Nhật có thể nhanh chóng xây dựng kho chiến lược tên lửa phóng từ mặt đất và tàu ngầm có khả năng gây thương vong đến 30 triệu dân Trung Quốc nếu xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Báo The Washington Free Beacon ngày 7-10 (giờ địa phương) đưa tin kịch bản nêu trên được nêu trong báo cáo nghiên cứu của Văn phòng Thẩm định thực tế (trực thuộc Lầu Năm Góc).
27% dân Nhật sẽ thiệt mạng
Con số thương vong nêu trong báo cáo được suy ra từ kịch bản Trung Quốc bắn tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tấn công Nhật. Báo cáo ghi nhận trong tình huống giả định này, Nhật không phải là đối thủ của Trung Quốc vì sẽ có đến 27% dân số Nhật thiệt mạng, tức 34 triệu nạn nhân.
Báo cáo tiết lộ Nhật có thể trang bị vũ khí hạt nhân trong thời gian 10 năm dựa trên cơ sở hạ tầng tiên tiến về hạt nhân, tên lửa phóng không gian, tên lửa hành trình và tàu ngầm. Dù vậy, theo dự báo, nếu Trung Quốc đã tấn công hạt nhân thì Nhật khó đương đầu.
Báo cáo của Văn phòng Thẩm định thực tế được công bố vào lúc căng thẳng đang gia tăng giữa Tokyo và Bắc Kinh liên quan đến tranh chấp quần đảo Senkaku của Nhật trên biển Hoa Đông.
Các lực lượng quân sự của Trung Quốc và Nhật đã chơi trò mèo vờn chuột trên biển và trên không gần Senkaku từ nhiều năm nay.
Báo cáo nêu trên cũng phản ánh rõ mối quan tâm trong chính phủ Mỹ rằng các đồng minh không có vũ khí hạt nhân của Mỹ đã trù tính phát triển kho vũ khí hạt nhân.
Nhật có thể phát triển vũ khí hạt nhân từ tên lửa và tàu ngầm. Ảnh: HẢI QUÂN MỸ
Mỹ suy yếu, Nhật phải tự lo
Trong những năm qua, Nhật đã tăng cường xây dựng lực lượng phòng vệ và đã giải thích lại hiến pháp hòa bình nhằm mở rộng hoạt động quân sự. Hồi tháng 4, chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã từng trình bày trước Quốc hội rằng Hiến pháp Nhật không cấm sở hữu vũ khí hạt nhân.
Hiện thời Mỹ đang sử dụng tên lửa hạt nhân, tàu ngầm và máy bay ném bom chiến lược tầm xa để bảo đảm an ninh cho Nhật và Hàn Quốc. Tuy nhiên, các lực lượng hạt nhân của Mỹ đang già cỗi và cần hiện đại hóa.
Ngược lại, Nga và Trung Quốc đang hiện đại hóa các lực lượng hạt nhân trong khi CHDCND Triều Tiên cũng đang xây dựng sức mạnh hạt nhân riêng. Chiếu theo thỏa thuận về hạt nhân của chính quyền Mỹ với Iran, Tehran có thể sẽ có khả năng phát triển vũ khí hạt nhân sau 10 năm nữa.
Trong bối cảnh đó, báo cáo của Văn phòng Thẩm định thực tế đánh giá Lầu Năm Góc cần khẩn cấp xem xét các giải pháp hạt nhân của Nhật. Bởi lẽ Nhật đang lo ngại khả năng bảo đảm an ninh hạt nhân hiện nay của Mỹ đối với đe dọa tấn công hạt nhân từ Trung Quốc hay Triều Tiên không đủ sức ngăn chặn Bắc Kinh và Bình Nhưỡng.
Theo báo cáo, các yếu tố có thể thúc đẩy Nhật tiến hành chương trình hạt nhân gồm chính sách răn đe của Mỹ suy giảm quan trọng, Hàn Quốc xây dựng vũ khí hạt nhân, Iran tiến hành thử nghiệm hạt nhân, Nga hoặc Trung Quốc sử dụng vũ khí hạt nhân.
Đánh động nguy cơ đe dọa từ Trung Quốc
Ngày 10-6, một cuộc họp hẹp với chủ đề “Các hoạt động hạt nhân và các mối liên quan” đã được tổ chức tại Washington. Thành phần tham dự gồm các quan chức phụ trách về hạt nhân và quốc phòng Mỹ.
Nội dung cuộc họp nhằm đánh giá cách thức Nhật có thể triển khai và sử dụng tên lửa hạt nhân được chế tạo từ tên lửa phóng không gian và tàu ngầm.
Cuộc họp do Tập đoàn Chiến lược dài hạn (gồm các chuyên gia tư vấn) tổ chức. Chủ tịch tập đoàn là Jacqueline Newmyer Deal, bạn của Chelsea Clinton (con gái bà Hillary Clinton, Phó Chủ tịch Quỹ Clinton). Văn phòng Thẩm định thực tế của Lầu Năm Góc đã chi tiền tổ chức cuộc họp nêu trên.
Văn phòng Thẩm định thực tế phụ trách thẩm định về chiến lược trong các thỏa thuận quân sự giữa Mỹ với nước ngoài cũng như thẩm định các mối đe dọa như IS.
Trong hơn 40 năm hoạt động, cơ quan này đã trở thành văn phòng tư vấn về quốc phòng, hằng năm chi tiêu từ 10 triệu đến 20 triệu USD cho các doanh nghiệp.
Trong thập niên vừa qua, Văn phòng Thẩm định thực tế đã giữ vai trò quan trọng trong việc cảnh báo nguy cơ đe dọa ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Các nghiên cứu của cơ quan này về Trung Quốc đã giúp điều chỉnh quan điểm lệch lạc của một số nhà lãnh đạo quân sự cho rằng Trung Quốc chỉ là một cường quốc vô hại.
Báo The Washington Free Beacon cho biết ngoại trừ nghiên cứu về chiến tranh hạt nhân ở Nhật, Văn phòng Thẩm định thực tế cũng đưa ra nhiều nghiên cứu bị chỉ trích là không thích đáng hoặc có giá trị khó tin cậy. Cụ thể như: . Báo cáo của Tập đoàn Chiến lược dài hạn đánh giá người Mỹ là dân tộc hiếu chiến do hấp thụ văn hóa của dân tộc Scotland di dân sang châu Mỹ. Chi phí cho báo cáo này tốn hơn 60.000 USD. . Công trình nghiên cứu trong hai năm về bộ điệu gương mặt và cơ thể của các nhà lãnh đạo Nga và Trung Quốc (được gọi là “phân tích mô hình chuyển động”) để phát triển khả năng giải mã các nhà lãnh đạo nước ngoài khi đưa ra quyết định. Chi phí nghiên cứu tốn từ 300.000 đến 800.000 USD. . Báo cáo tìm hiểu văn hóa Trung Quốc thông qua các bộ phim tuyên truyền. . Công trình nghiên cứu về giới trí thức phản chiến Mỹ với tựa đề “Chiến tranh và giới trí thức: Các xu hướng về thái độ của giới trí thức Mỹ đối với chiến tranh” kèm theo báo cáo đính kèm. Nghiên cứu khẳng định hố sâu giữa giới trí thức và công dân yêu nước ít học Mỹ sẽ dẫn đến bạo lực dân sự trong tương lai. Chi phí nghiên cứu ngốn khoảng 100.000 USD. |