Cố vấn cấp cao Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đề nghị với chính phủ nước này xem xét đến việc gia tăng trong danh sách nhận viện trợ nước ngoài của họ những quốc gia giàu có hơn, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu của thủ tướng Shinzo Abe muốn đem đến vị thế mới trong vấn đề an ninh toàn cầu và ngoại giao cho Tokyo.
Chủ trương của chính phủ là hạn chế tối đa những nguồn tài trợ cho các nhóm quân sự. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các tổ chức cứu hộ, cứu nạn lại liên quan trực tiếp từ lực lượng này. Do đó, chính sách về ODA trong các trường hợp cá biệt cũng sẽ được xem xét.
Việt Nam cũng là một trong các nước được Nhật Bản hỗ trợ ODA. Ảnh: TTXVN
Hiện Nhật đang xây dựng một chương trình mới cho quỹ hỗ trợ ODA , trong đó bao gồm những điều khoản, nguyên tắc và tiêu chuẩn mới cho các đối tượng nhận gói hỗ trợ này. Theo Reuters, quy định mới dự kiến sẽ hoàn thiện vào cuối năm nay, sau khi thu thập đầy đủ ý kiến đóng góp từ các tổ chức liên quan.
“Cái quan trọng là lựa chọn được các tiêu chí thích hợp để hỗ trợ cho nhu cầu phát triển cụ thể nhất của một đất nước, không chỉ căn cứ trên số liệu về thu nhập hay các yếu tố tương tự khác”, cố vấn chương trình ODA nói.
Những nước trong khu vực vùng biển Caribbe và Trung Đông có thể sẽ được nhận viện trợ trong giai đoạn mới. Các cố vấn cũng đề nghị chính phủ phối hợp chặt chẽ hơn với khu vực kinh tế tư nhân, nhằm tối đa hóa hiệu quả hỗ trợ phát triển nước ngoài của Nhật Bản. Đây sẽ là một bước đi quan trọng giúp các công ty Nhật Bản giành chiến thắng trong những bản hợp đồng, giao dịch ở nước ngoài.
Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12-2012, thủ tướng Abe đã đi rất nhiều nơi để thúc đẩy phát triển chính sách của Nhật Bản tại nước ngoài, nhằm đem lại lợi ích cho thị trường kinh doanh tại nước ngoài của các doanh nghiệp Nhật. Bằng cách thức này, trong năm 2013, các công ty Nhật đã thu được khoảng 9 ngàn tỉ yên (tương đương 88,2 tỉ USD), tăng gấp 3 lần so với năm 2012.
An Khương