Ngày 11-10, Sở Y tế TP.HCM tổ chức hội thảo sơ kết các hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế 2024.
Nhân viên y tế công có nguy cơ trầm cảm cao
Bác sĩ Bùi Nguyễn Thành Long, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TP.HCM), cho biết sở y tế đã nghiên cứu về hiểu biết và thực trạng sử dụng dịch vụ sức khỏe tâm thần tại TP đối với 382 nhân viên y tế.
Người tham gia nghiên cứu ở độ tuổi 18-60 tại các tuyến TP, quận huyện, y tế tư nhân và trường đại học.
Kết quả cho thấy gần 20% nhân viên y tế trầm cảm, 22,8% lo âu và 14,2% căng thẳng.
Nhân viên y tế tuyến quận huyện có nguy cơ trầm cảm cao hơn tuyến TP, tư nhân và trường đại học.
Nhân viên y tế độ tuổi 18-39, trình độ trung cấp, cao đẳng và làm việc tại cơ sở y tế tuyến quận huyện có nguy cơ lo âu cao hơn tuyến TP, tư nhân.
Đáng lưu ý, nhân viên y tế công lập có nguy cơ trầm cảm, lo âu và căng thẳng cao hơn khối tư nhân.
Sự hiểu biết, nhận thức đúng về sức khỏe tâm thần của nhân viên y tế hiện còn thấp. Khi gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần, hầu hết nhân viên y tế tập trung vào tự chăm sóc thể chất, tự giải quyết (ngủ đủ giấc, tập thể dục…) hơn là tập trung vào nhận diện cảm xúc.
Cần mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng do đặc thù nghề nghiệp, nhân viên y tế thường xuyên bị áp lực rất lớn, dễ bị quá tải, kiệt quệ về thể chất, tinh thần... Hậu quả là chất lượng cuộc sống giảm sút, một số trường hợp phải rời bỏ công việc.
“Nhân viên y tế chỉ có thể chăm sóc tốt cho người bệnh khi bản thân họ khỏe mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Vì thế, chăm lo sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo hiệu suất làm việc và chất lượng dịch vụ y tế” - bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Mới đây, Sở Y tế TP.HCM ban hành 10 khuyến cáo triển khai hoạt động chăm sóc sức khỏe tâm thần, hạn chế thấp nhất hội chứng kiệt sức về thể chất và sức khỏe tâm thần ở nhân viên y tế.
Theo bác sĩ Châu, đây là bộ khuyến cáo được Sở Y tế TP.HCM phối hợp cùng các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực tâm thần - tâm lý biên soạn. Mục đích giúp lãnh đạo các đơn vị có giải pháp cải thiện, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế, từ đó đảm bảo hoạt động chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.
“Y tế là ngành đòi hỏi sự chính xác rất cao. Tuy nhiên, nhân viên y tế cũng là con người, có lúc không tránh khỏi sai sót.
Quan trọng là chúng ta làm gì để ngăn ngừa sự cố. Nếu nó không may xảy ra thì xử phạt làm sao, bảo vệ thế nào để họ không bị tổn thương, không thấy mình đơn độc" - bác sĩ Châu chia sẻ.
Bác sĩ Châu dẫn chứng, thời gian vừa qua có một số nhân viên y tế có hành động đáng tiếc. Khi sự việc đã xảy ra, các đồng nghiệp mới nhớ lại rằng mấy tháng nay người đó không muốn nói chuyện với ai, có dấu hiệu trầm cảm.
Theo bác sĩ Châu, cơ sở y tế phải thiết lập hệ thống phát hiện kịp thời dấu hiệu trầm cảm của nhân viên y tế để có biện pháp sơ cứu tâm lý tâm thần kịp thời. Sau đó, nếu tình hình nghiêm trọng, cần khởi động hệ thống cấp cứu trầm cảm để ngăn chặn sự việc đáng tiếc.
“Muốn làm được điều này, các đơn vị phải tạo cơ hội để nhân viên y tế khi có vấn đề về sức khỏe tâm thần dám lên tiếng, không sợ mọi người nói mình "bị điên”. Từ đó hướng đến mỗi bệnh viện sẽ thành lập được mạng lưới cộng tác viên chăm sóc sức khỏe tâm thần, tạo đầu mối để họ tin tưởng, nhờ trợ giúp khi cần” - bác sĩ Châu nói.
Ngoài ra, bác sĩ Châu cho rằng nhu cầu chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên tuyến y tế cơ sở cũng quan trọng không kém. Các trung tâm, trạm y tế không có đầy đủ bộ máy như bệnh viện tuyến trên, đây là thách thức lớn, đòi hỏi các đơn vị đưa ra giải pháp thành lập mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhân viên y tế tuyến cơ sở.
Nơi "sạc pin" cho nhân viên y tế
Hiện TP.HCM có hai phòng chăm sóc tâm thể cho nhân viên y tế, đặt tại Bệnh viện huyện Bình Chánh và Bệnh viện Phục hồi chức năng - Điều trị bệnh nghề nghiệp. Đây là hai phòng thí điểm để từ đó các bệnh viện trong TP có thể xây dựng các phòng tương tự, nhằm “sạc pin” và nạp năng lượng cho nhân viên y tế.
Bệnh viện huyện Bình Chánh may mắn có một phòng chăm sóc tâm thể cho nhân viên y tế. Ngoài áp lực công việc, nhân viên y tế còn áp lực gia đình, nếu không được giải tỏa thì từ stress sẽ thành rối loạn lo âu và những vấn đề nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ chuyên khoa II TÔ THỊ KIM PHỤNG - Phó Giám đốc Bệnh viện huyện Bình Chánh, TP.HCM