Nhận tiền, tòa bắt trả vàng

Theo hồ sơ, tháng 3-2006, vợ chồng bà L. đã ký hợp đồng bán nhà, đất cho ông T. với giá 3.000 lượng vàng.

Giao vàng lẫn tiền

Sau đó, bên mua đã lần lượt chuyển cho bên bán 100 lượng vàng, 500 triệu đồng và 2.000 USD. Mọi việc tưởng đang suôn sẻ thì gặp sự cố về nguồn gốc nhà, đất nên đôi bên không thực hiện được giao kết. Ông T. nhiều lần đòi lại số tiền, vàng đã giao nhưng không được đáp ứng. Do vậy, tháng 11-2009, ông đã khởi kiện tại TAND quận 1 (TP.HCM) yêu cầu hủy hợp đồng mua bán và buộc vợ chồng bà L. hoàn trả số vàng, tiền (quy ra vàng) và ngoại tệ đã giao, tổng cộng là 143,6 lượng vàng và 2.000 USD.

Trước yêu cầu trên, vợ chồng bà L. chấp nhận trả 1,1 tỉ đồng (tương đương 100 lượng vàng tại thời điểm nhận) và 500 triệu đồng nhưng đề nghị trả trong vòng ba năm. Riêng số ngoại tệ, vợ chồng bà không đồng ý trả vì chưa nhận số tiền này bao giờ.

Nhận tiền, tòa bắt trả vàng ảnh 1

Quy tiền ra vàng

Xử sơ thẩm vừa qua, TAND quận 1 nhận định hợp đồng hai bên ký kết không có công chứng, chứng thực của cơ quan nhà nước. Tại thời điểm chuyển nhượng, căn nhà trên thuộc sở hữu nhà nước, vợ chồng bà L. thuê ở, không có quyền định đoạt. Cả hai bên đều biết các quy định về giao dịch nhà ở nhưng vẫn giao kết hợp đồng nên cùng có lỗi như nhau. Tòa xác định hợp đồng trên đã vi phạm điều cấm của pháp luật nên vô hiệu, không ai có lỗi nhiều hơn ai nên các bên hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Cạnh đó, theo tòa qua xem xét chứng cứ, đủ cơ sở xác định ông T. đã giao cho vợ chồng bà L. 100 lượng vàng, 500 triệu đồng và 2.000 USD. Căn cứ thỏa thuận ghi trong hợp đồng (giá bán tài sản là 3.000 lượng vàng), tòa xét thấy hai bên đã lấy vàng làm giá trị chuyển nhượng. Tại phiên xử, bà L. cũng xác nhận sẽ quy đổi ra vàng khi kết thúc việc mua bán. Do vậy, tòa chấp nhận việc quy đổi tiền thành vàng để buộc các bên hoàn trả cho nhau. Tại thời điểm giao nhận 500 triệu đồng, giá là 11,47 triệu đồng/lượng, quy đổi thành 43,59 lượng vàng. Về số USD, do các bên không phải là chủ thể được phép giao dịch thanh toán bằng ngoại tệ nên phải quy đổi ra tiền Việt Nam để hoàn trả cho nhau. Từ nhận định trên, tòa tuyên vợ chồng bà L. phải trả 143,59 lượng vàng và 2.000 USD (được quy đổi bằng tiền Việt Nam tại thời điểm thi hành).

Ngay sau đó, vợ chồng bà L. đã kháng cáo về việc quy đổi tiền thành vàng của tòa. Theo phía này, luật chỉ quy định khi giao dịch vô hiệu các bên hoàn trả lại cho nhau những gì đã nhận và nếu không trả được bằng hiện vật thì phải trả bằng tiền chứ không thể quy đổi như trên.

Tới đây vụ án sẽ được tòa đưa ra xử phúc thẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về tranh chấp này.

Tòa quy đổi là sai!

BLDS năm 2005 quy định hợp đồng giao dịch dân sự vô hiệu thì không làm phát sinh quyền lợi và nghĩa vụ giữa các bên ngay tại thời điểm ký kết. Đồng thời, Điều 137 BLDS quy định “khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật…”. Như vậy nếu đôi bên nhận tiền thì hoàn trả tiền, nếu nhận vàng thì hoàn trả vàng. Việc quy đổi tiền thành vàng của tòa án cấp sơ thẩm là không phù hợp với quy định.

Luật sư HOÀNG VĂN TRỢ, Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai

HOÀNG YẾN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm