Nhân sự Đại hội XIII đã được chuẩn bị chu đáo

Chiều 22-1, ngay sau khi Trung tâm báo chí Đại hội (ĐH) XIII đi vào hoạt động, tại cuộc họp báo diễn ra ngay sau đó, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao… đã trả lời, giải đáp những vấn đề mà báo chí trong nước và quốc tế quan tâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và các đại biểu tham dự lễ khai trương Trung tâm báo chí và họp báo thông tin về Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: TTXVN

Làm nhân sự: Quy trình chặt chẽ, chuẩn bị chu đáo

Trả lời câu hỏi của phóng viên trong nước về điểm mới trong công tác nhân sự ĐH XIII, ông Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết công tác này đã được khởi động từ Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII), tháng 10-2018. Cụ thể, đó là việc thành lập các tiểu ban chuẩn bị ĐH toàn quốc và sau đó là Bộ Chính trị ban hành Kế hoạch 11 về quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.

Từ khâu xây dựng quy hoạch đến sau đó là giới thiệu nhân sự tham gia Trung ương đều thực hiện theo quy trình năm bước, thay vì ba bước như trước đây. Theo cách ấy, với nhân sự được giới thiệu lần đầu tham gia Trung ương thì phải trải qua hơn 10 lần “lấy phiếu”, tính từ cấp ủy nơi người đó là thành viên tới Tiểu ban Nhân sự, rồi Bộ Chính trị và cuối cùng là Ban chấp hành (BCH) Trung ương khóa XII.

Khẳng định thêm vấn đề này, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói: “Đến giờ này, công tác nhân sự đã được chúng tôi chuẩn bị chu đáo”.

Nhân sự “đặc biệt”: Sẽ công bố vào thời điểm phù hợp

Dự cuộc họp báo, các phóng viên quốc tế đặt câu hỏi về một số lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước được cho là nằm trong danh sách trường hợp đặc biệt mà Trung ương khóa XII giới thiệu tái cử ở ĐH XIII. Cạnh đó, báo chí trong nước đặt câu hỏi: Với các trường hợp nhân sự đặc biệt thì liệu ĐH XIII có đặt vấn đề sửa Điều lệ Đảng?

Trả lời, ông Võ Văn Thưởng cho biết: Công tác nhân sự với nhóm trường hợp đặc biệt được Trung ương khóa XII làm sau cùng.

“Về chức danh lãnh đạo và sửa Điều lệ Đảng, có những nội dung thuộc thẩm quyền chuẩn bị của BCH Trung ương XII nhưng quyết định là do ĐH XIII. Ngoài ra có nội dung lại thuộc thẩm quyền quyết định của BCH Trung ương khóa XIII. Vì vậy, chúng tôi sẽ thông báo với cơ quan báo chí vào một thời điểm phù hợp. Tinh thần là liên quan đến ĐH, không có gì là chúng tôi không thông báo, vấn đề chỉ là thông báo vào thời điểm phù hợp mà thôi!” - ông Võ Văn Thưởng, người chịu trách nhiệm về công tác tuyên truyền ĐH XIII, giải thích.

Dựa vào dân để xây dựng Đảng

Tại cuộc họp báo, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng cho biết “dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng” là điểm mới của văn kiện ĐH XIII.

Theo đó, công tác xây dựng Đảng là toàn diện về mọi mặt, cả về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Xây dựng Đảng gắn với công tác phòng, chống tham nhũng, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, công tác dân vận. “Chúng ta dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng. Đấy là điểm mới của ĐH này” - ông Thắng nhấn mạnh.

Về mục tiêu phát triển đất nước, Bí thư Trung ương Đảng Nguyễn Xuân Thắng cho biết ĐH XIII sẽ đưa ra tầm nhìn xa, như mốc 100 năm thành lập nước (năm 2045), Việt Nam phải trở thành một nước phát triển, thu nhập cao.

Con đường hướng tới mục tiêu ấy có lộ trình cụ thể. Chẳng hạn, năm năm tới, 2025 - tròn 50 năm thống nhất đất nước thì mục tiêu Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Ông Thắng nói: “Hiện GDP đầu người khoảng 2.800 USD thì năm năm tới chúng ta hoàn toàn có thể đạt thu nhập 4.500-5.000 USD bình quân đầu người. Tương tự, trong năm năm tiếp theo, ở mốc 100 năm thành lập Đảng, chúng ta sẽ ở mức đang phát triển thu nhập trung bình cao, GDP đầu người 4.046-12.535 USD theo chuẩn mực quốc tế”.

“Việt Nam không có lý do gì không thể lập nên những kỳ tích kiểu “thần kỳ Nhật Bản”, “kỳ tích sông Hàn”. Ông Thắng khẳng định và dẫn văn kiện ĐH XIII có lời hiệu triệu: “Với nỗ lực, quyết tâm của chúng ta hoàn toàn có thể lập nên những kỳ tích phát triển mới cho Việt Nam”.

 

Thấy gì từ cơ cấu độ tuổi đại biểu dự Đại hội XIII?

Trong thông cáo báo chí về ĐH XIII gửi tới phóng viên trong và ngoài nước có đưa ra một vài dữ liệu đáng chú ý. Theo đó, độ tuổi trung bình của 1.587 đại biểu là 52,18.

Về tuổi Đảng, chỉ có sáu người (0,38%) ở giai đoạn trước tháng 5-1975, với đặc điểm lịch sử là kháng chiến chống Mỹ, thống nhất đất nước. Còn lại là đều vào Đảng sau năm 1975.

Trong lớp đảng viên sau năm 1975, chỉ có 212 đại biểu (13,36%) vào Đảng trước đổi mới (tháng 12-1986), còn lại 1.369 người (86,26% tổng số đại biểu ĐH XIII) là lớp vào Đảng từ sau đổi mới đến nay.

Với lớp đại biểu như vậy, có thể thấy ĐH XIII là ĐH của chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Số lãnh đạo trưởng thành, đi ra từ kháng chiến giảm và lớp đảng viên thời sau đổi mới chiếm đa số.

Ông Võ Văn Thưởng nói: “Chúng ta thống nhất đất nước đến thời điểm này đã 46 năm. Nếu trước đây một số đồng chí 18 tuổi hoặc sớm hơn vào Đảng thì nay cũng 64 tuổi rồi. Như vậy, tỉ lệ đại biểu là đảng viên vào Đảng sau năm 1975 chiếm đa số là một thực tiễn khách quan, theo sự phát triển bình thường của thời gian”.

Không để lọt người không xứng đáng vào BCH Trung ương
Không để lọt người không xứng đáng vào BCH Trung ương
(PLO)- Theo ông Nguyễn Thanh Bình, khi lựa chọn nhân sự, kiên quyết không để lọt những người không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, không xứng đáng vào Trung ương nhưng cũng không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, có uy tín...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm