Nhanh chóng khơi thông các nguồn lực để TP.HCM tăng tốc phát triển

(PLO)- Khi những khu đất vàng, trụ sở bỏ hoang, các dự án được khơi thông, gỡ vướng… đưa vào hoạt động sẽ giúp TP.HCM tăng nguồn lực phát triển.

ThS Đậu Ngọc Linh, Học viện Cán bộ TP.HCM, nhìn nhận lãng phí không phải là một hiện tượng mới nhưng trong bối cảnh cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang hướng đến kỷ nguyên vươn mình thì tình trạng này đang là một rào cản cho sự phát triển của TP trong tương lai.

ThS Đậu Ngọc Linh, Học viện Cán bộ TP.HCM.

Đất vàng, tài nguyên chưa được khai thác hiệu quả

. Phóng viên: Thực trạng lãng phí tại TP.HCM được nhận diện ở những khía cạnh nào, thưa ông?

+ ThS Đậu Ngọc Linh: Tình trạng lãng phí tại TP.HCM hiện nay được thể hiện ở nhiều khía cạnh. Đó là tình trạng thất thoát tài chính, kém hiệu quả của các dự án đầu tư. Đó còn là việc sử dụng tài nguyên chưa hiệu quả, đặc biệt là đất đai, các công trình bị bỏ hoang, hay những công trình giao thông và hạ tầng chưa phát huy hết tiềm năng.

Nhiều khu vực được xem là “đất vàng” như Bạch Đằng, Thủ Thiêm, Thanh Đa… nằm ở vị trí chiến lược và có tiềm năng lớn nhưng chưa được khai thác triệt để.

Thay vì trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, văn hóa hoặc hạ tầng công cộng hiện đại, nhiều khu vực vẫn bị bỏ hoang, gây lãng phí lớn về nguồn lực và cơ sở phát triển. Một số dự án giao thông quan trọng như các tuyến metro hay đường vành đai triển khai chậm đã làm tăng chi phí đầu tư và làm ảnh hưởng tới quy hoạch, phát triển kinh tế do thiếu khả năng kết nối giao thông và phát triển đô thị không hiệu quả.

Có thể thấy lãng phí không chỉ là việc sử dụng sai nguồn lực mà còn là việc chưa tạo ra được giá trị gia tăng từ các nguồn lực có sẵn. Điều này gây ra nhiều hệ lụy như làm tăng chi phí vận hành, giảm hiệu quả đầu tư, gây áp lực cho ngân sách nhà nước, gây mất niềm tin từ nhà đầu tư và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như đời sống của người dân.

Tình trạng này đặt ra yêu cầu cấp bách về cải cách quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và tài sản công, đồng thời xây dựng cơ chế minh bạch và trách nhiệm giải trình để phát huy tối đa nguồn lực của TP.

. Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, lãng phí tài sản công là điều không thể chấp nhận trong bối cảnh đất nước đang tập trung mọi nguồn lực để phát triển.

+ Đúng vậy. Tình trạng nhiều khu đất, tài sản công chưa được khai thác triệt để là vấn đề lớn mà TP.HCM cần phải giải quyết. Khi chúng ta thay đổi các cơ chế, chính sách quản lý tài sản công, đặc biệt là đất đai sẽ giúp tăng cường khả năng sử dụng hiệu quả các nguồn lực này trong bối cảnh đang sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức bộ máy hành chính.

Tôi cho rằng TP.HCM cần tập trung vào chuyển đổi các khu đất công, các công trình, trụ sở công đang bị bỏ hoang thành những dự án có giá trị. Đồng thời, tạo ra một cơ chế pháp lý minh bạch, đơn giản, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận đất đai và các nguồn lực công để phát triển các dự án.

Việc đổi mới cơ chế quản lý, khai thác tài sản công sẽ giúp tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong sử dụng các nguồn lực.

Khu nhà khách tọa lạc tại số 1 Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM) là cơ sở nhà đất công nằm trên “tam giác vàng” giữa ba tuyến đường Lý Thái Tổ, Hùng Vương và Trần Bình Trọng gần ngã sáu Cộng Hòa nhưng nhiều năm nay vẫn đang bị bỏ hoang. Ảnh: THUẬN VĂN

Tổ chức tinh gọn bộ máy, đơn giản thủ tục

. Việc tinh gọn bộ máy cũng chính là tổ chức lại nguồn lực một cách hiệu quả hơn, thưa ông?

+ Một trong những yếu tố gây lãng phí lớn ở nhiều địa phương khác chính là bộ máy hành chính chưa thực sự hiệu quả, thủ tục hành chính còn rườm rà, thiếu đồng bộ cùng sự thiếu hợp lý trong phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước.

Điều này khiến các dự án đầu tư bị đình trệ, gây thất thoát và lãng phí; ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế địa phương và đời sống của người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ trong bài viết “Chống lãng phí” rằng sự phối hợp giữa các ngành, cơ quan chính quyền các cấp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Đồng thời, khẳng định cần phải cải cách toàn diện, đơn giản bộ máy hành chính, xây dựng hệ thống quản lý công hiệu quả, phục vụ tốt nhất cho nhu cầu phát triển của xã hội.

Để giải quyết tình trạng này, cùng với chủ trương chung của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết 18, TP.HCM cần tổ chức lại bộ máy chính quyền, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính và ngân sách. Một bước đi quan trọng nữa là cải thiện sự hợp tác giữa các cấp chính quyền, các đơn vị liên quan trong phát triển dự án và xử lý công việc.

Khu nhà khách tọa lạc tại số 1 Lý Thái Tổ (quận 10, TP.HCM) nhìn từ trên cao xuống. Ảnh: NGUYỄN TIẾN

Không để lãng phí bất kỳ cơ hội nào

. Hướng tới kỷ nguyên mới, TP.HCM cần có sự thay đổi bứt phá ra sao trong phòng, chống lãng phí?

+ Để vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, bên cạnh cải cách thể chế, tổ chức bộ máy hành chính, TP.HCM cũng cần thay đổi trong tư duy quản lý. Cùng với đó là tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thúc đẩy các dự án phát triển cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đồng thời cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra rằng chúng ta không thể chần chừ, phải hành động mạnh để khơi thông nguồn lực phát triển, không để lãng phí bất kỳ cơ hội nào. Để làm được điều này đòi hỏi sự quyết tâm trong cải cách, sự đồng thuận cao từ mọi cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Việc cải cách thể chế, tổ chức lại bộ máy hành chính, kết hợp với các chiến lược phát triển hạ tầng mạnh mẽ sẽ giúp TP.HCM phát huy tối đa tiềm năng của mình. Thực hiện những thay đổi này một cách quyết liệt, đồng bộ là cách duy nhất giúp TP tiến gần hơn đến mục tiêu trở thành một đô thị thông minh, hiện đại và phát triển bền vững.

Thiết nghĩ lãng phí hiện nay không chỉ là vấn đề về kinh tế mà còn là rào cản trong việc xây dựng TP.HCM thành một đô thị phát triển bền vững.

Để loại bỏ những nút thắt này, TP cần thực hiện đồng bộ các giải pháp mang tính bứt phá trong thời gian tới. Những cải tiến này vừa giúp giảm thiểu lãng phí vừa tạo nền tảng vững chắc để TP.HCM bước vào kỷ nguyên phát triển mới, trở thành trung tâm kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của cả nước.

. Xin cảm ơn ông.

PGS-TS TRẦN HOÀNG NGÂN, đại biểu Quốc hội TP.HCM:

Tổng rà soát các dự án tồn đọng trước thềm Đại hội XIV

Giữa tháng 10-2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết nêu lên các vấn đề về chống lãng phí. Sau đó, trong phát biểu tại các phiên thảo luận tổ của kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV cùng nhiều phiên họp khác, Tổng Bí thư cũng nhắc đến tình trạng lãng phí ở những dự án trọng điểm, khu đất vàng…

Điều này khiến người dân như vỡ òa cảm xúc vì cảm nhận được người đứng đầu Đảng đã nhìn thấy việc rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay. Chống lãng phí là giải pháp đa mục tiêu, có ý nghĩa rất lớn trong giai đoạn mà lãng phí đang xảy ra ở khắp nơi, không chỉ ở TP.HCM hay riêng một tỉnh, thành nào, không chỉ ở khu vực công mà còn cả khu vực tư.

Thủ tướng tiếp đó cũng đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng đối với các dự án, công trình tồn đọng, dừng thi công kéo dài, trụ sở, công sở…

PGS-TS Trần Hoàng Ngân. Ảnh: PHẠM THẮNG

Trên thực tế, các tỉnh, thành đều có nhiều dự án đầu tư dang dở, “đắp chiếu” nhiều năm. Có những công trình, dự án triển khai được trên 60%, thậm chí 90% rồi và chỉ còn vài % nữa là xong nhưng không thực hiện tiếp được mà đành nằm yên một thời gian dài. Đây chính là vấn đề lãng phí, gây bức xúc lớn trong nhân dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhắc đến và trong công điện của Thủ tướng cũng chỉ ra các dự án như BV Ung bướu TP Cần Thơ, BV Bạch Mai và BV Việt Đức Cơ sở 2, dự án chống ngập TP.HCM hay Trung tâm điều hành, giao dịch Vicem…

Tại TP.HCM còn có các trụ sở nhà đất của các cơ quan Trung ương đang đóng trên địa bàn nhưng bị bỏ hoang nhiều năm, gây lãng phí hoặc liên quan đến các kết luận thanh tra, kiểm tra, đơn cử như tòa nhà số 1 Lý Thái Tổ, quận 10.

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, với tinh thần quyết liệt từ Trung ương, tôi kiến nghị các bộ, ngành Trung ương cùng các địa phương thực hiện đợt tổng rà soát tất cả công trình, dự án có dấu hiệu lãng phí như một chiến dịch. Qua đó, lên danh mục và trình tự thực hiện giải quyết, khơi thông các công trình, dự án này và phải thực hiện trước thềm Đại hội XIV của Đảng.

Trong đó, phải rà soát nguyên nhân khiến các dự án này đình trệ và phân nhóm để thuận tiện xử lý. Đặc biệt, cần ưu tiên trước những dự án trọng điểm sắp hoàn thành; ưu tiên những dự án mặt tiền, khu đất vàng vì đây chính là bộ mặt của quốc gia, tạo cái nhìn thiện cảm của du khách, lãnh đạo quốc tế khi đến Việt Nam. Ngoài ra cũng cần ưu tiên cho các dự án có vốn lớn trước như dự án chống ngập, metro, các đường vành đai, các công trình trọng điểm…

Cùng với đó, ưu tiên xử lý dứt điểm các nhà đất công là trụ sở của cơ quan Trung ương, bộ, ngành đóng trên địa bàn nhưng không sử dụng…

Nếu chúng ta làm được những việc này sẽ hoàn toàn khơi thông các nguồn lực sẵn có nhưng đang bị lãng phí nhiều năm, giúp các địa phương có thêm nguồn lực cần thiết cho sự phát triển, tạo an sinh xã hội, giảm bức xúc trong dân và củng cố thêm niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước.

LÊ THOA ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới