Nhật: Cấm thu giữ hộ chiếu tu nghiệp sinh

Bộ Tư pháp Nhật vừa ra thông báo sẽ điều chỉnh lại một số quy định về quản lý lao động nước ngoài trong các công ty Nhật. Đây là lần đầu tiên sau tám năm, chính phủ Nhật mới xem xét lại các quy định về quản lý tu nghiệp sinh nước ngoài.

Theo quy định mới, các công ty Nhật không được thu giữ hộ chiếu cũng như giấy chứng nhận đăng ký nước ngoài của các tu nghiệp sinh học tập hoặc lao động tại Nhật.

Hiện nay, nhiều công ty ở Nhật vẫn sử dụng biện pháp thu giữ giấy tờ của tu nghiệp sinh để giữ chân tu nghiệp sinh khỏi bỏ đi tìm việc ở công ty khác hoặc đi lại lung tung. Tuy nhiên, theo nhận xét của Bộ Tư pháp Nhật, hành vi cản trở người lao động đi lại như thế đã vi phạm pháp luật.

Quy định mới cũng bắt buộc các công ty Nhật chỉ được tiếp nhận lao động thông qua các tổ chức có thẩm quyền được cơ quan chức năng cấp phép. Các công ty Nhật cũng không được phép quảng cáo sai lệch làm tu nghiệp sinh hiểu lầm có thể được tuyển dụng sau khi kết thúc lớp nâng cao tay nghề.

Bộ Tư pháp cũng yêu cầu các công ty Nhật không được tiếp nhận lao động, nếu biết các công ty cung ứng dịch vụ lao động ép buộc người lao động đó phải trả thêm những khoản chi phí ngoài quy định.

Tại Nhật, các chương trình vừa học nghề vừa trực tiếp lao động sản xuất tại các công ty kéo dài trong thời gian ba năm. Năm đầu tiên được xem như thời gian thực tập, lao động nước ngoài không thuộc đối tượng được Luật Lao động Nhật bảo vệ.

Từ năm thứ hai trở đi, lao động nước ngoài mới được xem là tu nghiệp sinh và được hưởng nhiều quyền lợi hơn.

Đối với Việt Nam, qua hơn 15 năm hợp tác giữa Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội với Tổ chức Hợp tác đào tạo quốc tế Nhật, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhận thấy công việc và hình thức tu nghiệp tại Nhật rất phù hợp với lao động Việt Nam. Từ năm 1992 đến nay, Việt Nam đã đưa hơn 25.000 lao động sang Nhật tu nghiệp.

Tại Singapore ngày 20-12, tài xế xe tải Eric Au Choon Yong 28 tuổi đã bị kết án 18 tháng tù về tội hối lộ cảnh sát để lo thủ tục gia hạn lưu trú cho 53 phụ nữ người Trung Quốc và Việt Nam. Trước đó, sĩ quan cảnh sát Daniel Teo Guan cũng bị tuyên án bốn năm tù vì đã nhận 10.500 đô la Singapore (115,5 triệu đồng VN) để chạy gia hạn thẻ lưu trú.

Theo luật của Singapore, cảnh sát có thể đề nghị với Cục Di dân về những trường hợp đặc biệt cần gia hạn lưu trú thêm một tháng để ra làm nhân chứng. Lợi dụng quyền hạn đó, Daniel Teo Guan ra giá mỗi thẻ lưu trú 500 đô la Singapore (5,5 triệu đồng VN). Eric Au Choon Yong đã chặt cò với giá tăng lên gấp rưỡi.

Minh Nhựt (Theo The Yomiuri Shimbun)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới