Nhật Bản phải lo cho dân trước khi giúp người tị nạn Syria

Nhật cần phải nâng cao mức sống của người dân mình trước khi nghĩ đến việc tiếp nhận người tị nạn Syria.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã khẳng định như vậy khi công bố gói hỗ trợ mới trị giá 1,6 tỉ USD dành cho người dân Syria và Iraq mắc kẹt trong những cuộc xung đột tại Trung Đông.
Việc ông Abe nhất định từ chối xem xét cho phép dù chỉ một số lượng ít ỏi người tị nạn được chuyển đến đất nước mặt trời mọc đã dấy lên sự chỉ trích đối với chính sách ngặt nghèo về vấn đề tị nạn của nước này.
Trong năm ngoái, Nhật đã nhận được số đơn xin tị nạn kỷ lục lên đến 5.000 đơn nhưng chỉ đồng ý cấp phép cho 11 người.

Phát biểu tại Đại hội đồng LHQ, Thủ tướng Abe nhấn mạnh Nhật trước hết phải đối phó với những cuộc khủng hoảng trong nước do tỉ lệ sinh giảm thấp và một dân số già cũng như tiếp tục nỗ lực nâng cao số phụ nữ tham gia thị trường lao động.

 Một gia đình người tị nạn Syria đã đến được bờ biển của đảo Lesbos, Hy Lạp. (Ảnh: Aris Messinis/AFP/Getty Images)

Trao đổi với các PV sau bài diễn văn đọc trước đại hội đồng, Thủ tướng Nhật nói rằng: "Đây là một vấn đề về dân cư. Tôi cho là trước khi tiếp nhận người nhập cư hoặc người tị nạn, chúng tôi cần phải có thêm nhiều hoạt động có vai trò của phụ nữ, người lớn tuổi và phải tăng được tỉ lệ sinh. Vẫn còn nhiều điều chúng tôi phải làm trước khi tiếp nhận người nhập cư".
Ông còn bổ sung thêm rằng Nhật, ứng viên đang nỗ lực cho một ghế ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an, sẽ “làm tròn trách nhiệm của mình” trong việc giải quyết các nguyên nhân của cuộc khủng hoảng người tị nạn.
“Nhật mong muốn góp sức bằng cách thay đổi những điều kiện dẫn đến việc trở thành người tị nạn. Nguyên nhân của thảm cảnh này chính là nỗi sợ bạo lực, khủng bố và đói nghèo. Thế giới cần phải hợp tác với nhau để giúp họ tìm ra cách thoát nghèo”.
Gói viện trợ mới nhất của Nhật bao hàm 810 triệu USD dành cho người tị nạn và những người lưu lạc ở trong nước vì trốn tránh chiến tranh tại Syria và Iraq.
Số tiền này đã tăng gấp ba lần so với năm ngoái. Ngoài ra còn có 750 triệu USD cung cấp cho các nỗ lực kiến thiết hòa bình tại Trung Đông và châu Phi.

Các tổ chức nhân quyền đã nhấn mạnh việc Nhật và các nước có thu nhập cao khác như Nga, Singapore hay Hàn Quốc đã không thể giúp giảm bớt áp lực lên các nước ở Trung Đông và châu Âu giữa lúc các nước này phải gồng mình đối phó với dòng người khổng lồ trong cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất trên thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.

 Dòng người di cư khổng lồ đang đổ về châu Âu gây nên cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất trên thế giới kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. (Ảnh: Yannis Behrakis/Reuters)

Tuy nhiên, Nhật lại đưa ra báo cáo của mình về việc cung cấp viện trợ cho người tị nạn: Năm ngoái nước này đã đóng góp 181,6 triệu USD cho cơ quan phụ trách người tị nạn của LHQ, chỉ đứng thứ hai sau Mỹ. Nhưng nước này cũng không gắn các khoản hỗ trợ tài chính với việc cam kết tiếp nhận người tị nạn đến từ Syria và các quốc gia khác.
Theo Tổ chức người di cư Nhật, trong số 60 người Syria đang sinh sống tại quốc đảo này xin hưởng quy chế người tị nạn, có ba người đã thành công và khoảng 30 người khác được cho phép định cư dài hạn vì lý do nhân đạo.
Trong một diễn biến liên quan, mặc dù không nêu đích danh nước nào nhưng Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Donald Tusk có vẻ như lên án “hành vi đạo đức giả” của các nước vùng Vịnh khi chỉ trích các quốc gia châu Âu không tiếp nhận đủ người tị nạn trong khi chính mình lại từ chối tiếp nhận bất kỳ ai.
Nhà lãnh đạo EU phát biểu: "Nhiều nước được nói đến ở đây giải quyết vấn đề này theo cách đơn giản hơn rất nhiều, đó là không cho phép người di cư và người tị nạn bước vào lãnh thổ của họ một chút nào hết".

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm