rồi lập vi bằng để trục lợi.

Thửa đất này đang được một số đối tượng tự ý lập bản đồ quy hoạch giả mạo tổng mặt bằng  sử dụng đất (phân lô) và rao bán. Ảnh: QUANG HUY

Đủ chiêu trò để bán đất, chiếm dụng vốn

Theo ông Nguyễn Duy Minh, Tổng Giám đốc L&L Group, môi giới rao bán các dự án đất nền không có thực nhằm giăng bẫy, chiếm đoạt tiền cọc của khách hàng. Chiêu trò họ thường sử dụng là gọi điện thoại dụ dỗ khách hàng, đăng tin trên website với bản đồ quy hoạch rất đẹp mắt, sau đó mời khách đến địa điểm xem nền đất thật. Thế nhưng khi khách tra cứu quy hoạch tại cơ quan hành chính địa phương mới phát hiện đó là đất quy hoạch dành cho công trình công cộng, chưa được phê duyệt cho dự án nào.

Đôi khi khách được dẫn đến xem “dự án” mà bên bán đã dàn sẵn cảnh người người chen nhau mua bán, ký hợp đồng, thanh toán tiền ngay trước mặt khách nhằm tạo niềm tin đây là dự án thật. Một số trường hợp còn làm giả cả giấy tờ pháp lý của khu đất, giấy tờ chấp thuận cấp phép dự án của chính quyền để đưa ra khi khách hỏi.

“Khi xem xét mua đất nền dự án, khách hàng cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá khu vực, nếu thấy giá rẻ hơn hẳn thì phải cảnh giác. Khi đến xem đất, hãy xác định vị trí trên bản đồ rồi đến cơ quan hành chính địa phương tra cứu xem quy hoạch có khớp với thông tin mà môi giới quảng cáo hay không” - ông Minh hướng dẫn.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho rằng cần phải xử lý hình sự những đối tượng làm trái pháp luật, vẽ dự án ma để lừa đảo. Có như vậy mới đủ sức răn đe những đối tượng cố ý làm sai, lập lại trật tự cho thị trường bất động sản nói riêng và an ninh trật tự xã hội nói chung.

Ngoài ra, ông Châu đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý thị trường của chính quyền và các cơ quan hữu quan và đề nghị phải công khai quy hoạch, chương trình và dự án phát triển đô thị, kể cả chỉ số về giá của thị trường bất động sản để người dân nắm rõ, tránh bị sập bẫy.

Dấu hiệu dự án ma

Chủ đầu tư không có tên tuổi trên thị trường bất động sản.

Môi giới chăm sóc quá đặc biệt, săn đón liên tục và đưa ra rất nhiều hứa hẹn về lợi nhuận khủng.

Giá rẻ bất thường, chế độ khuyến mãi và các chiết khấu khác lạ. Đôi khi kèm điều kiện nếu giới thiệu được thêm khách mua bạn sẽ được giảm giá với tỉ lệ giật mình.

____________________________

Dự án không được ngân hàng bảo lãnh

Chủ đầu tư không cung cấp được hồ sơ của mình cũng như của dự án như giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quy hoạch 1/500, giấy phép xây dựng…

Trong hợp đồng mua bán không quy định rõ thời hạn bàn giao nhà, đất; không có cam kết chất lượng, tính đồng bộ của công trình…; không quy định rõ trách nhiệm bồi thường của chủ đầu tư khi xảy ra vi phạm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm