Nhập khẩu 'ý tưởng phát triển', trọng dụng nhân tài sẽ giúp Việt Nam cất cánh

(PLO)- “Hầu hết những nước bứt phá phát triển đều đã áp dụng phương thức thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới làm tư vấn, quy hoạch, thiết kế, phản biện ...” - PGS-TS Võ Đại Lược.

Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ số Việt Nam lần thứ VI vừa diễn ra, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh thách thức Việt Nam đang đối diện: “Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu điện thoại di động thông minh; thứ năm về linh kiện máy tính... nhưng thử hỏi chúng ta đóng góp được bao nhiêu phần trăm giá trị trong đó?”. Theo Tổng Bí thư, dù có những con số ấn tượng về xuất khẩu, Việt Nam vẫn chủ yếu gia công lắp ráp, giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài.

PGS-TS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM xung quanh phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm về các hạn chế của DN nói riêng, kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung, nhất là trong việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Ông Lược cho rằng: “Yêu cầu đặt ra hiện nay là các chính sách cần bảo đảm phát triển nhanh, bền vững để Việt Nam không rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Có như vậy thì không chỉ DN, mà cả đất nước Việt Nam sẽ cất cánh”.

PGS-TS Võ Đại Lược

Nếu có chính sách tốt, chắc chắn DN Việt sẽ bứt phá

. Phóng viên: Thưa ông, cho đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) và điều này được coi là một minh chứng cho một Việt Nam hội nhập, vươn lên tham gia vào các phân khúc cao của chuỗi giá trị toàn cầu?

+ PGS-TS Võ Đại Lược: Đúng là chúng ta đã chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ cân bằng quan hệ với các nước. Việt Nam đã tận dụng tốt các FTA đã ký do vậy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam luôn gia tăng. Tuy nhiên, cũng có những vấn đề cần quan tâm xử lý.

Cho đến nay các DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã tận dụng tốt nhất các FTA này, khi chiếm trên 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh của các công ty Việt Nam còn yếu kém nên chưa tận dụng tốt các FTA.

Điều này đặt ra yêu cầu cần có chính sách hỗ trợ cho các DN tư nhân Việt Nam phát triển đủ sức tận dụng các thị trường đã mở. Những chính sách này có thể gồm: Giảm bớt thủ tục phiền hà gây khó cho DN, hỗ trợ DN tư nhân Việt Nam vay vốn, đào tạo nhân lực, ứng dụng công nghệ mới... Những chính sách hỗ trợ cho DN tư nhân Việt Nam đến nay vẫn còn kém các DN FDI. Các chính sách ưu đãi cho các DN tư nhân Việt Nam ít nhất cũng phải ngang bằng với các DN FDI.

Nếu có được những chính sách tốt thì chắc chắn DN Việt sẽ bứt phá. Bởi thực tiễn hiện nay, trong bối cảnh lãi suất rất cao, môi trường kinh doanh chưa hẳn là thuận lợi, thủ tục hành chính còn rườm rà, xin cho vẫn tồn tại… mà các DN Việt Nam còn có những bước tiến như vậy thì khi được cởi trói, có chính sách tốt thì việc các DN Việt Nam bứt phá là tất yếu.

. Thưa ông, thực tế thì FDI vẫn đang được thu hút và khối này cũng đang có những đóng góp nhất định cho nền kinh tế Việt Nam cũng như tác động đến DN Việt Nam theo hướng tích cực.

+ Đúng vậy. Nhưng kinh tế Việt Nam đến nay vẫn là một nền kinh tế gia công kể cả công nghiệp và nông nghiệp. Một nền kinh tế gia công luôn bị phụ thuộc vào bên ngoài, khó đảm bảo được tính độc lập tự chủ và bứt phá. Ngay ở các khu công nghệ cao của Việt Nam cũng có rất ít các trung tâm nghiên cứu triển khai, mà chủ yếu vẫn gồm các công ty, DN tập trung vào sản xuất, gia công.

Do vậy Việt Nam muốn phát triển bứt phá sáng tạo thì phải phát triển mạnh mẽ các trung tâm nghiên cứu triển khai (R&D). Nhà nước ban hành một chính sách đầu tư thỏa đáng để phát triển các trung tâm nghiên cứu triển khai.

Một số doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm với hàm lượng giá trị gia tăng nội địa ngày càng cao. Ảnh: QH

Đề xuất nhập khẩu “ý tưởng phát triển”

. Một chính sách như ông đề cập thì rõ ràng các công ty FDI với thực lực về vốn, kinh nghiệm và cả những ưu đãi sẽ chiếm ưu thế. Vậy cần lưu ý những gì khi lựa chọn chính sách để tận dụng tốt nguồn lực FDI, thưa ông?

+ Chúng ta cần xác định ngay rằng: Việt Nam có lợi thế là nước đi sau, do vậy có thể nghiên cứu, ứng dụng, nhập khẩu các bằng phát minh sáng chế, các ý tưởng phát triển mới, ứng dụng và thương mại hóa. Đây cũng chính là định hướng “đi tắt đón đầu” mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước khẳng định rất nhiều lần. Tuy vậy, muốn làm được những điều này thì phải có các chính sách phát triển khoa học công nghệ cụ thể.

Trước hết, cần phải có chính sách trọng dụng các nhân tài khoa học công nghệ trong và ngoài nước bởi đây là lực lượng sáng tạo, là đầu tư sinh lợi lớn nhất. Chúng ta có thể tham khảo chính sách trọng dụng nhân tài của Mỹ, Singapore... vì họ đã làm chính sách này rất có hiệu quả và đã được quốc tế thừa nhận.

Tôi cũng đã từng đề xuất định hướng nhập khẩu “ý tưởng phát triển” vốn đang rất đa dạng, có ở trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội… hiện nay. Hầu hết những nước bứt phá phát triển đều đã áp dụng phương thức thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới làm tư vấn, quy hoạch, thiết kế, phản biện... Các hình thức tổ chức hội thảo quốc tế, tổ chức đi nghiên cứu khảo sát thực tập nước ngoài... cũng là những hình thức được áp dụng phổ biến.

Chỉ thu về một tỉ lệ nhỏ trong tổng giá trị hàng xuất khẩu

Trong báo cáo với chủ đề “Việt Nam 2045 nâng cao vị thế thương mại trong một thế giới đang thay đổi” phát hành mới đây, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết hiện nay DN nước ngoài đóng góp 73% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, hầu hết DN trong nước có xu hướng tập trung vào các lĩnh vực không có khả năng giao dịch thương mại như các lĩnh vực dịch vụ truyền thống, xây dựng hoặc bất động sản, chưa có khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, trực tiếp hoặc gián tiếp với tư cách là nhà cung cấp.

Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2023, chỉ có 18% DN có kết nối với các chuỗi giá trị toàn cầu, giảm 17 điểm phần trăm so với năm 2009. Chính vì vậy, Việt Nam mới chỉ thu về một tỉ lệ nhỏ trong tổng giá trị hàng xuất khẩu.

MINH PHƯƠNG

. Đề xuất nhập khẩu bằng phát minh, sáng chế và công nghệ hiện đại vừa rồi đã thể hiện trong Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị… Theo ông, cần làm gì để cụ thể hóa những định hướng tiến bộ trong nghị quyết này?

+ Thực tế, hiện nay Việt Nam chưa có cơ chế đủ mạnh để khuyến khích các công ty nhập bằng phát minh sáng chế, do vậy nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào gia công, lắp ráp... Việc Chính phủ vừa qua ký kết với Tập đoàn NVIDIA thành lập trung tâm R&D về bán dẫn là một điều đáng lưu ý và cần được khuyến khích.

Ở góc độ chung về chính sách, tôi cho rằng: Nhà nước cần đầu tư cho một số trung tâm nghiên cứu triển khai nhập khẩu bằng phát minh sáng chế áp dụng và thương mại hóa. Cùng với đó là khuyến khích và ưu đãi đặc biệt cho các công ty Việt Nam nhập khẩu bằng, phát minh sáng chế và ứng dụng.

Từ trường hợp của Tập đoàn NVIDIA vừa rồi, Nhà nước cần khuyến khích và ưu đãi cho các tập đoàn nước ngoài thành lập các trung tâm nghiên cứu triển khai ở Việt Nam. Đồng thời, ưu đãi đặc biệt cho các công ty nước ngoài cam kết chuyển giao công nghệ cho Việt Nam, khuyến khích các công ty nước ngoài liên doanh với các công ty Việt Nam và có chuyển giao công nghệ.

Và cuối cùng là thành lập các quỹ đầu tư “ rủi ro” để hỗ trợ vốn cho các công ty Việt Nam ứng dụng các phát minh sáng chế.

Việt Nam cần chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành lấy công nghệ làm hạt nhân. Ảnh: QH

Coi trọng đổi mới thể chế và xem đó là khâu đột phá quan trọng nhất

. Có một vấn đề được nói đến nhiều năm nay, đó là thể chế. Nhiều chuyên gia và kể cả ông cũng nhiều lần nhận định rằng thể chế, đang làm tắc nghẽn nhiều thứ. Tổng Bí thư Tô Lâm mới đây cũng cho rằng thể chế đang là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”…

+ Xét cách toàn diện, Việt Nam đã có đủ các loại luật nhưng vấn đề là một số luật của Việt Nam khi đưa vào thực hiện đạt hiệu quả thấp. Chẳng hạn Luật Phá sản. Hằng năm, Việt Nam có hàng chục ngàn DN dừng hoạt động nhưng số DN thực hiện phá sản theo luật chỉ tính hàng trăm.

Các dự thảo luật của Việt Nam đều do các bộ chuyên ngành soạn thảo, các nhóm lợi ích có thể cài cắm cơ chế “xin - cho” vào, do vậy hiệu lực của luật kém.

Điều đáng mừng và ghi nhận là từ Đại hội VI đến nay, Đảng luôn coi trọng đổi mới thể chế và xem đó là khâu đột phá đầu tiên, quan trọng nhất. Các nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy các nước xung quanh Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đã có những quyết định theo hướng “xuất Á, nhập Âu” mà thực chất là nhập thể chế. Nhờ vậy, họ đã khai thông dòng vốn và công nghệ, thương mại với các nước phát triển, tạo tiền đề cho các quốc gia này bứt phá.

Còn với Việt Nam, trong báo cáo ngày 18-5-2022, Ngân hàng Thế giới nhận xét: “Thể chế là trở ngại lớn để Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao”.

. Ông từng khẳng định rằng căn bản nhất vẫn là câu chuyện đổi mới tư duy phát triển…

+ Từ năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có những đổi mới về tư duy và quan điểm phát triển quan trọng: Đã chuyển từ tư duy và cơ chế kế hoạch bao cấp sang kinh tế thị trường hội nhập quốc tế. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong đổi mới tư duy và hành động của Đảng và Nhà nước ta, do vậy nước ta đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội hết sức quan trọng. Song sự phát triển của cơ chế thị trường nước ta vẫn còn vấp những giới hạn quan trọng.

Do vậy Việt Nam phải đổi mới tư duy mạnh mẽ hơn nữa để hiện đại hóa cơ chế thị trường của Việt Nam theo kịp các nước tiên tiến khác. Việc tinh gọn bộ máy lần này có thể là một trong những việc cần làm.

Có thể khẳng định rằng: Việt Nam đang có nhiều lợi thế cả trong và ngoài nước để phát triển bứt phá, tuy những thách thức và lực cản không ít.

. Xin cảm ơn ông.

Có chính sách trọng dụng nhân tài tốt thì quốc gia mới phát triển

. Những vấn đề ông trao đổi chắc hẳn không thể một sớm một chiều thực hiện ngay và cần nhiều giải pháp, nguồn lực. Vậy theo ông, đâu là giải pháp, nguồn lực quan trọng nhất?

+ Chúng ta biết rằng nguồn lực quan trọng nhất của mọi quốc gia đó là nhân tài. Những quốc gia nào có chiến lược và chính sách trọng dụng nhân tài tốt thì các quốc gia đó phát triển.

Trong các vị trí quản trị đất nước, vị trí đứng đầu đất nước là quan trọng nhất: Cần có cơ chế tuyển chọn được những người xứng đáng. Tiêu chí quan trọng nhất để tuyển chọn đó là thành tích cụ thể. Những thành tích cụ thể đó phải được xã hội công nhận chứ không chỉ là bằng cấp, học hàm, học vị.

Chẳng hạn là nhà khoa học phải có công trình phát minh, sáng chế. Những người đứng đầu các cơ quan công quyền phải hết lòng vì dân và được dân thừa nhận. Nhà nước phải có chính sách đào tạo đặc biệt, sử dụng hợp lý, đãi ngộ phù hợp. Phải hạn chế và tiến tới dẹp được tệ nạn “chạy chức, chạy quyền” để người tài còn ứng thí vào cơ quan công quyền.

Từ kinh nghiệm quốc tế và thực tế Việt Nam tôi cho rằng Việt Nam phải xây dựng một chiến lược và chính sách trọng dụng nhân tài trong giai đoạn 10 năm tới và có tầm nhìn 50 năm.

Trọng dụng nhân tài phải là quốc sách quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Mặc dù hiện nay Việt Nam đã rất xem trọng giáo dục và đào tạo, xem trọng công tác quy hoạch cán bộ các cấp, thực hiện rất tích cực cuộc chiến chống tham nhũng lãng phí..., tuy nhiên tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, “chạy danh hiệu” ... vẫn còn tồn tại.

Chính tình trạng tiêu cực này đã ngăn cản những người có tài đảm nhiệm các chức vụ quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước. Mà trong bối cảnh hiện nay, nhân tài trong bộ máy là điều kiện hết sức quan trọng. Vì chỉ có nhân tài mới sản sinh ra được thể chế tốt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới