Ở câu 2 có bảng dữ liệu nhưng cách ra đề vừa dở vừa hay, hay là vì hạn chế được việc phải học thuộc số liệu cho HS. Các em có thể nhìn vào bảng là có thể trả lời được và nhận định được. Tuy nhiên dở là vì với ý một của câu hỏi thì với những HS bình thường nhìn vào bảng không thể nào nêu được hai khuynh hướng như đề yêu cầu. Còn với những em học khá giỏi và chịu khó thì trong quá trình học đã nắm bài rất chắc và thầy cô cũng nói rất kỹ về giai đoạn này nên cái bảng dữ liệu lại không cần thiết với các em nữa.
Về câu 3 theo thầy Du, đây là câu phân loại nên khá hay. Đòi hỏi HS phải nắm được bản chất, vị trí và ý nghĩa của chiến dịch Điện Biên Phủ mới làm được. Câu này đòi hỏi các em phải biết tổng hợp, phân tích và đánh giá sự kiện mới làm tốt.
Riêng câu 4, cách đặt vấn đề ở câu này hay khi nói về đại đoàn kết dân tộc nhưng cách đặt câu hỏi lại dở. Không thể hiện được tính lịch sử trong đề thi. Theo thầy Du, cách đặt câu hỏi của đề là dành cho môn văn chứ không phải môn sử. Câu này rất dễ khiến HS nghĩ đang làm văn chứ không phải làm bài Sử. HS nào cũng có thể viết suy nghĩ của mình một cách thoải mái.
Theo thầy Du, đáng lẽ đề nên yêu cầu HS cho biết tính đại đoàn kết dân tộc thể hiện như thế nào trong lịch sử thay vì yêu cầu HS nêu suy nghĩ. Hoặc là ra đề rằng HS hãy dùng những sự kiện lịch sử để nói lên vấn đề đại đoàn kết dân tộc thì nó sẽ mang tính sử hơn. Đằng này cho HS nêu cảm tưởng thì các em làm bài như "chém gió" thôi, rồi lại lan man, không có căn cứ cụ thể. Như vậy cũng sẽ khiến cho cả người chấm cũng bị khó khăn vì không biết chấm sao cho đúng bởi không thể khống chế cách làm bài của HS. "Lẽ ra sử thì phải liên quan đến sự kiện và thông qua sự kiện đó hoặc phải vận dụng sự kiện vào bài làm của mình. Rồi từ đó mới dẫn đến ý hai là giới trẻ Việt Nam làm gì để duy trì truyền thống đó được. Phải bắt đầu từ lịch sử mới liên hệ đến thực tiễn" - thầy Du nói.
Các thí sinh thi tại điểm thi ĐH Thủy lợi Hà Nội. Ảnh: PHI HÙNG
Tính liên hệ thực tiễn rất cao
TS Lê Thị Thu Hương, giảng viên ĐH Thủ đô cho biết: “Đề thi năm nay bám sát chương trình học sách giáo khoa cơ bản của Bộ GD&ĐT, đề thi có tính phân loại cao và đảm bảo mục tiêu của kỳ thi THPT quốc gia 2016.
Đề thi gồm bốn câu và kiến thức tập trung vào chương trình học lớp 12. Hình thức ra đề giống năm 2015 và không gây thay đổi “đột ngột” cho thí sinh. Đề thi không bắt HS học thuộc lòng mà cần phải hiểu về lịch sử để làm bài.
Đặc biệt ở câu 2, HS hiểu kiến thức cơ bản có thể chọn lựa bảng biểu để làm bài. Ở mỗi câu đều có kiến thức cơ bản và nâng cao.
Tinh thần và tư tưởng của đề thi bám sát tư tưởng đại đoàn kết dân tộc, chủ đề về đại đoàn kết và vai trò của thế hệ trẻ hiện nay trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là chủ đề rất hay và thiết thực trong tình hình bối cảnh hiện nay.
Đề thi nằm gọn trong chương trình kiến thức lớp 12, đề thi năm nay có thêm câu hỏi về bảng biểu đòi hỏi thí sinh phải có tư duy tổng hợp và khả năng phân tích và có kiến thức tổng hợp về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1920-1930.
Tính liên hệ thực tiễn trong đề thi rất cao, đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ với chủ trương và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Đưa ra cho thế hệ trẻ phát biểu ý kiến cá nhân về trách nhiệm của mình về đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Câu 4 chiếm 2 điểm, không chỉ là kiến thức lịch sử mà còn là ý thức và trách nhiệm của thế hệ trẻ với sự phát triển quốc gia, dân tộc. Trong đó yếu tố đại đoàn kết là sức mạnh lớn nhất.
Đề thi Lịch sử năm nay ít câu hỏi mang tính tái hiện, chỉ có câu 1 giúp thí sinh có thể dễ dàng lấy điểm ở phần tái hiện lịch sử. Cái hay của đề thi năm nay là Bộ đã giảm câu hỏi về học thuộc lòng mà đòi hỏi sự tư duy logic của thí sinh, cách nhìn tổng quan về tình hình lịch sử và khả năng tư duy, suy luận cao.
Phổ điểm trung bình năm nay tập trung ở điểm 5, 6 và ít điểm 9, 10.